Đà Nẵng đang được xây dựng để trở thành thành phố đáng sống ở châu Á trong tương lai. Để bắt đầu thực hiện mục tiêu này, chính quyền thành phố đã tổ chức một cuộc hội thảo và đã được nghe các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành, nhà quy hoạch, quản lý đô thị... “hiến kế” những ý tưởng xây dựng thành phố. Rất nhiều ý tưởng được đưa ra để xây dựng Đà Nẵng trong vòng 20 năm tới và đều đi đến mục tiêu cuối cùng: Thành phố sống tốt.
Như thế nào là một thành phố sống tốt? Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, đó là thành phố phải có sự phát triển bền vững mà ở đó, người dân được đặt vào vị trí trung tâm của sự phát triển và mục tiêu sau cùng là hướng đến sự phát triển con người, bao gồm 6 yếu tố: Môi trường chính trị và quản lý Nhà nước; môi trường kinh tế; môi trường văn hóa xã hội; môi trường y tế - giáo dục, hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ đô thị khác và môi trường tự nhiên. Còn theo mạng tin phân tích và tư vấn kinh tế (Economic Intelligence Unit) - tổ chức thực hiện xếp hạng về các thành phố đáng sống nhất thế giới hằng năm dựa trên 5 tiêu chí là sự ổn định, y tế, giáo dục, văn hóa và môi trường, cơ sở hạ tầng. Vậy, Đà Nẵng sẽ đáp ứng được những yếu tố (hay tiêu chí) vừa nêu?
Xin nhắc lại một vài chuyện cũ. Đầu tháng 2-2011, tạp chí Financial Times có bài viết “lưu ý các nhà đầu tư nên chú ý tới Đà Nẵng mới là địa chỉ có môi trường đầu tư tốt nhất Việt Nam”, chứ không phải Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh. Theo báo này, Đà Nẵng được coi như nơi để làm ăn, kinh doanh tốt nhất tại Việt Nam, có cơ sở hạ tầng tốt hơn bất kỳ khu vực đô thị lớn nào tại Việt Nam, tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người cao hơn nhiều khu vực khác ở Việt Nam. Trước đó nữa, vào năm 2010, theo thống kê của Savills (có trụ sở chính tại Anh, chuyên nghiên cứu về thị trường bất động sản), sở hữu các dự án biệt thự và căn hộ cao cấp ở Đà Nẵng chủ yếu là giới nhà giàu Hà Nội và sau đó là thành phố Hồ Chí Minh. Những người giàu có này đến Đà Nẵng không chỉ tìm kiếm khả năng sinh lời, mà nơi đây còn đem lại cho họ cuộc sống có chất lượng, tiện nghi hơn khi về nghỉ dưỡng.
Quả thật như vậy, người giàu ở Hà Nội (và nhiều nơi khác nữa) đang tìm về Đà Nẵng để đầu tư và để sống. Tại hội thảo ngày 5-3 vừa qua, Giáo sư Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, bộc bạch: Gia đình tôi đang sống ở Hà Nội, có một ngôi nhà mà nếu bán thì có thể có được vài chục tỷ đồng, nhưng vợ con cứ “xúi” tôi đưa gia đình vào Đà Nẵng ở. Đà Nẵng đang có sức thu hút kinh khủng. Vấn đề là thành phố phải biết cách tập hợp, sử dụng tài năng”.
Đây ắt hẳn không phải là lời nhận xét khách khí, xã giao của một nhà khoa học. Nhưng đúng như lời giáo sư nói, để trở thành nơi “sống tốt” ở khu vực, thành phố này còn nhiều việc phải làm, không chỉ tập hợp và sử dụng tài năng.
Vậy thì xây dựng và phát triển một cách bền vững. Kinh tế phải tăng trưởng liên tục và ổn định, kinh tế phải phát triển hài hòa với văn hóa - xã hội và môi trường, với mục tiêu cuối cùng là đời sống người dân khá giả hơn lên, hạnh phúc nhiều thêm, cơ sở vật chất - hạ tầng ngang mức tiên tiến của thế giới. Một thành phố đáng sống sẽ là nơi mà cư dân cảm thấy hạnh phúc với những “chuyện nhỏ” như không có bụi, kẹt xe, hay đến những chuyện “lớn hơn” như quy hoạch đồng bộ, đãi ngộ người tài, nhà đầu tư thấy được cơ hội sinh lời, còn du khách lại muốn tìm về nghỉ dưỡng. Nếu như vậy, Đà Nẵng, với đặc thù là một đô thị trẻ, sinh sau đẻ muộn, nên tránh lặp lại những “vết xe đổ” trong quy hoạch mà các thành phố khác đã, đang gặp phải; đó là quy hoạch thiếu đồng bộ, ô nhiễm môi trường, kẹt xe, không gian xanh ít... Để phát triển bền vững, thành phố phải dựa vào những nguồn thu bền vững. Vì vậy, ý tưởng của Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, rất đáng để suy nghĩ: “Xây dựng và nuôi dưỡng nhiều doanh nghiệp, doanh nhân mạnh, biết làm giàu, có chí khí và lòng yêu nước, yêu Đà Nẵng, làm lực lượng xung kích, tiên phong trong khai phá các chương trình phát triển thành phố”.
Một điều rất quan trọng nữa, đó là quyết tâm và hành động của chính quyền, thể hiện ở việc rút ngắn khoảng cách từ nghị quyết, chủ trương đến hành động, điều mà nhiều đô thị Việt Nam không làm được. Càng tin thêm điều này, khi Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng khóa XIX tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX có nêu rõ: “Phấn đấu đến năm 2020, Đà Nẵng trở thành thành phố có môi trường đô thị văn minh và giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành và đời sống văn hóa cao, làm giàu bằng kinh tế tri thức; một trong những thành phố hài hòa, thân thiện, an bình; một thành phố hấp dẫn và đáng sống”.
Phong Vân