Trong cuộc đối thoại giữa Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh với các cán bộ trẻ diễn ra mới đây, chị Hồ Anh Ngọc, cán bộ Văn phòng UBND thành phố đặt vấn đề, mặc dù Khu Công nghệ cao thành phố đã được phê duyệt và đây là quyết tâm của Đà Nẵng trong việc nâng cao chất lượng đầu tư; thế nhưng, việc xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào khu vực này vẫn chưa được xây dựng một cách bài bản.
Đây cũng chính là những băn khoăn, trăn trở của những người làm công tác thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố trong thời gian qua, không phải chỉ riêng ở Khu Công nghệ cao. Nhìn lại một chặng đường thu hút đầu tư trong và ngoài nước kể từ khi Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, một chuyên gia trong lĩnh vực này nhìn nhận, mặc dù có những chuyển biến đáng kể, nhưng chiến lược thu hút đầu tư vẫn là điều đáng bàn. Bởi trên thực tế, việc xây dựng các cơ chế, chính sách và triển khai thực hiện vẫn chưa tạo nên chuyển biến thực sự rõ rệt và chưa chứng minh cho sự đột phá quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng đầu tư trong và ngoài nước.
“Không ngừng tạo dựng và tận dụng tối đa, hiệu quả các quan hệ chính trị tốt đẹp với các nước, địa phương trong khu vực và trên thế giới, nhất là các đối tác quan trọng hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Lào... để đẩy mạnh hợp tác đầu tư, kinh tế - thương mại, khoa học kỹ thuật, giáo dục..., đặc biệt là những dự án lớn về công nghệ cao và công nghệ thông tin, tạo sức lan tỏa tích cực và lâu dài đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố” (Trích Chương trình hành động số 07/CTr-TU của Thành ủy Đà Nẵng thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW của Ban Bí thư “Về tăng cường công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”). |
Trong đó, chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, tạo chuyển biến nhằm nâng cao chất lượng đầu tư thực sự tương xứng với vị thế thành phố và theo đúng hướng phát triển đã được hoạch định.
Đến nay, trên địa bàn thành phố có 177 dự án với tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ USD, vốn thực hiện ước đạt 1,36 tỷ USD với hơn 100 dự án (chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, bất động sản và sản xuất công nghiệp) đã đi vào hoạt động, bằng 50,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Thế nhưng, nhìn nhận kỹ hơn, sẽ thấy việc đầu tư vào sản xuất công nghiệp vẫn chưa tạo nên chuyển biến tích cực trong việc sử dụng công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám cao, thân thiện với môi trường và nguồn lao động chất lượng cao theo đúng yêu cầu.
Đầu tư vào bất động sản đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho thành phố, nhưng chất lượng và hiệu quả đầu tư cũng cần phải được xem xét thấu đáo hơn khi khai thác nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này. Một số ý kiến bày tỏ băn khoăn trước việc nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào du lịch vẫn chủ yếu còn dựa vào nguồn vốn trong nước do các nhà đầu tư tận dụng chính sách về đất đai, vay vốn... nên hiệu quả thực sự vẫn chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, việc “lách luật” trong thực hiện chính sách thuế, mà cụ thể là tình trạng “lãi thật, lỗ giả” đã làm thất thu một khoản lớn cho ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Mới đây, lãnh đạo ngành Thuế cho biết, trên địa bàn Đà Nẵng hiện có 2 doanh nghiệp FDI báo lỗ với tổng số trên 300 tỷ đồng; mà phương thức chủ yếu được sử dụng là nhập hàng giá cao, bán về cho công ty mẹ giá thấp, trả lương quá cao cho người nước ngoài...
Từ thực tiễn đó, cho thấy cần có chiến lược, chính sách cụ thể, rõ ràng và theo đúng định hướng phát triển của thành phố trong giai đoạn mới trên tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố đã đề ra, để từ đó tạo chuyển biến tích cực và mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, trong đó có đầu tư trực tiếp nước ngoài, để mỗi đồng vốn đổ vào Đà Nẵng đều tạo ra những đồng lãi - không chỉ về tài chính mà cả công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực...
Anh Quân