.
TRUYỆN NGẮN

Chiếc phong bì không tên người gửi

1- Cuộc đời con người có hai ngày không thể quên. Đó là ngày sinh và ngày mất. Ngày sinh là ngày đặc biệt, đánh dấu sự hiện diện của một sinh linh trên cõi nhân gian. Ngày mất hẳn nhiên cũng là ngày đặc biệt, ghi nhận một kiếp người kết thúc, về trong vòng tay của Chúa. Đối với ngày sinh, nhân loại phía bên Tây tổ chức lễ kỷ niệm hằng năm. Trong khi ở phía bên này, thông thường chỉ đến tuổi cổ lai hy người ta mới mừng thọ. Tuy nhiên, ngày mất lại được người phương Đông ghi nhớ, con cháu họ hàng tụ tập làm đám giỗ đúng ngày đúng tháng. Cùng dựa trên cột mốc thời gian, nhưng có vẻ như quan niệm về cột mốc đó khác nhau một trời một vực!

Nhưng còn một ngày thứ ba quan trọng không kém, đó là ngày cưới. Thậm chí cái ngày thứ ba này không chừng in đậm dấu ấn đời người hơn hai ngày kia. Bằng chứng là sinh nhật hay đám giỗ, lễ hội này hay lễ hội kia, người ta tổ chức năm này qua năm khác. Còn đám cưới đối với đa số nhân loại, chỉ một lần trong đời. Có lẽ chính vì sớm nhận thức được ý nghĩa của hôn lễ mà tổ tiên đã đặt ra cả một hệ thống lễ, nào là nạp thái, vấn danh, nào là nạp kỷ, nạp chung, nào là thỉnh kỳ, thân nghinh. Lại còn phải xem tuổi tính ngày, phải coi giờ hoàng đạo, phải xem hướng xuất hành, chán chê mê mải mới xong phần lễ để tới phần hội - tức đám cưới. Hình như khi cố tình phức tạp hóa như vậy, tổ tiên muốn gửi một thông điệp tới đôi vợ chồng trẻ rằng quyết định của họ mang một tầm vóc hết sức lớn lao, ảnh hưởng tới những năm tháng còn lại của mỗi người, của cả dòng họ.

Mỗi người một lần cưới, nhưng lại không biết bao nhiêu lần dự đám cưới, của bạn bè, đồng nghiệp, của con cháu, cả của chắt chít nếu sống đủ lâu. Quan hệ càng rộng thì số lần dự đám cưới càng nhiều. Con cháu càng đông thì số lần ăn cưới càng lắm. Người ta có thể từ chối một cuộc họp mặt nào đó. Nhưng khi có thiệp mời dự đám cưới thường không thể lắc đầu. Đã đi dự một đám cưới tất phải có quà mừng. Ngày xưa, quà là một hiện vật cụ thể - một cái nồi, phích nước, một bộ ấm chén… Bây giờ không mấy ai mừng như thế. Quà mừng hóa thân trong chiếc phong bì, đơn giản và nhất là tiện lợi cho cả người tặng lẫn kẻ nhận. Nhìn bề ngoài những chiếc phong bì giống nhau.
 
Nhưng số tiền mừng bên trong là bí mật. Các vị giám đốc dự đám cưới con của vị tổng giám đốc, đố ai biết bên trong những chiếc phong bì kia là tiền Việt Nam đồng hay đô-la Mỹ? Dĩ nhiên vì tế nhị, không ai hỏi ai số lượng tiền mừng của mỗi người! Còn như đối với các đám cưới khác, người ta ngầm định số tiền mừng, tùy theo thời giá, sao cho gia chủ không quá tốn kém. Nói thì nói vậy, chứ đối với người làm công ăn lương, người đã về hưu, không được mời thì trách móc, được mời thì lo lắng, không biết cân đối ra sao khoản tiền lương ít ỏi của mình. Một tháng vài ba đám cưới miệng cười mà lòng dạ thì héo hắt, đúng như dân gian “Nhận thiệp hồng xanh mặt”! Cả hai vợ chồng đi dự đám cưới tiền mừng gấp đôi, nên không phải thân thiết lắm chỉ một người đại diện là đủ. Ông chồng đi dự đám cưới do bạn của riêng mình mời thường kém vui, vì phải tự xoay xở tiền mừng! Đại thể đối với nhiều người, những tấm thiệp mời đám cưới là nỗi lo thường trực, canh cánh bên lòng!

