* Trong bài “Có một Hoàng Sa trong đất liền” đăng trên báo Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 20-3 vừa qua có câu: “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/ Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây”. Về thơ lục bát tôi chỉ biết đến Truyện Kiều của Nguyễn Du nên thấy hai câu này hơi lạ, không biết có phải phạm luật thơ lục bát không? (Phan Phan, Sơn Trà, Đà Nẵng).
* Thơ lục bát có mấy loại biến thể? (Tập thể những người yêu thơ ở Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).
- Hai câu thơ “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/ Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây” đã được viết theo thể thơ lục bát biến thể.
Nhà thơ Nguyễn Đình Trọng (Đại diện của website lucbat.com tại thành phố Hồ Chí Minh) trong bài “Biến thể vần bằng, trắc trong thơ Lục Bát?” đăng trên trang này ngày 10-3-2010 đã định nghĩa: Biến thể nghĩa là thể văn có biến đổi đi. Thể này tức cũng là thể lục bát, nhưng thỉnh thoảng có xen vào một ít câu mà cách hiệp vần và luật bằng trắc khác với thể lục bát thông thường.
Theo nhà thơ, có hai cách biến thể trong thơ lục bát như sau:
1- Biến thể vần bằng: Thay đổi cách gieo vần ở câu Bát: Chữ cuối của câu Lục cùng vần với chữ thứ tư của câu Bát thay vì vần với chữ thứ sáu (như luật thông thường). Theo lối biến thể này, các chữ thứ hai và thứ sáu trong câu Bát phải chuyển sang thanh trắc thay vì thanh bằng theo luật gieo vần. Ví dụ: Khâu rồi anh sẽ trả công/ Ít nữa lấy chồng anh lại giúp cho (bài ca dao “Tát nước”)
2- Biến thể vần trắc: Chữ cuối của câu Lục và chữ thứ sáu của câu Bát cùng là âm trắc và hiệp vần với nhau. Thông thường, cách biến thể này chỉ được sử dụng trong hai câu dẫn nhập của bài. Những câu kế tiếp sẽ theo đúng luật thơ. Chẳng hạn như bài ca dao: Tò vò mà nuôi con nhện/ Đến khi nó lớn, nó quện nhau đi/ Tò vò ngồi khóc tỉ ti/ Nhện ơi nhện hỡi, mày đi đằng nào?.
Một số tác giả khác đưa ra 3 loại lục bát biến thể như sau:
1- Biến đổi cấu trúc bằng trắc:
a. Câu Lục giữ nguyên, câu Bát biến đổi chữ thứ hai thành thanh trắc: Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra (ca dao).
b. Cả câu Lục và câu Bát đều biến đổi chữ thứ hai thành thanh trắc: Có xáo thì xáo nước trong/ Đừng xáo nước đục đau lòng cò con (ca dao).
2- Biến đổi cách ngắt nhịp: Câu Bát giữ nguyên, câu Lục biến đổi chữ thứ hai thành thanh trắc và ngắt nhịp ở chữ thứ ba: Mai cốt cách | tuyết tinh thần/ Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười (Truyện Kiều – Nguyễn Du).
3- Biến đổi cách gieo vần: Chữ thứ tư câu Bát hiệp vần với chữ cuối câu Lục:
a. Câu Lục giữ nguyên, câu Bát biến đổi cấu trúc bằng trắc: Con cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non (ca dao). (Tương tự Biến thể vần bằng của nhà thơ Nguyễn Đình Trọng nói trên).
b. Cả câu Lục và câu Bát đều biến đổi cấu trúc bằng trắc: Cưới vợ thì cưới liền tay/ Chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha (ca dao)
Nói thêm, trong Truyện Kiều của Nguyễn Du không phải là không có những câu lục bát biến thể. Ví dụ: “Mai cốt cách, tuyết tinh thần/ Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười” (câu 17); “Đau đớn thay, phận đàn bà!/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” (câu 83).
ĐNCT