Sinh con, chưa kịp nghỉ ngơi, nhiều bà mẹ trẻ đã rơi vào tâm trạng đầy lo lắng, không biết sẽ gửi con ở đâu. Với những vợ chồng trẻ nhập cư, không người thân nhờ cậy, nỗi lo càng trĩu nặng.
Dù bé đã được 12 tháng tuổi, nhưng chị N.T.N (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) vẫn quyết định nghỉ việc ở nhà trông con. |
Từ năm 2008, theo điều lệ mới ở trường mẫu giáo, mỗi lớp cho lứa tuổi từ 3 đến 12 tháng tối đa 15 cháu. Nếu không đủ 50% so với số lượng lớp, nhà trường có thể tổ chức thành các lớp ghép. Nhưng, với trẻ 3 tháng tuổi, việc ghép lớp là không thể vì gây khó khăn cho việc quản lý, theo dõi sự phát triển của các bé.
Theo cô Lê Thị Tấn, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học-mầm non ĐH Sư phạm, việc đòi hỏi kinh nghiệm ở các cô mới ra trường về chăm sóc trẻ 3 tháng tuổi là không thể. Vì lâu nay, các trường MN không nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi nên trong quá trình học, cả cô và trò hầu như không chú ý nhiều đến giai đoạn phát triển này của trẻ. Ở những cô giáo chưa từng làm mẹ thì việc chăm sóc trẻ dưới 1 tuổi rất khó khăn vì họ thiếu kinh nghiệm thực tế. Còn ở các nhóm trẻ gia đình (NTGĐ), rất khó bảo đảm rằng họ sẽ chăm sóc con bạn tốt khi phần lớn họ là những bảo mẫu “tay ngang”, chỉ dựa vào kinh nghiệm bản thân mà không có kiến thức, nghiệp vụ sư phạm trong chăm sóc trẻ”.
Chấp nhận xa con hoặc gửi bảo mẫu “tay ngang”
Cách đây khoảng 5 tháng, từ TP. Hồ Chí Minh, anh Huỳnh Liên và vợ là Lê Thị Thúy Lan (quê Thừa Thiên-Huế) quyết định về Đà Nẵng. Khi còn làm công nhân may gia công ở TP. Hồ Chí Minh, mỗi tháng anh chị cũng tiết kiệm được gần 2 triệu đồng. Nhưng từ khi có con nhỏ, cộng thêm vật giá ngày một đắt đỏ, tiết kiệm lắm, anh chị cũng không thể lo đủ cho con.
Dù rất thương con, vợ chồng anh cũng đành chấp nhận gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc. Ở quê, con anh chị được chăm sóc tốt nhưng sớm sống thiếu thốn tình cảm của ba mẹ nên trở nên lầm lỳ, khó bảo, lại hay đau ốm. Mỗi lần gia đình gọi điện vào cho biết cháu đang ốm, lòng chị Lan như có lửa đốt. “Bây giờ thì vợ chồng tôi đã đón con gái vào ở cùng” - chị Lan tâm sự. Hiện, chị làm công nhân may tại một shop quần áo Thời trang trẻ gần khu chợ Hòa Khánh với mức thu nhập gần 3 triệu đồng, được chủ bao ăn ở, nhưng áp lực lớn nhất bây giờ là chuyện gửi con ở đâu.
Thích gửi con vào trường MN công lập nhưng những nơi chị hỏi đều không nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi. Gửi NTGĐ thì lại không yên tâm vì gần đây, chị nghe báo chí nói nhiều về các vụ bảo mẫu hay nạt nộ, đánh đập trẻ em. Nói thì nói vậy, nhưng chị Lan cũng đành phải gửi con vào một trường MN tư thục tại Hòa Khánh với mức phí gần 1 triệu đồng/tháng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay tại các KCN không có nhà trẻ nào dành riêng cho con em công nhân. Để yên tâm làm việc, phần lớn họ phải gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc. Chỉ một số ít gửi con vào các nhóm trẻ gia đình. Luật sư Đỗ Pháp (Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp) cho rằng, theo khoản 2, Điều 116, Bộ luật Lao động quy định: Ở những nơi sử dụng nhiều lao động nữ, người sử dụng lao động có trách nhiệm giúp đỡ tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí cho lao động nữ có con ở lứa tuổi gửi trẻ, mẫu giáo. Tuy nhiên, cụm từ “người sử dụng lao động có trách nhiệm giúp đỡ” không thể hiện rõ tính bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện. Thông tư hướng dẫn cũng không quy định cụ thể việc giúp đỡ thực hiện thế nào, mức hỗ trợ chi phí là bao nhiêu. Do vậy, người chịu thiệt vẫn là công nhân.
