.

Phòng tự học: Không phải chỗ chơi

.
Hình thức đào tạo đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) theo tín chỉ hiện nay đòi hỏi sinh viên (SV) phải dành nhiều thời gian hơn cho việc tự học. Vì vậy, ngoài thời gian trên lớp hay ở thư viện, nhiều SV chọn phòng tự học để ôn luyện bài vở mỗi ngày.

Mô tả ảnh.
Sinh viên ĐH Bách khoa học bài tại phòng tự học.
 
Thấy mình chăm hơn nhờ phòng tự học

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho SV trong việc học tập, ở khu KTX của nhiều trường ĐH, CĐ đều có phòng tự học. Phòng tự học đông đúc vào khoảng 19 giờ 30 đến 23 giờ mỗi tối. Vào mùa thi, phòng tự học ở các trường ĐH, CĐ thường quá tải, nhưng những ngày bình thường, số lượng đó còn tùy thuộc vào SV mỗi ngành, mỗi trường.

Võ Văn Khôn, SV Khoa Xây dựng Thủy lợi, Thủy điện (ĐH Bách khoa) cho biết: “Khu KTX của trường mình có 8 phòng tự học. Những ngày thường, Ban quản lý chỉ mở cửa đến 12 giờ đêm, còn vào mùa thi thì cho hoạt động 24/24 giờ”. Khôn cho biết thêm: “Trước đây ở trọ ngoài, giờ này mình đã đi chơi rồi, nhưng vào phòng tự học lại thấy siêng năng hơn. Thậm chí, nhiều lúc hì hục làm đồ án đến quên mất giờ về”.

Nguyễn Thị Kim Anh và Vũ Thị Phương (ĐH Kinh tế) cũng là những SV chăm chỉ tới phòng tự học. Hai bạn chia sẻ: “Ngoài giờ trên lớp hay lên thư viện, tụi mình thường xuống phòng tự học. Ở đây yên tĩnh hơn rất nhiều nơi khác”.

Không riêng SV trong KTX, những SV ở ngoại trú cũng có thể vào đây để học bài. Phạm Huy Thắng (ĐH Bách khoa) là một trong số đó. Cũng như Khôn, Huy Thắng cảm thấy đến phòng tự học, bỗng dưng tinh thần tự giác tăng lên gấp bội phần. “Ở phòng trọ có nhiều thứ khác chi phối, như điện thoại, máy nghe nhạc, các loại báo, tạp chí… Khi vào học tại đây, thấy ai cũng chăm chú vào bài vở nên mình không thể làm việc riêng, gây ảnh hưởng tới mọi người”.

Đến phòng tự học, các SV còn có cơ hội gặp gỡ nhiều người bạn để cùng chia sẻ kiến thức. “Trao đổi bài giúp tụi mình học tốt hơn, hiểu bài sâu hơn, thậm chí rèn luyện kỹ năng làm việc theo nhóm”, Phan Ngọc Hưng (ĐH Bách khoa) nói. Theo Huy Thắng: “Phòng tự học như một thư viện nhỏ với “kho tài liệu sống”, đó là những người bạn đến từ nhiều ngành học khác nhau.    
 
Muốn vui chơi, mời đến chỗ khác

Không cần khẳng định, ai cũng biết phòng tự học là nơi để học. Tuy nhiên, vẫn còn một số SV đến đây chỉ vì mục đích tìm người... “tám chuyện” hoặc mua vui bằng cách làm phiền người khác. Bỗng dưng cả phòng mất tập trung vì tiếng chuông điện thoại hay tiếng cười hô hố của một nhóm bạn nào đó không phải là điều hiếm gặp. Thi thoảng, hộc bàn còn bị “mắc kẹt” bởi cơ man nào là vỏ trái cây, bánh kẹo.

Trần Hồng Hải (CĐ Kinh tế kế hoạch) không hài lòng khi nhận thấy nhiều SV đến vô tư buôn chuyện, bàn luận các vấn đề không hề liên quan tới chuyện học hành. Có bạn còn mang đồ ăn đồ uống vào phòng rồi cứ thế ngấu nghiến trước mặt bao người. Theo Hải: “Phòng tự học không thể là nơi để các bạn giải trí được”.

Trong khi đó, Hồng Anh (ĐH Sư phạm) nhớ lại: “Lần đầu tới phòng tự học, mình cứ  nghĩ ai cũng có quyền tự do làm việc riêng nên cứ thoải mái nói chuyện. Bị mọi người nhắc nhở, mình cảm thấy mắc cỡ vô cùng”. Hồng Anh còn gửi gắm đôi điều: “Có  một chỗ yên tĩnh để ngồi học là một yếu tố quan trọng giúp sinh viên đạt được kết quả tốt trong học tập. Vì thế mỗi SV cần có ý thức để phòng tự học trở thành nơi học tập và trao đổi kinh nghiệm hữu ích”.

Thanh Huyền - Hưng Thơ
;
.
.
.
.
.