2- Con gái tôi đi lấy chồng. Vợ chồng ông bà thông gia đang công tác ở Hà Nội. Vợ chồng tôi sinh sống tại Đà Nẵng. Hai cháu đang làm việc ở Sài Gòn. Thế là nhóm họ nhà gái ở Đà Nẵng, đám cưới ở Hà Nội, tiệc mừng ở Sài Gòn. Gia đình ông bà thông gia của tôi là một gia đình nền nếp. Những gia đình nền nếp đang ngày càng ít đi. Quê gốc ở Hà Tĩnh, nhưng ông thông gia của tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Nghe nói ngày xửa ngày xưa, ông nội ông thông gia thân mến của tôi là một bác sĩ, chân in dấu trên khắp mọi miền đất nước. Đi - vừa trị bệnh cứu người, vừa lưu tâm xem xét địa thế dân tình mỗi nơi. Khi lâm chung, ông bác sĩ vẫy con cháu lại gần, bảo ông không có vàng có bạc có đất có ruộng chia cho các con, nên chỉ để lại một câu nói, rằng nhất thiết phải tìm mọi cách lập nghiệp hoặc ở Hà Nội hoặc ở Sài Gòn. Câu nói ấy quý hơn cả vàng bạc châu báu, cả đất đai vườn tược, làm thay đổi hẳn những thế hệ nối tiếp. Sáu anh em nhà ông thông gia của tôi đều sinh ra ở Hà Nội.
 
Và khi non sông tròn một dải, ám ảnh với lời dặn ngày xưa, hai ông anh đầu Nam tiến, gây dựng mỗi người một cơ nghiệp ở Sài Gòn. Sáu anh em, bốn trai hai gái là sáu thân phận, người tiến sĩ toán, người cử nhân văn, người theo đuổi nghề luật… nhưng theo như quan sát của tôi, đó là sáu con người đã hoàn thành danh phận ở đời, có thể điềm tĩnh ung dung tự tại nhìn đời. Nhìn gia đình sáu anh em trong ngày vui của hai cháu toát lên tình cảm chân thành, tôi thấy quý cho cái tình máu mủ ruột thịt. Bà thông gia của tôi quê Hà Nội sau khi mở rộng, cách trung tâm thủ đô non hai chục cây số. Ngày đám cưới, họ hàng thuê hai chiếc xe to đùng ra dự, đem theo mấy can nhựa rượu quê, thổi một không khí hồ hởi chân tình khắp các bàn tiệc. Bản thân bà thông gia của tôi không hiểu bằng cách nào, mặc cho những phồn hoa nơi đô thị, vẫn giữ được cái chất phác bộc trực của một vùng quê yên ả khiến tôi không thể không ngạc nhiên.

Vì hai gia đình ở xa, vợ chồng tôi không muốn bày vẽ, làm phiền nhà trai, trong khi ông bà thông gia một mực xin làm đủ bốn lễ căn bản. Nhưng chính vì xa xôi cách trở mà hai gia đình thống nhất lễ ăn hỏi và lễ xin dâu tiến hành trong cùng một buổi, chia làm hai phần, mỗi phần theo đúng các nghi thức tiền nhân quy định. Ngày làm lễ, một số anh chị em của hai ông bà thông gia cũng như nhà tôi người từ Hà Nội vào người từ Sài Gòn ra chứng kiến giây phút thiêng liêng của hai đứa cháu. Hình như đến một tuổi nào đó, anh chị em mới thực sự xích lại gần nhau, mới coi trọng những khoảnh khắc mà khi đầu xanh tuổi trẻ người ta thường xem nhẹ. Ông chú tôi ở Mỹ biết tin muộn, không kịp gửi quà mừng, đành mail tặng một đôi câu đối “Đất Việt thuần phong, nếp cũ vẫn ngời câu rể thảo/ Trời Nam mỹ tục, gương xưa còn rạng chữ dâu hiền”. Đôi câu đối sáng tác ở Mỹ, nhưng mang nặng hồn Việt! Tôi nhờ người viết, treo đôi câu đối lên tường, nhiều người xin chép lại!

