“Con thương ơi, con quý ơi, nhà trẻ đó con nằm con chơi. Con thương ơi, con quý ơi, mẹ địu con đi nhà gửi trẻ” (*). Lâu lắm rồi, chúng ta chẳng còn nhìn thấy hình ảnh “mẹ địu con đi nhà gửi trẻ” thân quen một thời như trong lời bài hát. Cũng lâu lắm rồi, chẳng còn thấy nhà trẻ với những lời ru ầu ơ của các cô nuôi dạy trẻ mỗi trưa hè.
Không dám nhận trẻ dưới 1 tuổi
Mong cho con đến tuổi đi mẫu giáo! |
Sau 4 tháng nghỉ sinh, các bà mẹ trẻ lại đau đầu với việc gửi con ở đâu để tiếp tục quay trở lại với công việc? Ở các trường mầm non công lập hay dân lập, lớp nhỏ nhất cũng từ 18 tháng.
Trong Điều lệ Trường mầm non (Ban hành kèm theo Quyết định số 14 /2008/QĐ-BGDĐT ngày 7 tháng 4 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) tại Chương I, phần Những quy định chung, Điều 2 ghi rõ Nhiệm vụ và quyền hạn của trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập: Tổ chức thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi theo chương trình giáo dục mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Nhưng trên thực tế, tại các trường mầm non công lập trên địa bàn thành phố Đà Nẵng không trường nào có trẻ từ 3 tháng tuổi. Đem thắc mắc này trao đổi với bà Huỳnh Thị Tam Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố được biết: “Hiện nay, cơ sở vật chất của các trường không đủ tiêu chuẩn để nhận nhóm trẻ, nhất là dưới 1 tuổi, bên cạnh đó, việc tự thu, tự chi trả lương cho các cô nuôi dạy trẻ cũng là khó khăn với các trường, ngoài ra còn cần có bác sĩ nhi túc trực thường xuyên, cần điều dưỡng có trình độ, kinh nghiệm bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ… ”.
Cô Hồ Thị Diệu An - Hiệu trưởng Trường Mầm non Anh Đào, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu cho biết, trường đã có thông báo nhận trẻ dưới một tuổi - thường là từ 10 tháng tuổi - để bảo đảm cho trẻ khi đó đã biết ăn và thích nghi được với đồ ăn; còn trẻ nhỏ hơn phải có chế độ ăn riêng. Tuy nhiên, quá trình tập ăn cho trẻ rất khó, nếu không có kỹ năng tốt dễ dẫn đến trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Vì vậy nếu nhận nhóm trẻ này cả giáo viên và nhà bếp cần phải có trình độ và kinh nghiệm. Với một bếp ăn của trường mầm non, người đứng bếp phải biết pha sữa, quấy bột, nấu đồ ăn dặm bảo đảm dinh dưỡng. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa đào tạo quá trình dinh dưỡng, chăm sóc trẻ tập ăn cho các cấp dưỡng.
Có lẽ đó cũng là lý do mà phụ huynh có con dưới 1 năm tuổi chưa đủ tự tin gửi con vào trường?
Đi lên từ nhóm trẻ, nhưng hiện nay Trường Mầm non tư thục Hoa Phượng (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) cũng không nhận trẻ dưới một tuổi. Cô Nguyễn Thị Hoài Hương - Phó Hiệu trưởng cho biết: “Trẻ dưới 1 tuổi chế độ sinh hoạt khác với trẻ lớn, phải có phòng ngủ riêng, phòng chơi riêng, phòng phải sạch sẽ, thoáng mát, đủ ánh sáng. Chỉ những giáo viên lâu năm có kinh nghiệm mới chăm sóc tốt nhất cho trẻ. Bên cạnh đó cơ sở vật chất, phòng ốc, đồ dùng cho các cháu cũng phải đạt chuẩn thì khi đó mới dám nhận”.
Như vậy, ngay tại các trường có quy chế, điều lệ nhận trẻ từ 3 tháng trở lên, do chưa “hội tụ” các điều kiện, các trường đành phải nói không với trẻ dưới 1 tuổi.
Không đủ lương cho cô giáo
Trước kia, trường đào tạo cô giáo mầm non thường phải có cơ sở thực hành để những cô giáo tương lai rèn luyện tay nghề, nhưng hiện nay các cơ sở thực hành của các trường không còn. Các cô giáo trẻ chỉ nắm được lý thuyết, đến khi đi làm thì lúng túng, gặp tình huống cụ thể không xử lý được. “Các cô nuôi dạy trẻ rất cần có môi trường để thực hành và rèn luyện khi đứng lớp, vì vậy những giáo viên mới ra trường thường phải có người kèm cặp, hướng dẫn thêm, thậm chí có những kỹ năng mà chỉ khi đứng lớp mới thấy hết được khó khăn như kỹ năng đón trẻ, giữ cho trẻ chơi hòa thuận với bạn và ngay cả việc trao đổi với phụ huynh cũng là một nghệ thuật” - cô Diệu An cho biết.
Hiện nay, nhiều trường mầm non trên địa bàn thành phố tự thu, tự chi với nhóm trẻ và tự trả lương cho giáo viên, nên đời sống nhiều giáo viên rất vất vả. Bắt đầu từ 2009, giáo viên đứng lớp của các trường công lập được hưởng lương bằng ngân sách thành phố, tuy nhiên với nhóm trẻ thì vẫn còn là một dấu lửng.
Dù là trường dân lập tự thu, tự chi, nhưng muốn nhận trẻ dưới một tuổi thì phải ít trẻ, nhiều cô. Như thế, việc trả lương cho các cô gặp rất nhiều khó khăn bởi điều hiển nhiên là thu học phí thấp thì không đủ, còn thu nhiều thì phụ huynh không xoay sở được.
Những trở ngại mà các trường mầm non vấp phải trong việc mở lớp để đón lứa tuổi nhà trẻ, đã tạo nên một khoảng trống nhà trẻ rất lớn tại các trường. Đó cũng là nguyên nhân dẫn tới hàng loạt nhóm trẻ gia đình hay những bảo mẫu được hình thành. Ở đó, chủ nhóm trẻ dường như mở rộng cửa để đón trẻ từ 4 tháng tuổi. Ở đó, người giữ trẻ vừa thiếu hụt về chuyên môn, vừa phải kiêm nhiều việc khác như đi chợ, nấu ăn cho trẻ. Nhưng thử hỏi, nếu một ngày không có họ, thì những bà mẹ có con dưới 12 tháng tuổi tất tả chạy tìm đâu?
Thu Hà
(*) Trích lời bài hát “Địu con đi nhà trẻ“ sáng tác của Đào Ngọc Dung.