Họa sĩ Nguyễn Phan tên thật là Phan Ngọc Nam, sinh năm 1939 tại Thừa Thiên - Huế. Ông từng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (1962), Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (1963), huy chương bạc giải quốc tế tại La Mã (Rome, 1965) và đã có nhiều cuộc triển lãm riêng thành công tại Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, TP. Hồ Chí Minh... Ông mất vào 16 giờ 30 ngày 16-11-2010 tại tư gia, số 32 Lưu Trọng Lư, phường Tân An, thành phố Hội An. Ngày 20-11-2010 thi hài của ông được đưa về an táng tại quê nhà Thần Phù, Thủy Châu, Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế.
Họa sĩ Nguyễn Phan tại xưởng vẽ của mình. |
Là một trong những gương mặt hoạt động mỹ thuật thuộc thế hệ đầu đàn, gắn bó nhiều năm tại Đà Nẵng, Nguyễn Phan luôn để lại trong ký ức thân hữu hình ảnh một nghệ sĩ sáng tạo, đầy năng nổ.
Hồi những ngày đầu thành phố Đà Nẵng được giải phóng, cùng nhiều họa sĩ khác, ông tham gia công tác tại Khu triển lãm 84 Hùng Vương. Khi ấy, đời sống còn nhiều khó khăn, có những lúc ông phải về các vùng nông thôn, thực hiện các công trình tranh, tượng cổ động để nuôi gia đình.
Linh mục Nguyễn Trường Thăng kể lại một kỷ niệm về ông: Lúc đó tôi đang là cha sở Giáo xứ Trà Kiệu, còn anh do công việc làm ăn đến huyện Duy Xuyên. Tôi đang lo lắng vì không biết cách nào để bảo vệ ngọn đồi Bửu Châu (nhà thờ núi Trà Kiệu) bị sạt lở 14 mét vào ngày 3 tháng 12 năm 1985 sau những trận mưa lớn. Tôi đã xin phép trùng tu từ tháng 3 năm 1986 và sau nhiều tháng đợi chờ, mãi đến ngày 20 tháng 9, trước mùa bão lụt hằng năm, huyện xã mới cho phép, mà còn hạn hẹp thời gian trong vòng một tháng, đòi hỏi phải có đồ án, ban xây dựng, v.v...
Tưởng rằng không vượt qua nổi thì chính lúc đó tình cờ anh Nguyễn Phan xuất hiện, nói chuyện làm quen… Tôi đã nhờ anh và công việc được tiến hành ngay. Năm đó, quả là một phép lạ. Trời tiếp tục nắng cho đến tháng 11. Lúa vụ ba, phơi khô quạt sạch, rơm rạ về nhà và công trình đúc sàn bảo vệ Nhà thờ Núi vừa xong, mưa lụt mới tới.
Một thời gian sau, Nguyễn Phan đưa gia đình vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Tháng 3-1993, họa sĩ Nguyễn Phan lại trở về Đà Nẵng mở cuộc triển lãm tại 80 Hùng Vương - Đà Nẵng. Đây có lẽ là một trong những cuộc triển lãm để lại dấu ấn đậm nét về phong cách sáng tác của Nguyễn Phan. Không gian tranh của ông vẫn thường mang màu xanh, có chút gì đó u hoài, nhung nhớ... Lần đó, trên catalogue của cuộc triển lãm, nhà văn Cung Tích Biền nêu nhận xét: “Hội họa của Nguyễn Phan có những đặc trưng sau đây: Bố cục đơn giản mà chặt chẽ, đối kháng trong thế tải nhưng thuần nhất ở cá tính; rặt ngôn ngữ ấn tượng; cách biểu cảm cổ điển, song thủ pháp thể hiện mới mẻ; sâu lắng, trữ tình…”.
Thiếu nữ -Tranh Nguyễn Phan. |
Vào mùa xuân 2009, trong chương trình Triển lãm xanh tổ chức tại Nhà Triển lãm thành phố Hồ Chí Minh (92 Lê Thánh Tôn, quận 1), ông đã trưng bày một tác phẩm liên hoàn gồm hai bức tranh có tên: Những đóa hoa từ phế liệu (nêu bật chủ đề cùng chung tay giữ gìn Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh xanh, sạch và đẹp hơn). Mỗi bức có kích thước 3,6m x 4,2m. Tổng diện tích của tác phẩm liên hoàn là 30,24 m2. Chất liệu để làm nên tác phẩm này bằng vỏ, nắp và nhãn chai nhựa đã qua sử dụng (4.800 vỏ chai được sử dụng). Nhằm làm cho người đi đường, tham quan thấy rõ hình ảnh thể hiện cũng như ý nghĩa mà tác giả muốn chuyển tải đến mọi người, nên mặt sau của tác phẩm có gắn 35 bóng đèn néon 1,2m làm hậu cảnh chiếu sáng vào ban đêm.
Thông điệp mà họa sĩ Nguyễn Phan gửi gắm trong tác phẩm đó là: “Nếu biết sử dụng những vật tưởng như bỏ đi với một mục đích có ý nghĩa, chúng ta đã góp phần giữ gìn, bảo vệ môi trường, cũng có nghĩa là bảo vệ cuộc sống của chúng ta” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Bên cạnh đó, ông còn giới thiệu 21 bức tranh sơn dầu và tổng hợp mà phần lớn cũng hướng về thiên nhiên.
Như một kẻ miệt mài trên cuộc lữ hành màu xanh, họa sĩ Nguyễn Phan nói: “Xanh không chỉ là màu xanh chủ đạo trong triển lãm mà còn là màu xanh của ký ức, của những ước mơ. Xanh ở đôi mắt trẻ trung, nhìn đời đầy sức sống, tươi tắn qua tình yêu thắm thiết xứ sở mình sinh ra, lớn lên”.
Rất lặng lẽ, hơn 5 năm qua, ít người biết ông về Hội An, chọn một khu vườn ở ngoại thành để xây dựng một vườn du lịch sinh thái theo mô hình du lịch xanh, sạch, đơn giản, thơ mộng... Và đó cũng là nơi chốn ông vĩnh viễn dừng chân.
Phương Mai