.

Vân Dương đánh giặc dị kỳ

.
Vân Dương là một trong những làng cổ thuộc xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang. Căn cứ vào các bản cổ chỉ còn lại đến nay, cũng như cuốn “Ô Châu cận lục” do Dương Văn An cẩn án, “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn đều thấy nhắc đến tên làng này.

Mô tả ảnh.
Cấm rừng Vân Dương - một di tích lịch sử của làng. (Ảnh chụp vào thập niên 60 của thế kỷ trước)
Vân Dương nằm giữa 7 làng khác nhau tại tây bắc Hòa Vang. Căn cứ vào mốc giới được lập dưới thời Gia Long thứ 10 (1811) thì thấy: phía Đông giáp với làng Trung Sơn, phía Tây giáp các làng Vĩnh Phước, làng Tân Ninh (thời ấy viết là Tân An), phía Nam giáp các làng: Hưởng Phước, Bào Chích Đông (nay là An Ngãi Đông), Bào Chích Tây (nay là An Ngãi Tây), phía Bắc giáp làng Quan Khuê (tức Quan Nam hiện nay). Vân Dương là một làng có địa bàn khá thuận lợi cho việc khai canh, lập ấp buổi ban đầu.

Hồi phong trào Nghĩa hội Quảng Nam, có một câu ca dao khá bí ẩn: “Vân Dương đánh giặc dị kỳ - Chánh Sáu thì lết, Xã Y thì bò...”. Truy nguyên câu ca trên, thật lắm điều lý thú. Cùng với Án Nại (Nguyễn Hanh - người làng Nại Hiên, Đà Nẵng), tại mặt trận Tây bắc Hòa Vang lúc đó còn có các ông như: Ông Ích Hoắc, Tán Bùi tức Bùi Đức Nghè ở Hiền Phong (Vân Dương), Lãnh Tịnh là người họ Phạm ở xóm Trại (Vân Dương), Đốc Sành (tức Đốc Thường) là người làng Trung Sơn, Cai Cải là người làng Quan Nam, Lê Văn Thạnh (tức Quốc) người xóm làng Vân Dương - Lương y đốc chiến trong Nghĩa hội để lo sức khỏe cho các tướng và nghĩa quân, nhất là Thống Hai (tức Hồ Học - người làng Vân Dương)…

Theo con cháu ông Thống Hai hiện ở Vân Dương thì đương thời, Thống Hai cho lập nhiều đồn lũy, trạm cảnh giới khắp vùng để đẩy mạnh phong trào Nghĩa hội. Tại Hố Chiêu, ông cho đắp đất cao, trồng gai dứa dày đặc, cắm chông tre, bên trong bờ lũy có chiến hào ăn thông ra ruộng. Thống Hai lấy nửa làng Trung Sơn làm khu hậu cần, lấy vùng Cấm Hồ làm tiền đồn cảnh giới, lấy hòn Núi Nhọn ở làng Quan Nam làm trụ cờ, trên có cắm lá cờ lớn thêu chữ “Nghĩa” (đến nay người dân vẫn gọi là “Dương Hòn Cờ”). Nghĩa binh được tuyển chọn từ người dân trong vùng, số khác được tăng cường từ các huyện phía Nam ra. Đội quân dưới quyền Thống Hai thường xuyên luyện tập múa gươm, đâm giáo, đánh quyền, bắn tên. Vũ khí là gươm, giáo, gậy gộc, tre đặc đẽo nhọn; dùng da voi hoặc da trâu, sách cũ để lót ở ngực, giáo đâm không thủng; chân thì mang dép da voi, da trâu, da bò già, dép mo cau...
 
Để gây thanh thế, ông Học cho lính chặt dứa dại phơi khô, xẻ ruột đổ dầu mù u vào rồi đốt, mỗi người lính cầm 1 đuốc, vai thì gánh 2 thân cây dứa đang cháy đi trong đêm, nên Pháp thấy quân Nghĩa hội nhiều vô kể. Tại bãi cát Thanh Vinh, ông Học cho quân đào một hầm dài 1km, sâu 1,5m, dưới cắm nhiều chông, trên lấy cót tre đậy lại, rồi phủ cát và cỏ lên để ngụy trang. Quân Pháp từ Đà Nẵng kéo lên, ông cho quân lao đến đánh giáp lá cà rồi giả vờ bỏ chạy. Địch đuổi theo, liền bị rơi xuống hố, quân ta quay lại tha hồ chém giết. Chính quân của Hồ Học đã bất thần tấn công giết chết tên đại úy Besson và nhóm lính do hắn cầm đầu tại trạm Nam Chơn, dưới chân đèo Hải Vân vào ngày 1-3-1886.

Thế rồi, thực dân Pháp mua chuộc được người hầu thân cận của Hồ Học, tên này phục rượu cho ông say để Pháp bắt giải vào Hội An. Nghe tin bắt được ông, một tên quan ba Pháp từ Hà Nội lập tức vào Hội An để đích thân tra khảo. Khi hắn gọi ông là “đồ giặc rừng”, liền bị Hồ Học vớ chiếc ghế đang ngồi ném mạnh vào mặt hắn. Ông liền bị 2 tên đứng gần đó bắn chết ngay tại chỗ. Bọn Pháp đem cắt đầu ông bỏ vào cái giỏ bằng tre để “bêu đầu thị chúng” tại làng Lai Nghi (gần Hội An). Ngay trong đêm Hồ Học bị bắt, lực lượng Nghĩa hội Quảng Nam đã huy động nghĩa binh, dân tấn công vào đồn lũy Phú Thượng để trả thù. Do dự lường trước nên bọn Pháp đã mai phục sẵn. Khi các ông Chánh Sáu và Xã Y người làng Vân Dương dẫn quân nghĩa hội đánh vào thì cả hai đều bị thương nặng ở chân, anh em nghĩa quân phải xông đến xốc dìu hai người rút lui. Vì vậy, mới có câu “Chánh Sáu thì lết, Xã Y thì bò”.

Lại nói về thi thể của Hồ Học, theo cụ Lê Văn Tất hiện sống tại làng Vân Dương: “Mười ngày sau, người bà con với ông là bà Lê Thị Tân, gốc làng Thanh Quýt, theo quê chồng về ở tại Vân Dương, là vợ thứ của ông Hồ Như Chiêu, một võ quan trong quân đội triều Nguyễn vào thời vua Tự Đức nhân lúc đi bán thuốc lá, lợi dụng giữa trưa, bà liền gánh đôi bầu đường đến Lai Nghi, kéo cây tre xuống, gỡ cái đầu ông Học bỏ vào, lấy thuốc lá đậy lên trên, rồi gánh chạy một mạch về Vân Dương. Bà con trong tộc liền lấy đất sét nắn làm thân hình ông Học, ráp cái đầu vào, khâm liệm và chôn.

Mới hay, “Vân Dương” không chỉ “đánh giặc dị kỳ” mà tinh thần yêu nước, tính nghĩa khí cương cường trong việc chống ngoại xâm của người dân nơi đây thật kỳ diệu và đáng quý biết bao!

LƯU ANH RÔ
;
.
.
.
.
.