Tôi bị đục thủy tinh thể. Bác sĩ chỉ định mổ mắt trái.
Tôi được đưa vào phòng mổ. Đang có mấy ca mổ, không khí khẩn trương. Đèn sáng lấp loáng, cần máy cất lên hạ xuống. Người nhà Y mũ mảng áo quần như sắp bay vào vũ trụ. Thấy hơi ớn.
Tôi được đưa vào phòng mổ. Đang có mấy ca mổ, không khí khẩn trương. Đèn sáng lấp loáng, cần máy cất lên hạ xuống. Người nhà Y mũ mảng áo quần như sắp bay vào vũ trụ. Thấy hơi ớn.
Y tá đỡ tôi lên bàn mổ. Không gây mê chỉ gây tê tại chỗ.
Nằm chờ thuốc tê ngấm, tôi tưởng tượng ra ca mổ theo cách của tôi: họ sẽ chọc vào giữa con ngươi mình, móc cái cục thủy tinh thể đục ra, thay cái trong vào, từa tựa như hồi nhỏ mình móc viên bi xi-măng ra khỏi lỗ bi, rồi bắn vào đó một viên bi ve trong suốt. Một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng tôi!
Nhưng ít nhiều gì mình cũng từng qua trận mạc, không được để bọn trẻ hắn cười- Tôi tự nhủ để trấn tỉnh. Hít vào… thở ra… Tôi nằm thở đều để lấy bình tĩnh.
Ca mổ sắp bắt đầu. Người ta trùm một tấm vải màu xanh đậm lên người tôi, che kín từ đầu xuống ngực, chỉ chừa trống chỗ mắt trái. Tôi cố mở con mắt lão hóa ấy nhưng chẳng còn thấy gì. Từ giây phút đó, tôi chỉ còn nhìn được một mắt. Tự dưng, một bầu không khí thật dễ chịu đang trùm xuống người tôi.
- Không có gì đâu, bác nhé. Nhoáng cái là xong.
Tiếng người nữ bác sĩ phẫu thuật ngân nga như chuông. Tôi biết là cô đang chọc vào giữa mắt tôi. Nhưng không hề thấy đau, chỉ thấy cồm cộm. Tiếng máy chạy vo vo rất êm, như tiếng muỗi bay đêm. Như ru. Như dỗ dành.
Chừng như chỉ độ mươi, mươi lăm phút, tôi nghe tiếng dụng cụ kim loại thả nhẹ xuống khay cùng với giọng nói của người nữ bác sĩ:
- Xong rồi! Bác thấy thế nào, đau không?
- Không hề đau. Giá có mười con mắt tôi cũng sẵn sàng mổ tiếp.
Thấy tôi còn đùa được, kíp mổ rất thích thú. Một nữ y tá đỡ tôi ngồi dậy, đứng xuống đất, rồi luồn tay vào nách tôi, dìu tôi đi như người ta khoác tay người yêu trong công viên.
Ra khỏi phòng, chị ta nhìn con mắt đã được băng kín của tôi, hỏi nhỏ:
- Dễ chịu chưa, anh?
- Dễ chịu quá! Dễ chịu quá!
Nghe chị gọi tôi bằng anh, tôi nhìn kỹ chị. Có lẽ cũng sắp tuổi hưu nhưng còn nhan sắc và phong độ lắm.
Người nhà tôi cũng vừa tới. Chồng mổ mắt mà bà xã tôi như trẻ ra, con gái tôi thì xinh lên hẳn. Hai mẹ con gần như hỏi rập một lần:
- Đau lắm không, ba?
- Chỉ nhột nhột.
Cả hai thở phào. Rồi, người thì cầm sữa đưa vào miệng tôi, người thì vuốt phủi, sửa sang lại quần áo cho tôi.
Taxi đến, chị y tá nhào tới giành đưa tôi ra xe.
Khi người tài xế mở cửa, chị y tá gần như bế tôi vào xe. Đúng là lương y như từ mẫu! Khi taxi về đến trước cổng, cậu nhỏ hàng xóm vội chạy tới đỡ tôi bước ra. Cậu bé này thường cứ tránh mặt tôi bởi có lần bị tôi bắt gặp cậu ta quẳng rác bừa bãi ra ngoài thùng rác. Đứa cháu ngoại đang học lớp chín nghe tiếng xe, vội chạy ra mở cửa. Cháu nhìn chằm chằm vào mắt tôi, vẻ mặt đau đớn như chính mắt cháu vừa bị mổ. Bà ngoại cháu nhẹ nhàng hỏi:
- Con ôn bài tới đâu rồi?
- Bà ơi! Con học xong môn Sử rồi ạ!
-Thế chơi máy một chút để giải trí đi con.
-Không đâu bà, còn những mấy môn nữa mà. Bà đã chẳng bảo thi đến đít rồi là gì.
Tôi thấy người cứ nhẹ bâng. Mọi khi cháu thì lười học, mê máy, bà thì, đang giờ học mà thấy hắn ngồi trước màn hình thì phải biết.
