.

Nỗi lo bong bóng bể

.
Trong bản báo cáo mới nhất về Triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) có đoạn: Kinh tế thế giới hồi phục nhờ những nền kinh tế mới nổi nhưng cảnh báo các nền kinh tế mới nổi tránh vết xe đổ “tăng trưởng bong bóng” như giai đoạn khủng hoảng 2007-2009.

Mô tả ảnh.
IMF dự đoán kinh tế thế giới tăng trưởng khoảng 4,4% trong năm nay.
Người phụ trách kinh tế của IMF, Olivier Blanchard khẳng định, nhờ sự tăng trưởng nhanh chóng trong vài năm qua của Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ đã giúp cho nền kinh tế toàn cầu hồi phục dù có rất nhiều yếu tố đáng lo ngại như giá dầu tăng cao, bất ổn chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi, lạm phát cao các nước châu Á, nợ công ở châu Âu và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao.

Trong hoàn cảnh Mỹ và các nước châu Âu gặp khó khăn về nợ công thì chính sự tăng trưởng mạnh mẽ của các nền kinh tế mới nổi đã giúp cho tình hình kinh tế thế giới có dấu hiệu khởi sắc. IMF dự đoán Trung Quốc tăng trưởng 9,6%/năm, Ấn Độ là 8,2%/ năm. Châu Âu gặp khó khăn tài chính ở Hi Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha nhưng IMF dự đoán là tăng khoảng 1,6% năm 2011 và 1,8 trong năm tới.

Mặc dù đang nhờ sự “chống đỡ” tích cực từ các nền kinh tế mới nổi nhưng IMF không quên cảnh bảo ba nước này hãy coi chừng, đó là nền kinh tế bong bóng. Sức tăng trưởng dựa chủ yếu vào bất động sản sẽ dễ lặp lại tình trạng khủng hoảng tài chính như giai đoạn 2007-2009. IMF “nhắc nhở” các nền kinh tế mới nổi cố gắng kiểm soát những con số ấn tượng hiện nay như một phần giúp cho tiến trình hồi phục kinh tế thế giới trở nên ổn định. IMF cảnh báo rằng họ sẽ phải đối mặt với lạm phát tăng cao vì không kiểm soát được nguồn vốn đầu tư chảy vào. Giá cả tăng, sẽ tạo áp lực lên người nghèo, giống như tình hình của Trung Đông hiện nay. “Thách thức cho các nền kinh tế mới nổi và nhiều nước đang phát triển là chắc chắn rằng những sự bùng nổ như hiện nay sẽ không bị đẩy tới mức quá nóng trong những năm tới”, IMF viết trong báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới”.

Ông Blanchard nhận định giá cả tăng cao hơn dự kiến, ngay cả khi giá dầu đạt mức 120 USD/thùng cũng không đủ sức để hạ gục sự hồi phục của nền kinh tế thế giới. Ông cũng nói rằng có những tác động lâu dài từ thảm họa động đất- sóng thần - hạt nhân của Nhật Bản sẽ góp phần làm cho tiến trình hồi phục nền kinh tế thế giới chậm thêm một chút nữa. Do đó, IMF dè dặt đưa ra nhận định về mức hồi phục tương đối chậm: 4,4% cho năm 2011 và 4,5% cho năm tiếp theo.

Anh Thư
;
.
.
.
.
.