Đã nhiều mùa xuân trôi qua, chật vật lắm gia đình ông Nguyễn Hữu Chiến mới thu xếp được một lần về thăm quê. Quê ông ở tận làng Tây Lạc, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, nên không phải lúc nào nhớ quê, ông cũng có điều kiện về thăm. Hơn 15 năm sinh sống ở Đà Nẵng, để có được ngôi nhà khang trang trên đường Lê Đình Lý, phường Bình Thuận, quận Hải Châu như hiện nay, từng thành viên trong gia đình ông Chiến đã trải qua không ít khó khăn, vất vả.
Ổn định - chuyện không dễ
Với hoàn cảnh khó khăn, gia đình bà Nguyễn Thị Đài (đứng) nhận được sự giúp đỡ của những người đồng hương để xây nhà mới. |
Ông Chiến bảo, ngày rời quê, ông chỉ đi một mình vì sợ làm khổ vợ, khổ con. Những ngày đầu trên đất khách, sống trong căn phòng trọ tồi tàn, ẩm thấp, nỗi nhớ quê hương, gia đình cùng với sự lo lắng về một tương lai chưa định hình khiến nhiều đêm ông không ngủ được. Rồi theo thời gian, cùng với sự giúp đỡ của những người cùng quê, ông Chiến quyết định làm bánh phở - một công việc quen thuộc ở quê ông - bỏ mối cho các tiệm phở Nam Định tại Đà Nẵng. Thời gian ấy, mỗi ngày ông dành vài tiếng đồng hồ đạp xe đi khắp các ngõ phố Đà Nẵng để chào hàng.
Nhờ bánh phở chất lượng, từ vài ba mối hàng ban đầu, ông phát triển lên vài chục mối trong thời gian ngắn. Bây giờ, sau nhiều năm xa quê, gia đình ông vẫn cần mẫn với nghề làm bánh phở, mỗi ngày bỏ mối khoảng trên 200 tiệm phở, từ Đà Nẵng đến Lăng Cô, Hội An, Tam Kỳ, Vĩnh Điện… Ông nói, đó là nghề đã nuôi sống vợ chồng, con cái ông nơi đất khách. Nhờ nó, gia đình ông từ chỗ thuê trọ nhiều năm liền, nay đã mua được nhà và ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, đó là chuyện của mươi năm trước. Thời mà, giá đất chưa cao chót vót so với tầm tay của người thu nhập thấp.
Còn hiện nay, để lập nghiệp tại đây, không ít cặp vợ chồng trẻ phải hằng ngày vật lộn với chuyện cơm áo, gạo tiền. Đồng lương không đủ để họ có một cuộc sống tạm đủ trong cơn bão giá thì nói gì đến chuyện tiết kiệm tiền để mua đất, mua nhà. Đơn cử như vợ chồng chị Nguyễn Thị Minh (quê Hà Tĩnh), tạm trú tại quận Ngũ Hành Sơn. Quen nhau khi còn là sinh viên, anh chị ra trường rồi quyết định ở lại Đà Nẵng lập nghiệp. Sau gần 10 năm, hai vợ chồng cùng đứa con gái đầu lòng vẫn phải ở trong căn phòng trọ khoảng 12m2. “Chúng tôi vẫn quyết định bám trụ lại thành phố. Nhưng với mức thu nhập hiện tại, chuyện mua đất, mua nhà trở thành ước mơ vượt khỏi tầm tay”, chị Minh bộc bạch.
Quần cư để giúp nhau
Đặt chân đến bất kỳ một khu chợ nào ở Đà Nẵng, chen lẫn giữa những câu mua, bán là âm giọng của nhiều miền quê khác nhau. Cũng có một vài khu dân cư, người xa quê sống thành từng cụm. Ví dụ, ở phường Tam Thuận, quận Thanh Khê có 39 tổ dân phố thì người Quảng Bình xa quê sống tập trung từ tổ 1 đến tổ 12 với hàng trăm người, tạo nên nét văn hóa riêng tại khu phố này. Ông Huỳnh Văn Bốn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tam Thuận cho biết, hiện nay, cộng đồng người Quảng Bình ở phường Tam Thuận có cuộc sống tương đối ổn định, nhiều hộ dân nhập cư tại đây còn gặp khó khăn đã được phường hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, sửa chữa, cơi nới nhà ở…
Sống nơi xứ người, tình làng nghĩa xóm của những người cùng quê cũng đậm đà hơn. Như gia đình bà Nguyễn Thị Đài ở tổ 8 có hoàn cảnh khó khăn, sinh sống trong một ngôi nhà chật chội, dột nát. Tháng 10 năm 2010, những người đồng hương tại đây đã thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê, đóng góp, hỗ trợ bà 20 triệu đồng để xây nhà mới. Được biết trước đó, vào cuối năm 2008, phường Tam Thuận cũng đã từng vận động nguồn tài trợ từ Bộ đội Biên phòng thành phố, hỗ trợ gia đình ông Nguyễn Sơn (con bà Đài) 20 triệu đồng cùng 1 ti-vi để xây mới ngôi nhà đang ở, ổn định cuộc sống.
Đến các khu chợ trong thành phố, hỏi mua vài miếng đậu phụ, mới biết hầu hết người bán hàng đều nói giọng Bắc. Gần 10 năm nay, hàng trăm hộ dân ở thôn Ích Phú, xã Song Giang, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đã rời quê hương, vào Đà Nẵng lập nghiệp. Như xóm đậu phụ ở tổ 14, phường Thanh Khê Tây có bảy gia đình. Ông Vũ Văn Chưởng, chủ một gia đình làm đậu có 7 nhân khẩu kể, ở quê ông có nghề làm đậu phụ, khi thấy ở đâu làm ăn được là mọi người rủ nhau kéo đến mở lò. Chúng tôi chọn Đà Nẵng vì ở đây có nhiều trường ĐH, cao đẳng, nhiều khu công nghiệp, vì thế đậu phụ trở thành món ăn không thể thiếu trên mâm cơm của những người có đồng lương eo hẹp. Người đi trước, kẻ đi sau, hành lý mang theo vào Đà Nẵng còn có cả cối đá, bàn xoay…
Một trường hợp khác là gia đình ông Vũ Văn Trung ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ. Ngày mới vào đây, ông thuê phòng trọ ở Hòa Cầm để làm đậu, nay đã mua được đất, làm được nhà với quyết tâm định cư tại Đà Nẵng. Sau nhiều năm gắn bó với thành phố này, ông chia sẻ: “Tuy xa quê, nhưng đi đâu cũng gặp đồng hương cùng làng, cùng nghề nên cảm thấy nơi đây thật gần gũi, thân thương. Ngày đi, Đà Nẵng là đất khách. Nay mỗi lần có dịp về quê, lại mong thu xếp xong công việc để vào lại Đà Nẵng sớm. Thế mới hay, đất khách ngày nào giờ đã trở thành quê hương thứ 2 của gia đình tôi”.
TIỂU YẾN