.

Thương hiệu của cái đẹp

.
Michelangelo, điêu khắc gia thiên tài người Ý, có lần nói nửa đùa nửa thật rằng: Điêu khắc, đơn giản thôi, chỉ là việc lược bỏ đi những khối đá thừa và giữ lại những gì cần thiết cho tác phẩm. Ở Đà Nẵng, có một làng nghề đã tạo nên thương hiệu bằng “cái để lại” như thế.

Mô tả ảnh.
“Cái để lại” đã tạo nên những Phước Lộc Thọ, sư tử... làm đẹp cuộc đời.
 
Đó là làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước. Nghề điêu khắc đá được hình thành vào thế kỷ XVIII và sau đó phát triển thành làng nghề cho đến ngày nay, tạo nên một nét rất riêng cho Khu du lịch danh thắng Ngũ Hành Sơn và thành phố Đà Nẵng.

Từ thủ công đến máy móc

Những nghệ nhân cao niên của làng nghề hiện còn không nhiều, có thể kể đến các ông Lê Bền, Nguyễn Sang, Nguyễn Việt Minh... Họ đã từng là cậu bé học việc, đôi bàn tay chai sần vì đá cứa, búa rung, chịu những lời la rầy của những người thầy nghiêm khắc trước khi nghiệm ra một điều quan trọng trong nghệ thuật điêu khắc là cần để lại cái gì và đục bỏ cái gì.

Hơn nửa thế kỷ trải bước thăng trầm cùng đá, những lớp thợ xưa như ông đã chai ráp bàn tay để đục đục, mài mài các vật dụng gia đình như đá kê chân cột, cối xay bột, cối giã, thành giếng, bia mộ... trước khi được chạm đến những long, ly, quy, phụng. Cũng như làng mộc Kim Bồng, người làng đá Non Nước đi khắp nơi, để lại nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, vượt thời gian như các bức chạm ở chùa Khái Đông, Bảo tàng Điêu khắc Champa, mộ đá Nam Bộ, các lăng tẩm Huế... Từ một nghề tay trái của một số gia đình thuần nông ở làng Khái Đông phía bên kia Cầu Biện, đến nay, làm đá trở thành một nghề mang lại lợi nhuận và sự danh giá cho hơn bốn trăm hộ với hơn bốn nghìn lao động, chủ yếu ở dọc theo chân núi Thủy Sơn.

Ngày trước, các vị tiền hiền khai sáng làng nghề còn dùng cái vồ như vồ ép dầu - nghề đá gọi là cái cui - làm bằng gỗ đồi mồi để đập đá. Còn bây giờ, thời buổi khoa học kỹ thuật áp sát đời sống, 100% các hộ đều sử dụng các loại máy cầm tay, năng suất lao động cứ thế mà vụt lên như tên lửa. Nhiều công đoạn, kỹ thuật chế tác như chạm lộng chẳng hạn, ngày trước thủ công, muốn có “cái để lại” gần như không làm được thì giờ đây, với trợ thủ đắc lực là máy cơ giới, tất cả đều được giải quyết tất tần tật.

Sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước giờ đây không chỉ có mặt khắp nơi trong nước mà còn được đóng công-tai-nơ xuất ra thế giới, chủ yếu qua một số thương nhân nước ngoài.

Vứt đi và để lại

Mô tả ảnh.
Nghệ nhân Nguyễn Việt Minh, một trong những lão làng của làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước.
Làng nghề hiện có trên 4.000 lao động với hơn 50 thợ bậc cao, trong đó nghệ nhân bậc thầy đếm chỉ hơn 10 đầu ngón tay. Ông Nguyễn Việt Minh, Chủ tịch Hội làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước cho biết, trong 5 năm, từ 2005 đến 2010, doanh thu làng nghề đã tăng từ 65 tỷ lên 150 tỷ đồng. Lượng hàng bán trong nước tăng đều, nhưng lượng hàng bán cho nước ngoài còn tùy thuộc vào kinh tế thế giới. Mấy năm trước, tỷ số hàng bán nước ngoài so với trong nước là 70-30, hiện nay là 50-50. Cả làng hiện có trên 10 cơ sở sản xuất lớn, trong đó lớn nhất là các cơ sở Tiến Hiếu, Nguyễn Hùng, Xuất Ánh. Còn lại là các ki-ốt bán lẻ dọc các đường Huyền Trân Công chúa, Lê Văn Hiến, Trường Sa, Nguyễn Cư Trinh.

Điều khiến những người quan tâm đến làng nghề suy nghĩ lâu nay là hiện vẫn chưa tìm ra một sản phẩm thích ứng cho khách du lịch. Hàng lớn thì khó vận chuyển, mà nhỏ quá thì đục đẽo rất tốn công. Công thợ một ngày 150 nghìn mà bỏ ra đục một sản phẩm vừa tay cho khách du lịch thì bán cao lắm cũng chỉ được 30 nghìn đồng nên không ai làm. Ông Minh nói đùa, hàng đó, khách mua về đặt trong nhà thì nhỏ quá, mà mang trên người như đồ trang sức thì lại... lớn quá!

Mùa hè, cả làng đổ xô vào sản xuất. Gần Tết, mức độ tuy có rộn rã hơn, nhưng không phải sản xuất theo đơn đặt hàng mà cho có cái để trưng bày trong mấy ngày xuân. Tết, người ta làm các hàng truyền thống như lân, sư tử. Có cơ sở còn tổ chức làm đêm, tuy chưa biết bán được hay không nhưng vẫn cứ làm, vô lẽ Tết nhứt lại để gian hàng trống trơn thì còn ra thể thống gì.

Khách Tây qua Noel là rủ nhau đến Non Nước mua sắm, thăm thú. Tết Nguyên đán, nhìn chung thì Tây ít mua hàng. Thế nhưng, cũng có một số đại gia trong nước mua sản phẩm trị giá có khi lên đến 10 nghìn USD gồm các loại như sư tử, lân, các loại tượng thờ tôn giáo... để hiến cúng chùa chiền, nhà thờ hoặc trang trí ở các biệt thự.

Mồng 6 Tết, cả làng nghề rủ nhau đi lễ ở đền thờ Thạch nghệ Tổ sư dưới chân ngọn Mộc Sơn. Xong, tất cả về nhà mang đá ra đục mấy nhát để khai trương lấy ngày tốt. (Cũng có trường hợp có đoàn khách Tây đến đúng mồng 1 Tết, không cần biết ngày giờ gì, năn nỉ thợ mang đá ra làm để họ quay phim, chụp ảnh). Sau đó, cả làng im ắng tiếng búa, tiếng máy cho đến 16 tháng giêng, nhà nào có hàng rồi thì cứ thong thả ăn chơi cho hết tháng giêng.

Michelangelo bảo, điêu khắc chỉ là việc lược bỏ đi những khối đá thừa và giữ lại những gì cần thiết cho tác phẩm. Nói thì dễ thế, nhưng vấn đề là làm sao để nhận ra cái nào phải bỏ đi và cái nào cần để lại. Làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước cũng đã vứt đi rất nhiều thứ và chỉ để lại những gì thực sự Chân Thiện Mỹ để đưa thương hiệu Non Nước - Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng ngày một lan xa, lan xa.

VĂN THÀNH LÊ
;
.
.
.
.
.