Theo thống kê của Trung tâm Quản lý và bảo tồn di tích thành phố Hội An (Quảng Nam) vừa khảo sát và thu thập, đến nay, Hội An còn khoảng 80 chiếc giếng cổ. Phần lớn chúng được phân bố tập trung ở khu vực dọc bờ bắc sông Đế Võng (thuộc thôn 5, 6 xã Cẩm Thanh, khối 4, phường Thanh Hà), hoặc trong khu phố cổ, nằm rải rác ở nhiều nơi.
Giếng Mái tại chợ Hội An đang được sửa chữa, tôn tạo. |
Qua nhiều biến động thời gian, song đa số các giếng cổ Hội An luôn được người dân chăm chút, giữ gìn sử dụng (khoảng 50% số giếng cổ hiện nay vẫn để sử dụng theo hướng bảo vệ nghiêm ngặt) và đang là điểm tham quan hấp dẫn thu hút du khách thập phương.
Đầu tiên, có thể kể đến giếng Mái nằm ở ngã 5, trước cửa chợ Hội An và chùa Ông. Đây là giếng công cộng duy nhất ở phố cổ được lợp mái ngói vảy cá, là một biểu tượng quen thuộc gắn liền với dân cư trong
khu phố cổ. Hiện nay, giếng Mái đang được sửa chữa, tôn tạo cùng lúc với việc nâng cấp chợ Hội An.
Xa trung tâm phố cổ một chút, giếng Đá ở Trà Quế có hình tròn từ đáy lên. Song quanh miệng lại hình vuông, 4 góc tường có 4 cây trụ đá vuông và phần chính của giếng được xếp bằng đá. Giếng Đá không chỉ cung cấp nước ngọt mà còn là điểm nhang khói cúng thần vào ngày rằm, mùng một. Bởi cư dân quanh vùng cho rằng “thần giếng” tại đây rất linh thiêng, thường phù hộ, che chở cho những ai có lòng thành và cần cù lao động.
Nổi tiếng hơn cả là giếng Bá Lễ (nằm ở một kiệt nhỏ, đối diện gần khu vực rạp hát Phi Anh). Giếng có cấu trúc hình vuông, thành lát gạch, đáy lát gỗ, sâu khoảng 8m. Theo các nhà nghiên cứu thì giếng Bá Lễ có từ thời của người Chăm xưa (khoảng từ thế kỷ thứ VIII-IX). Chất liệu làm giếng cổ bằng gạch mà không dùng vôi vữa kết lại. Dưới chân là khung gỗ lim rộng bản, tồn tại cả ngàn năm nay. Tương truyền khoảng vào thế kỷ XX, có một người đàn bà tên là Bá Lễ bỏ hơn 100 đồng tiền Đông Dương để trùng tu hoàn toàn cái giếng cổ của người Chăm này và từ đó giếng cổ có tên Bá Lễ. Vào những ngày lễ, Tết, rằm, mùng một…, người dân vẫn đến lễ tạ giếng như một nét văn hóa của người Hội An. Những người dân ở gần giếng Bá Lễ cho biết, hầu hết người Hội An đều biết đến giếng này với nét đặc trưng là nước rất trong, ngọt và không bị khô kiệt dù trong những ngày nắng hạn khắc nghiệt.
Có những mảnh đời gắn chặt với giếng Bá Lễ, như câu chuyện cặp vợ chồng già đã ngoài 70 tuổi, ông Nguyễn Đường và bà Nguyễn Thị Mỹ, có hơn 50 năm gánh nước thuê ở Hội An từng được báo chí trong nước lẫn quốc tế phản ánh. Ông Ngô Thiều, người duy nhất hơn 60 năm gắn bó với hình ảnh gánh xí mà quen thuộc của Hội An khẳng định, nếu không có nước giếng Bá Lễ, món xí mà của ông trở nên vô vị. Chị Nguyễn Thị Hai, người bán cao lầu ở chợ Hội An khẳng định, món cao lầu mà dùng nước máy thì chắc “vô duyên” lắm... Thậm chí, nhiều hộ dân ở Hội An vẫn còn tin rằng nước giếng Bá Lễ chỉ để nấu ăn, pha trà, uống thường ngày; nên không thể dùng nước giếng này để tắm gội, giặt giũ vì sợ phí phạm và ô nhiễm nguồn nước trong lành của nó.
Giếng cổ Hội An được xem như một giá trị văn hóa vật thể phản ánh rõ rệt đời sống sinh hoạt của cộng đồng cư dân Chăm-pa tại đây từ hơn 10 thế kỷ trước. Trải qua quá trình sử dụng, các lớp cư dân Việt đã có gia cố, tu bổ nhưng kết cấu, chất liệu vẫn không thay đổi. Chính vì thế nó cũng cần được nghiên cứu, bảo tồn như những di tích đền, miếu, chùa chiền khác.
PHƯƠNG MAI