.

Năm mới trong ngôi nhà mới

.

Năm mới này, hàng ngàn hộ dân thuộc diện giải tỏa, đền bù tại Đà Nẵng đã có nhà mới, ổn định cuộc sống trong những khu tái định cư (TĐC). Đối với hộ nghèo, niềm vui này càng được nhân lên bội phần. Bởi từ đây, họ sẽ không còn sống cảnh tạm bợ, chen chúc trong những căn nhà dột nát...

Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2010 của Thành ủy Đà Nẵng, năm 2010 thành phố đã bố trí 4.450 lô đất TĐC thực tế cho các hộ đã bàn giao mặt bằng. Trong đó đã bố trí TĐC cho 2.474 hộ bàn giao mặt bằng trong năm 2010, tăng 1.100 lô so với năm 2009. Đây là kết quả sau một năm tích cực thực hiện chủ trương “giải tỏa đền bù, TĐC và an sinh xã hội” của thành phố.

Tết trong ngôi nhà mới

 

Mô tả ảnh.
Gia đình anh Nguyễn Văn Hai, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn hạnh phúc trong ngôi nhà mới khi năm cũ đã đi qua.

Đây là cái Tết đầu tiên gia đình anh Phạm Văn Cử chuyển về sinh sống trong khu TĐC Tân Trà-An Nông, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Ngôi nhà cũ (đã giải tỏa) của gia đình anh chỉ cách nơi ở mới chưa đầy 200m, bây giờ là bãi cát trắng. Trong ngôi nhà 2 tầng còn thơm mùi vôi vữa, anh nhớ lại: “Mới đây, gia đình tôi còn ăn Tết trong ngôi nhà được che chắn tạm bợ. Nhà cửa sơ sài, chẳng có vật dụng gì đáng giá, mấy đứa con không dám dẫn bạn về chơi. Nay đã có nhà mới, vui lắm, chúng tôi đang chờ đón một cái Tết đầm ấm”.

Được biết, vợ chồng anh đều là lao động phổ thông, thu nhập bữa có bữa không nên cả hai chẳng dám mơ một ngày sẽ được sống trong căn nhà mới, khang trang và tiện nghi hơn. Dù lâu lắm rồi, 5 thành viên trong gia đình phải sống trong ngôi nhà cấp 4 cũ nát, bước ra ngõ là chân chạm cát trắng. Mùa mưa, tường nhà loang lổ những vệt nước chảy dài, ẩm ướt. Nhưng rồi mọi chuyện thay đổi khi phần đất anh đang ở thuộc diện di dời, giải tỏa. Ngày cầm trong tay số tiền đền bù khoảng 400 triệu, vợ chồng anh quyết định xây ngôi nhà mới trên phần đất TĐC được Nhà nước bố trí. Sau hơn 3 tháng khởi công, căn nhà 2 tầng khang trang đã mọc lên bên con đường rộng 7,5m. “Thuộc diện TĐC tại chỗ nên cuộc sống của chúng tôi không bị xáo trộn nhiều”, anh Cử vui vẻ cho biết thêm.

Còn với gia đình chị Mai Thị Vân, cùng khu TĐC Tân Trà-An Nông, được dọn về ngôi nhà mới khi tờ lịch năm cũ chỉ còn vài tờ là niềm hạnh phúc vô bờ bến. Chồng là “thợ đụng”, vợ bán cá ở chợ Hòa Hải, cuộc sống từng ngày trôi qua trong cảnh túng bấn khi vợ chồng chị phải gồng lưng nuôi 2 con ăn học. Đã bao mùa mưa, vợ chồng chị bồng bế con chạy sang nhà hàng xóm tránh bão. Và, bao cái Tết trôi qua lặng lẽ dẫu nắng xuân có ngập tràn cũng không thể nào soi sáng từng ngóc ngách trong căn nhà cũ kỹ. Nhà ngay sát triền sông, giá tiền đền bù không được bao nhiêu cũng khiến anh chị lo lắng, trăn trở. Thế rồi, biết được khó khăn của chị, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường đã ủng hộ thêm 15 triệu, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Ngũ Hành Sơn 10 triệu và Công ty Cổ phần Địa ốc Chợ Lớn TP. Hồ Chí Minh 25 triệu đồng giúp vợ chồng chị xây nhà. Trong tiết trời cuối năm se lạnh, chị bảo rằng: “Chúng tôi là những người may mắn, sự giúp đỡ của các ban, ngành, doanh nghiệp đã giúp vợ chồng tôi được sống trong một căn nhà đúng nghĩa để chào đón năm mới trong an bình”.