Sau khi làm lễ, chúng tôi đãi tiệc vu quy ở khách sạn. Khách mời chọn lựa, là những người có quan hệ tình cảm thực sự. Một số không ít trong đó đã cùng chia ngọt sẻ bùi với tôi trước đây, nay đã về hưu. Với những người này, hai vợ chồng tôi đưa giấy mời tận tay tỏ lòng kính trọng. Ông đầu bếp khách sạn vốn là chỗ quen biết, đích thân vào bếp. Rượu vang tôi đặt có thể xếp vào hàng mỹ tửu. Tất cả, từ khách mời tới những món ăn, ly rượu đều được chăm chút cẩn thận, sao cho niềm vui thật trọn vẹn. Trừ một số ít đi công tác, những người được mời đều tới dự. Riêng điều này đã khiến tôi cảm động. Cả tôi và vợ tôi khi còn làm việc đều không giữ chức vụ gì, nay đã lui về an phận tuổi già, hỏi sao không cảm động khi mọi người đông đủ? Không những thế, chúng tôi phải đón khách khá sớm.
 
Từng người một, sau khi đã bỏ quà mừng là một chiếc phong bì vào hộp đựng quà, lập tức quay sang ôm người bên cạnh, bắt tay nhau, mừng rỡ cứ như chính mình lấy vợ lấy chồng! Toàn những người quen thân, ngồi chung bàn với ai không thành vấn đề. Chuyện cũ chuyện mới,  chuyện nay chuyện mai, những câu chuyện trôi trên bàn tiệc, trôi trên những ly rượu. Đầy ắp tiếng cười trên miệng, trên những đôi mắt, trên những gương mặt. Vui và ấm cúng đúng như tôi mong đợi!

Nhưng cuộc vui nào, nói như người ta vẫn nói, muốn hay không vẫn đến giây phút chia tay. Một trong những việc phải làm sau tiệc là ghi chép lại quà mừng, một công việc bất đắc dĩ, cơ học và tẻ nhạt, không hơn việc kiểm phiếu trong một cuộc bầu bán là mấy, dù là đếm tiền! Khi trí nhớ không còn đáng tin cậy, đành phải nhờ giấy bút ghi lại. Một ngày đẹp trời nào đấy với tư cách là khách mời, đến lượt mình bỏ chiếc phong bì vào hộp quà, thì ít nhất giá trị cũng tương xứng với giá trị hôm nay mình nhận. Danh sách mỗi lúc một dài ra. Tôi bất chợt phát hiện một điều thú vị, là hiện tượng trùng tên. Chỉ một cái tên ở góc trên của phong bì, không họ, không địa chỉ, khó lòng biết chủ nhân chiếc phong bì là ai! Những dấu hỏi yêu cầu câu trả lời ít nhiều kích thích trí tưởng tượng, làm công việc đỡ nhàm chán.
 
Một điều thú vị khác là căn cứ số tiền mừng, có thể đoán biết người mừng đang làm việc hay đã nghỉ hưu, có thể xác định gia cảnh của họ hiện nay. Thỉnh thoảng lại xuất hiện một chiếc phong bì với số tiền mừng khá lớn, làm mình bất ngờ. Vẫn biết thời buổi đồng tiền có khả năng làm thay những việc con người lẽ ra phải làm, có thể diễn xuất sắc các vai phản diện, mình vẫn bất ngờ khi nó đơn thuần thể hiện tấm lòng bạn bè với nhau! Một chiếc phong bì đựng năm chục tờ vé số, với lời chúc may mắn. Nét chữ con gái láu táu, giấu một nụ cười tinh quái! Năm chục tờ vé số đứng trước hai khả năng – trúng hay không trúng thưởng? Cuộc đời con người luôn đứng trước hai khả năng và một sự lựa chọn. Những cánh hoa xin đừng quên em - not forget me, tàn rồi lại nở. Anh yêu em? Không yêu? Không biết người tặng năm chục tờ vé số có chồng hay chưa?

