.

Chân dung Lucian Freud xuất hiện

.
Trong lịch sử hội họa đương đại châu Âu, người ta không những thừa nhận tài năng của hai họa sĩ Francis Bacon và Lucian Freud mà còn khâm phục tình bằng hữu, thân tình ruột thịt của họ. Cả hai đều thích vẽ về chân dung của nhau.

Mô tả ảnh.
Tranh bộ ba: “Chân dung Lucian Freud” (trái). Tự họa của Lucian Freud.
 
Công ty buôn bán tác phẩm mỹ thuật Sotheby ở London giới thiệu, vào tháng tới đây họ sẽ đưa ra đấu giá bức tranh bộ ba của Freud do Bacon vẽ. Bức tranh bộ ba này được vẽ từ năm 1965 và chưa hề triển lãm, sau đó nằm im lìm suốt 45 năm qua trong tay các nhà sưu tập tư nhân.

Lucian Frued là cháu nội đích tôn của Sigmund Freud, nhà phân tâm học tiền phong lừng danh người Đức. Ông sinh năm 1922 tại Berlin. Lên 10 Freud theo bố mẹ bỏ trốn ách thống trị của Hitler đến sống tại Anh. Cha ông là một kiến trúc sư. Khoảng năm 1939, ông và gia đình mới được chính thức nhập tịch nước Anh. Sau thời gian phục vụ với tư cách thợ máy hải quân, Freud chính thức chọn hội họa làm nghề nghiệp cho mình.

Mô tả ảnh.
Một góc ở triển lãm tranh Francis Bacon.
 
Sau đó, ông nổi tiếng với những bức tranh đắp nổi và những bức sơn dầu vẽ chân dung các người mẫu. Đặc biệt, Freud không hề thích vẽ những người mẫu chuyên nghiệp. Những người chỉ làm mẫu vì tiền bạc. Ông chỉ thích vẽ bạn bè, những người quen biết, hầu hết những người ấy có đam mê ít nhiều với nghệ thuật và hết sức vui lòng ngồi hàng giờ cho họa sĩ vẽ. Ông từng nói: “Tôi không bỏ bất cứ thứ gì không thực, không  hiện diện trước mắt tôi vào tranh họa bởi vì những sự vật không thực ấy là sự dối trá vô nghĩa”.

Ý tưởng này trái ngược với thế giới hội họa của Francis Bacon, một họa sĩ người Anh gốc Ai-len. Là một trong 10 họa sĩ của Ai-len có giá bán tranh cao nhất, hình ảnh con ngươi hay các sự vật trong tranh Bacon đều xộc xệch, bị vặn méo lệch đến tận cùng. Thế nhưng hai người đã trở thành bạn thân thiết của nhau dù rằng tình bằng hữu đẹp đẽ này đã không kết thúc trọn vẹn vì một cuộc cãi vã.

Francis Bacon gặp Lucian Freud vào năm 1945 qua một họa sĩ đương thời giới thiệu. Suốt trong thời gian thân tình, cả hai đều vẽ chân dung của nhau. Bacon vẽ Freud và ngược lại. Nhưng khác với rất nhiều họa sĩ khác trên thế giới, Bacon hay vẽ một chân dung thành tranh bộ ba hay bộ tứ. Vào 20 năm trước, một bức tranh bộ tứ của Bacon đã bán lên tới 2,2 triệu bảng. Và lần này, sau khi Bacon qua đời, giới buôn tranh đã nghĩ ngay đến một cái giá khá ngất ngưỡng ở tranh bộ ba này trong cuộc đấu giá sắp tới, tranh vẽ về người bạn thân thiết của mình, họa sĩ Lucian Freud.

HOÀNG ĐẶNG
;
.
.
.
.
.