* Đề nghị Đà Nẵng Cuối tuần cho biết thêm những thông tin cơ bản về Ngày Trái đất và Giờ Trái đất như xuất xứ, thời gian diễn ra những hoạt động... (Xuân Ngọc, Hải Châu, Đà Nẵng).
Logo của chương trình được xây dựng từ nền bản đồ địa cầu, cắt bởi số 60 là con số phút kêu gọi tắt điện. (Nguồn: earthhour.org) |
Ngày Trái đất thứ hai do ông Gaylord Nelson, nguyên thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang Wisconsin, Mỹ, phát động vào ngày 22-4-1970 với 20 triệu người tham gia. Gaylord Nelson đã bắt đầu ngày này bằng một cuộc biểu tình về môi trường sau những hội thảo chống lại cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Tổng thống Clinton từng tuyên bố: “Là cha đẻ của Ngày Trái đất, Nelson đồng thời là người tiên phong để sau này cho ra đời các sự kiện khác nối tiếp Ngày Trái đất, đó là Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Không khí sạch, Luật Nước sạch và Luật Nước uống an toàn”.
Trong Ngày Trái đất, mọi người thường tổ chức các hoạt động nhằm mục đích bảo vệ môi trường như tuyên truyền kêu gọi mọi người chung sức bảo vệ môi trường sống, tổ chức trồng cây xanh, thu gom rác thải,... Nói chung là nhằm mục đích bảo vệ môi trường sống xanh sạch đẹp. Đây là một ngày rất ý nghĩa đối với cộng đồng.
Giờ Trái Đất (tiếng Anh: Earth Hour) là một sự kiện quốc tế hằng năm, do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (World Wildlife Fund - WWF) khuyên các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong một giờ đồng hồ vào lúc 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối (giờ địa phương) ngày thứ bảy cuối cùng của tháng ba hằng năm.
Giờ Trái đất lần đầu tiên được WWF tổ chức ở Sydney, Australia, năm 2007 với chỉ 2 triệu người tham gia. Nhờ các phương tiện truyền thông, số người tham gia trên thế giới đã tăng lên 50 triệu (năm 2008), rồi hơn 1 tỷ (năm 2009).
Giờ Trái đất được tổ chức nhằm đề cao việc tiết kiệm điện năng để giảm lượng khí thải điôxít cacbon (CO2 - một khí gây ra hiệu ứng nhà kính), làm giảm ô nhiễm ánh đèn và đánh động sự chú ý của mọi người với ý thức bảo vệ môi trường.
Việt Nam tham gia Giờ Trái đất lần đầu tiên vào năm 2009, với các thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hội An, Huế và Nha Trang. Trong đó, khu phố cổ Hội An thắp đèn lồng thay vì mở đèn điện.
Năm 2011, Ngày Trái đất diễn ra vào ngày 26-3, WWF xây dựng chương trình 60+ nhằm kêu gọi các hoạt động liên quan đến sự kiện không chỉ dừng lại trong 60 phút. Tại Việt Nam, 30 tỉnh, thành khác nhau đã tham gia hưởng ứng, trong đó sự kiện chính vào ngày 26-3 đã được tổ chức tại Huế. Các hoạt động bên lề bao gồm: Cuộc thi thiết kế áo phông “Tắt đèn bật ý tưởng” dành cho học sinh - sinh viên tại 16 trường đại học; chương trình “Ngày khí hậu" (Climate day) dành cho các doanh nghiệp.
ĐNCT