Trong chồng phong bì chưa đếm, bỗng một chiếc phong bì không ghi tên đập vào mắt tôi. Ai lại đãng trí đến thế? Đã cầm bút viết dòng chúc mừng lại không ghi tên mình, là quên hay vì một lý do nào khác? Tôi tò mò cầm chiếc phong bì đưa về phía cửa sổ, ngắm nghía. Phía bên trong một tờ giấy bạc màu xanh hiện lên khá rõ. Tôi cẩn thận bóc phong bì, một tờ hai mươi nghìn hiện ra. Chỉ duy nhất một tờ hai mươi nghìn, không hơn không kém. Thời buổi giá cả tăng vùn vụt, không ai đi dự đám cưới lại mừng ít thế! Như đã nói vợ chồng chúng tôi đãi tiệc với mục đích chia vui, không đặt nặng vấn đề tiền nong. Hai mươi nghìn - thú thật tôi rất ngạc nhiên, bởi sự việc hơi bất thường.
 
Nhưng cảm giác ngạc nhiên nhanh chóng trôi qua, nhường chỗ cho những gương mặt hiện lên. Tôi đứng đón khách từ sớm cho đến lúc khai tiệc. Lại tiễn khách từ người đầu tiên đến người cuối cùng khi mãn tiệc. Những gương mặt vui vẻ, những câu cảm ơn chúng tôi trao đổi cho nhau chân tình. Ai là chủ nhân của chiếc phong bì chỉ có hai mươi nghìn tiền mừng? Không, hình như không có ai trong số đó! Vậy thì rất có thể người này là một trong số người không đến? Tôi lập tức loại ngay giả thiết vừa manh nha. Những người bạn vì lý do này, lý do khác không có mặt trong tiệc đều đã báo trước cho hai vợ chồng tôi. Ai nhỉ?... Khi một câu hỏi chưa có câu trả lời thì những câu hỏi khác lập tức xuất hiện.
 
Hoàn cảnh người này hiện ra sao? Chồng chị ấy (hay vợ anh ấy) đang lâm trọng bệnh?... Nguồn thu nhập chính của gia đình hiện nay là gì?... Người ấy rất có thể đã đến, đã chào chúng tôi, đã nói câu chúc mừng và sau khi bỏ chiếc phong bì với món tiền còm cỏi hai mươi nghìn đã âm thầm tìm cách ra về không dự tiệc?... Một người hành xử như thế phải chăng là một người nghèo tiền bạc nhưng nặng lòng với tình đời?... Tôi cân nhắc các khả năng khác nhau, nhưng không thể đưa ra một câu trả lời khả dĩ thuyết phục…
 
Chưa bao giờ một tờ bạc mệnh giá hai mươi nghìn làm tôi băn khoăn như lúc này. Nghe nói một tô phở dùng thịt bò nhập khẩu từ Nhật Bản ở Hà Nội giá hơn sáu trăm nghìn. Một chai rượu tây người ta đãi nhau trong nhà hàng tính bằng tiền triệu. Nhưng lẽ nào lại đi so sánh một ngụm nước chia nhau trong cơn khát khô người giữa sa mạc với ly rượu kia? Có những sự việc dường như bác bỏ mọi sự so sánh!

Tôi cẩn thận cho tờ hai mươi nghìn vào chiếc phong bì rồi dán lại. Tôi mở tủ lấy hộp sơn mài đựng kỷ vật. Một vài tấm ảnh đen trắng của những cô bạn thời đầu xanh tuổi trẻ, cả ta cả tây. Một vài tấm bưu ảnh đã phai nét chữ người gửi. Bức thư cuối cùng của người con gái đầu tiên tôi phải lòng…

Và chiếc phong bì đựng hai mươi nghìn tiền mừng cưới của một người không xác định là kỷ vật mới nhất!
Viết thêm: Tôi đã định cho các tờ vé số vào chung chiếc phong bì đựng tờ hai mươi nghìn. Nhưng sau một thoáng ngẫm nghĩ, tôi không làm thế nữa. Các con số nhìn bề ngoài giống nhau, nhưng thực sự không phải vậy. Tôi cũng không dò kết quả xổ số ngày đó. Không biết có tờ vé số nào trong năm chục tờ kia trúng thưởng không?

Đà Nẵng, mùa cưới 2010

HOÀNG.
;
.
.
.
.
.