Ông Trần Văn Sáu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam  phường Hòa Hải cho biết, căn nhà TĐC đầu tiên được xây dựng trên khu TĐC Tân Trà-An Nông vào năm 2007 thì đến nay, tại đây đã có hàng trăm ngôi nhà mới được xây dựng, trở thành khu TĐC hoàn thiện nhất về cơ sở hạ tầng tại phường Hòa Hải. Ngoài ra, toàn phường có khoảng 4.000 hộ thì có trên 1.000 hộ được bố trí TĐC, phần lớn đã có nhà ở, đời sống nhân dân dần đi vào ổn định.

Để giúp những hộ nghèo có điều kiện xây nhà, ổn định cuộc sống nơi ở mới, ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Đà Nẵng cho biết,  trong năm 2010, thực hiện chương trình “150 ngày hành động cao điểm vì người nghèo”, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp Mặt trận đã vận động được gần 13,5 tỷ đồng. Trong đó, ủng hộ kinh phí cho những hộ nghèo TĐC có điều kiện xây nhà là một trong những việc làm ý nghĩa của chương trình này. Để mỗi năm mới, người dân lại được hưởng một niềm vui trọn vẹn hơn.

Cho một năm mới an bình

Trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng năm 2011 nêu rõ, thành phố sẽ tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu TĐC, thực hiện tốt công tác bố trí TĐC, hỗ trợ xóa nhà tạm cho các hộ nghèo và sửa chữa nhà ở cho các đối tượng chính sách khó khăn, bảo đảm  thực hiện mục tiêu “Có nhà ở”. Song song với công tác có nhà ở, trong năm 2011 thành phố cũng đẩy mạnh mục tiêu, thực hiện hiệu quả Đề án “Có việc làm”, phát triển kinh tế đi đôi với việc tạo việc làm mới, định hướng nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động. Hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường lao động, phát triển và tăng cường hiệu quả hoạt động của các sàn giao dịch việc làm. Bảo đảm số lao động có việc làm mới trong năm 2011 đạt 3,3 vạn lao động, tăng 2,5% so với ước thực hiện năm 2010, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống còn 4,8% số lao động trong độ tuổi… Đây cũng là năm thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện “Năm giải tỏa đền bù, tái định cư và an sinh xã hội”. Theo đó, sẽ có hàng ngàn hộ dân được hưởng lợi từ chương trình này.

Ông Cao Thanh Hoàng, Phó Chánh Văn phòng UBND quận Ngũ Hành Sơn cho rằng, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của thành phố trong năm 2011 sẽ góp phần tạo điều kiện để người dân tiếp cận được môi trường sống chất lượng hơn. Nói cách khác, việc quy hoạch lại cơ sở hạ tầng, kiến trúc thượng tầng sẽ giúp thành phố “thay da đổi thịt” từng ngày, nhiều người dân được hưởng lợi trực tiếp.

Cũng vấn đề này, ông Nguyễn Tự, Chánh Văn phòng UBND quận Sơn Trà đưa ra một ví dụ: “Cách đây khoảng 10 năm, bộ mặt của khu dân cư An Hải Đông, An Hải Tây, Nại Hiên Đông… là những khu nhà chồ, nhà cửa nhếch nhác, chen chúc nhau, vài con đường bê-tông rộng nhất cũng chỉ 1,2m. Nhưng từ khi thành phố đẩy mạnh công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị, bộ mặt Sơn Trà đã có nhiều thay đổi, nhiều khu TĐC  ô-tô chạy vào tận ngõ, nhà cửa khang trang hơn”. Được biết, năm 2010, trên địa bàn quận Sơn Trà đã có 2.831 hộ phải di dời (hiện đã bàn giao mặt bằng cho 1.634 hộ) để triển khai thực hiện 31 dự án (cũ và mới). Trong đó có dự án trọng điểm là đường Nguyễn Văn Linh nối dài. Điều này đã mang lại những thay đổi lớn trong cuộc sống của nhiều hộ dân nơi đây.

Chúng ta không thể phủ nhận, việc thay đổi nếp sống quen thuộc, thay đổi chỗ ở đã gắn bó bao đời qua, hay việc làm quen với hàng xóm mới, bạn bè mới cũng mang lại cho người dân không ít những khó khăn. Nhiều khu TĐC chưa có đủ trường, trạm, khu vui chơi giải trí. Tuy nhiên, với quyết tâm xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm thương mại lớn nhất nước, người dân thành phố vẫn luôn hy vọng, cùng với định hướng phát triển đúng đắn, theo thời gian, đời sống của người dân ngày một cải thiện theo chiều hướng tốt. Để mỗi mùa xuân đến, đời sống của người dân ngày một ấm no, hạnh phúc.

Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.