.
Bếp Việt

Bún bò Nam bộ

 

Vợ tôi quê Bắc, “xuất giá tòng phu” rời thủ đô chôn nhau cắt rốn theo chồng vào dải đất miền Trung “chưa mưa đã thấm”. Thấm thoát mấy chục năm, thời gian thấm vào lời ăn tiếng nói, vào những thói quen hằng ngày, tất nhiên trong cả chuyện nấu nướng. Hương vị xứ Bắc giao thoa hương vị miền Trung rồi cất lên một ngôn ngữ mới, thuyết phục ngay cả những người khó tính nhất!

Thế nhưng thời gian gần đây vợ tôi bỗng nhiên trở tính trở nết, cứ nhất quyết “Nam tiến”, cứ nhất định “phải lòng” các món ăn Nam bộ! “Ăn gì đây cả nhà ơi? - Bún bò Nam bộ nhé!”. Vợ tôi hỏi rồi tự trả lời, bởi “cả nhà” ngoài vợ tôi chỉ có thêm tôi mà như hầu hết các đức ông chồng chẳng bao giờ có tiếng nói cuối cùng với vợ vậy nên tôi chỉ cần gật cái cổ thật mạnh!

Thực ra, tôi đã yêu bún bò Nam bộ từ ngày còn nhỏ, chính xác lúc tôi đi sơ tán tại một làng quê hiền hòa. Chỉ một lần duy nhất, bưng tô bún chạy xuống hầm trú ẩn, vừa ăn vừa dõng tai nghe tiếng gầm thét của máy bay Mỹ, nhưng không hiểu sao bom đạn thì mình quên, còn cái tô bún ấy thì ở lại trong ký ức!

Bún bò Nam bộ không cầu kỳ nhưng lại rất nghiêm ngặt, có khuôn phép. Rau thì chỉ có rau thơm và giá trụng, tuyệt đối không thể thiếu hai thứ này, tuyệt đối không thể cẩu thả thay bằng thứ rau khác. Giá lại phải chọn thứ giá ngắn và mập. Trụng giá phải vừa, lỡ chín quá một chút thì dứt khoát phải bỏ đi trụng đĩa khác chứ nếu tiếc thì hỏng cả món bún. Rau thơm tất nhiên phải tươi xanh, phải thơm như tên gọi. Thịt bò rán thái sợi. Nước thịt bò rán là nước cốt để làm món nước chấm chua ngọt. Nếu như các loại sốt là tinh túy của các món ăn Tây thì nước chấm là linh hồn của bếp Việt. Một chén nước chấm không đạt yêu cầu món ăn chỉ còn “phần xác”, đã quay lại thời nguyên thủy! Một chút bún, một chút thịt bò, nhiều nhiều rau thơm và giá trụng, nhiều nhiều nước chấm, thêm một hai thìa đậu phụng rang, một chút tương ớt đỏ tươi, rồi trộn đều tay. Cay cay chua chua, ngòn ngọt mằn mặn, bùi bùi béo béo - mùi thịt bò rán, mùi giá mùi rau mùi đậu phụng xôn xao trong nhau…

Tô bún bò tôi ăn hồi nhỏ do một nghệ sĩ đoàn dân ca Khu 5 nấu. Tô bún bò bây giờ tôi ăn do vợ tôi, một người phụ nữ Hà Nội nấu. Đó là hai tô bún ấn tượng nhất tôi từng ăn. Nhưng tôi cứ phân vân, có thể một tô bún bò Nam bộ do chính một người phụ nữ Nam bộ nấu, sẽ còn ngon hơn nữa? Nhất định tôi sẽ vô Nam, nhất định tôi sẽ làm quen với một “cô Nam bộ” nào đó...

Nhưng một món ăn do người nơi khác nấu mà ngon, mà thèm thì chắc chắn do chính bản thân món ăn quyết định và có lẽ không nhiều những món ăn như bún bò Nam bộ đạt đến ngưỡng ấy. Vậy thì trong khi chờ cơ hội làm quen với “cô Nam bộ”, tôi vẫn sẽ ngon miệng, vẫn “cầm lòng vậy, đành lòng vậy” với “cô Bắc Kỳ” của mình thôi!

Hoàng
;
.
.
.
.
.