Do không thể gửi con vào trường tư với mức phí cao, chị Ngô Thị Nhi (quê Hà Tĩnh), công nhân tại KCN Thọ Quang, quận Sơn Trà đành chấp nhận xa con. Sau thời gian 4 tháng về quê sinh nở, chị khăn gói vào lại Đà Nẵng, để lại đứa con còn đỏ hỏn nhờ ông bà chăm sóc. Chị chia sẻ: “Trước khi vào lại Đà Nẵng, tôi đã gọi điện nhờ các chị trong này đi khảo sát giá gửi bé ở các NTGĐ nhưng nơi nào cũng có giá trên dưới 1 triệu đồng/tháng dù cơ sở vật chất chẳng có gì. Với thu nhập không ổn định, vợ chồng tôi không dám mạo hiểm đưa con vào sống cùng, sợ không đủ điều kiện chăm sóc”.
Gần 1 tháng nay, chị Đ.T.H ở khu chung cư Phước Mỹ, quận Sơn Trà gửi con gần 14 tháng tuổi cho bà Hiền, người sống cùng chung cư trông hộ với mức phí 800.000 đồng/tháng. Chị H. tâm sự: “Lúc mới sinh, mẹ chồng tôi ở ngoài quê có vào trông cháu một thời gian nhưng vì bà tuổi cao, sức yếu nên tôi ngại bà vất vả. Giờ gửi bà Hiền, nhà cùng khu chung cư, bà Hiền lại chỉ nhận trông một cháu nên vợ chồng tôi rất yên tâm”. Được biết, trước đây, bà Hiền cũng từng nhận trông một bé gái từ 4 tháng tuổi, nay em cùng gia đình đã chuyển đi nơi khác sinh sống nên bà tiếp tục nhận trông con chị H.
Lập “quỹ đen” trong thời kỳ mang thai
Để hiểu hơn về khó khăn của những bà mẹ trẻ nhập cư trong việc tìm chỗ gửi con, chúng tôi tìm đến một điểm nhận nuôi trẻ trên đường Lương Thế Vinh, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà. Bà H., chủ cơ sở cho biết: “Thật ra, những NTGĐ như chúng tôi đều không muốn nhận trẻ dưới 1 tuổi dù mức phí không thấp. Chăm sóc trẻ ở lứa tuổi này rất khó do những rắc rối về sức khỏe có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hơn nữa, việc chăm sóc trẻ đã cứng cáp vẫn dễ dàng hơn nhiều”.
Việc bị NTGĐ “mặc cả”, các trường MN công lập “lắc đầu” với trẻ dưới 18 tháng đã gây không ít khó khăn cho những cặp vợ chồng phải sống xa quê. Trường hợp vợ chồng anh Nguyễn Văn Minh, tạm trú tại tổ 26, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà là một ví dụ. Vợ chồng anh đều là công chức Nhà nước, mỗi tháng tiết kiệm lắm cũng chỉ dư được 1 triệu đồng. Nhưng từ ngày chị Lê Thu Trang (vợ anh Minh) có thai, ngoài dành riêng 1 triệu đồng như trước đây, anh chị nghĩ ngay đến việc “nuôi heo đất”, chuẩn bị cho ngày sinh nở. Anh Minh chia sẻ: “Trước đây, mỗi khi nhận được những khoản tiền thưởng, công tác phí, phong bì họp hành…, vợ chồng tôi thường tập hợp bạn bè lại liên hoan, ăn nhậu vì nghĩ đó là tiền “từ trên trời rơi xuống”. Nhưng nay chúng tôi dành tiền ấy để “nuôi heo đất”, chờ đến ngày em bé ra đời. Khoản tiền tiết kiệm được sẽ dành cho việc tìm thuê một căn phòng lớn hơn, để tiện đón các bà (nội, ngoại) lên chăm sóc cháu”.
Rất nhiều cặp vợ chồng công chức lập nghiệp xa quê đều có suy nghĩ lo xa như thế. Với họ, nếu không biết tiết kiệm, sống không có kế hoạch, việc sinh con không phải là một quyết định dễ dàng. Bởi, sinh con ở đâu? Nuôi con như thế nào? Sau 4 tháng, ai chăm sóc con để vợ chồng đi làm? Số lương hằng tháng liệu có đủ để nuôi con?... Hàng trăm câu hỏi như thế như vắt kiệt sức của những cặp vợ chồng trẻ khi sinh con.
Tiểu Yến