Cả nhà dìu tôi vào giường. Nói thiệt, cũng chẳng mệt nhọc gì nhưng phải cố sửa cái bộ tịch của người mới rời bàn mổ để hưởng trọn cái thú được chăm sóc. Hỏi được mấy khi.
Vừa được ngả lưng xuống nệm, giữa mùa lạnh mà mẹ con hắn cứ phẩy quạt tàu phành phạch vào người, phát cóng.
Đến bữa ăn, toàn những món tôi thích. Chỉ thiếu mấy quả ớt xanh mà bà ngoại cháu cứ xin lỗi, xin phải ầm ĩ.
Đến tối, tôi bị buộc phải lên giường sớm. Không thể ngủ được. Đời mình chưa từng có một ngày tuyệt vời như thế này. Nên cứ nghi nghi hoặc hoặc: không biết cái ngày này là cái ngày gì, thật hay mơ?
Sáng hôm sau, người nhà đưa tôi vào viện thay băng. Băng vừa được gỡ ra, sáng lòa. Thấy tất cả còn hơn hồi chưa mổ. Cô bác sĩ khám lại, bảo:
- Tốt rồi, về nhớ uống thuốc, nhỏ thuốc theo toa, rửa mắt đúng hướng dẫn, để nhiễm trùng chúng tôi không chịu trách nhiệm đâu đấy nhé.
Người vừa nói hình như không phải là bác sĩ đã mổ cho tôi- giọng cô ấy du dương lắm chứ đâu khô như rơm thế này.
Đến khâu làm thủ tục xuất viện mới cực. Bệnh nhân đông phải ngồi chờ. Đang sốt ruột, mừng quá, vừa thấy chị y tá như từ mẫu hôm qua. Tôi vội kéo chị than phiền: “Chờ lâu quá”. Mặt lạnh tanh, chị ta nói to:
- Ai mà không đợi hả bác?
Rồi te tái đi. Thì mới hôm qua anh anh em em ngọt xớt. Hay là chị ta quên tôi rồi.
Đến trưa trật mới xong. Tôi buồn bực về nhà. Bữa cơm muộn nhưng vẫn những món tôi thích, ớt xanh ớt đỏ đầy đủ, mà miệng cứ đắng ngắt. Bà ngoại gọi đến lần thứ ba, cháu vẫn chưa xuống. Bực quá, bà lên phòng thấy cháu đang ngồi ôm máy tính. Thế là cơn quát tháo lại đùng đùng nổi lên, như thường vẫn vậy. Tôi và vội bát cơm rồi ra đứng ngoài ban-công để tránh stress. Nhưng khi vừa nhìn xuống đường, lại thấy ngay thằng nhỏ tốt bụng nọ đang lén quẳng rác ra ngoài thùng. Bực cả mình!
Vừa lúc đó, ông bạn thân nhất của tôi đến thăm. Ông được coi là nhà thông thái ở tỉnh lẻ chúng tôi. Chưa bước vào nhà, ông đã hỏi to:
- Sao rồi?
- Tạm ổn. Nhưng mà…
- ?.?
- Đúng là trong cái rủi có cái may. Có bị mổ mắt tôi mới phát hiện ra được điều này lạ lắm, là Ông Trời, đã chơi xỏ con người.
Anh cụ cho mình hai con mắt, thì mắt phải toàn thấy bông thấy hoa, còn mắt trái ngược lại, chỉ thấy rặt những cái chi chi.
Ông bạn tôi mở to mắt nhìn tôi như nhìn con thú lạ trong vườn thú, có vẻ không hiểu tôi muốn nói gì. Tôi phải kể rằng thì là khi tôi chỉ còn con mắt phải thì thấy gì cũng hay, gặp ai cũng tốt. Đến khi mắt trái nhìn được rồi thì chán quá, không muốn sống nữa. Ông nghiên cứu xem tại sao vậy.
Ông ta lắc đầu, cười lớn:
- Tại ông ăn trúng chi rồi.
- Không, tôi vẫn rất bình thường. Biết thế này thì… Giá mà ca mổ hôm qua thầy thuốc không giỏi như thế, thuốc men đừng tốt như thế, để mất luôn con mắt trái chết tiệt này, có phải tốt bao nhiêu.
- Đừng nhảm! Ông tính coi: nếu quả ông trời chơi thế thì trong khi ông mất mắt trái nhưng được đền bù thỏa đáng bằng cả một cuộc sống thần tiên. Ngược lại những người không may hỏng mắt phải, đã bị chột rồi lại còn phải suốt đời sống chung với lang sói, cứ mở mắt ra là thấy toàn những chuyện đau lòng, thiệt đơn thiệt kép thế hỏi sống sao nổi?
Nghe anh ta nói tôi thốt giật mình. Khéo mình bị lú mất rồi.
Thì ra… Tạo hóa cũng thông minh gớm!
Phạm Phát