Mỹ đã hoàn tất cuộc chiến lật đổ chế độ của Hussein một cách nhanh chóng (bắt đầu từ ngày 20-3-2003). Mỹ rút dần quân khỏi Iraq nhưng bạo lực vẫn chưa thể hết ở đất nước vùng Vịnh này: Những vụ đánh bom cảm tử, những vụ tấn công của các nhóm chiến binh tiếp tục đẩy cuộc sống của người dân vào cảnh bấp bênh không có lối thoát.
Bốn năm trước, đôi bạn thân Sadiq Ali và Mohammed Ahmed sống ở phía tây thủ đô Baghdad gần như không hề tách rời nhau. Hai em cùng cắp sách tới trường, có cùng giấc mơ trở thành ngôi sao bóng đá nên thường rủ nhau ra tiệm net chơi game bóng đá. Trong một lần đang tập luyện đá bóng trên mạng, cả hai đã dính bom. Sadiq mất chân phải, còn Mohammed thì không còn chân trái. Người bạn của cả hai ngồi bên cạnh chết ngay tại chỗ.
Bốn năm sau ngày kinh hoàng đó, Sadiq và Mohammed vẫn không hề xa nhau, giúp đỡ nhau mang chân giả và động viên nhau vượt lên chính mình. Thỉnh thoảng cả hai có lời qua tiếng lại khi va chạm trên sân bóng hay cố bảo vệ rằng mình mới là người giống ngôi sao bóng đá Cristino Ronaldo hơn! Họ cũng tự tin, tạo niềm vui cho nhau khi bảo rằng cả hai chỉ cần một đôi tất.
Mohammed (trái) và Sadiq sau tai nạn. |
Theo ước tính của LHQ, sau 8 năm kể từ ngày Mỹ tấn công Iraq, đã có hơn 800 nghìn trẻ em phải chịu cảnh mất cha mẹ và gần 500 trẻ em bị thương tật tính từ đầu năm 2009 đến nay. Những di sản cay đắng của cuộc chiến kéo dài còn do hệ thống an sinh xã hội của Iraq còn rất thiếu thốn. Gia đình, xã hội và cả các tổ chức phi lợi nhuận đều không thể cung cấp đủ nơi ở và chăm sóc y tế cho người dân, nhất là trẻ em bị thương tật do chiến tranh.
Chính quyền đã thành lập ủy ban bồi thường cho người bị thương nhưng thực sự nhiêu khê khi mà người được nhận tiền phải điền không biết bao nhiêu là giấy tờ và chờ từ ba đến bốn năm mới có thể nhận được 2 nghìn USD. Với đất nước có tỷ lệ thất nghiệp lên đến 20%, người dân ít học nên chủ yếu làm công việc chân tay. Những đứa trẻ bị thương tật vì bom đạn đã trở thành gánh nặng cho gia đình và các bậc cha mẹ lo lắng cho tương lai của bọn trẻ. Sau khi mất vài tháng để chữa trị, Sadiq đã trở lại trường nhưng sức học giảm sút nghiêm trọng. Chính vì thế, tương lai của Sadiq hay những đứa trẻ như em thực sự mù mịt. Nó khác xa với viễn cảnh mà người ta vẽ ra khi Mỹ bắt đầu tấn công…
Anh Thư