.
Truyện ngắn

Chim trời

Họ quen nhau trong lễ hội Cosplay Active Expo năm 2009. Yến hóa trang thành nàng công chúa tuyết cô đơn trong trang phục cosplay lolita đẹp như một thiên thần. Anh đến với lễ hội không phải để hóa trang vào nhân vật, anh chạy lăng xăng chụp ảnh, quan sát hỏi han mỗi người một lúc. Anh là nhà thiết kế trẻ, lanh lợi nhưng hiền, nói chuyện vài ba câu, công chúa cô đơn của đêm lễ hội đã thấy mến anh như quen biết từ lâu. Nhất là khi biết anh là cấp dưới của bố, Yến càng muốn gần gũi anh để hiểu hơn về cha mình, người mà đối với cô luôn là một thế giới đầy bí mật.

Bố Yến ngày trước đi bộ đội về, lấy vợ rồi đưa cả gia đình xuống thành phố làm ăn. Sau nhiều thăng trầm, cuối cùng bố mở công ty may mặc tư nhân. Với nhiều mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, bây giờ công ty của bố đã trở thành một thương hiệu có tiếng, lại vốn là người tham công tiếc việc nên bố bận bịu suốt ngày. Bố rất ít nói, hễ ra ngoài thì thôi chứ về nhà thì lặng lẽ như một chiếc bóng. Bố mẹ ít khi ngồi nói chuyện cùng nhau, đã mấy lần Yến thắc mắc thì chỉ nhận được câu trả lời “mỗi người mỗi nghề, không hợp tính nhau thì không nên nói nhiều cho yên cửa yên nhà”. Bố nói để yên ấm cửa nhà nhưng Yến thì luôn cảm nhận thấy có một cơn giông ngầm đang thổi vào gia đình cô, từng giây phút một. Nó làm tâm hồn mỗi người đóng băng đơn điệu, để rồi cứ vô hình dần xa nhau. Nó như những bức tường trong ngôi nhà cùng tồn tại nhưng luôn luôn độc thoại. Nhà chỉ có ba người.

Mẹ làm hiệu phó một trường cấp 3 trong thành phố. Công việc cuốn mẹ đi như một chiếc máy, hầu như chẳng mấy khi thấy mẹ ở nhà. Có đôi lúc mẹ trở về nhà với mùi rượu bia nồng nặc và chút nước mắt còn đọng lại trên đôi mắt sắc sảo. Mẹ lảo đảo bước vào phòng, vẫn không quên nhắc Yến:

- Con chịu khó mà học hành. Sắp bảo vệ tốt nghiệp rồi đấy, đừng ham vui mấy trò vớ vẩn.

Yến đắp chăn cho mẹ, ngồi im lặng khá lâu bên tiếng thở khò khè như lạc đi vì rượu của mẹ. Miệng đắng ngắt, cô bước về phòng, thả người xuống giường và chìm đi trong hàng vạn hoài nghi. Yến không biết rằng, đối diện với phòng cô, đèn vẫn đang bật sáng. Người đàn ông tóc hoa râm đang day mạnh thái dương nghĩ ngợi rất căng thẳng. Công việc ở công ty mỗi lúc mỗi nhiều, thời buổi đồng tiền mất giá làm ăn cái gì cũng khó nên để thương hiệu của mình đứng vững được quả thật là rất đau đầu. Những mâu thuẫn trong công việc, đồng nghiệp vốn đã ngầm ẩn chứa giờ đến lúc bùng nổ, trong gia đình thì không thể cất lòng chia sẻ với ai. Khiến cho sức nặng đè lên vai ông Hùng ngày càng lớn, nhiều lúc đầu óc như muốn nổ tung, như chỉ thèm trầm mình xuống dòng sông tuổi thơ sâu mát.


Trước khi theo đoàn quân bảo vệ biên giới Tây Nam, ông cũng là một anh học trò trường làng với bao nhiêu mơ mộng. Tình đầu đến với ông bằng những kỷ niệm đầy tươi đẹp với một người con gái dịu dàng, sâu sắc và đẹp đến mê hồn. Chiến tranh đã làm hai người xa nhau, đã cướp đi tình yêu đầu của ông bằng sự tàn ác, trớ trêu của nó. Sau một thời gian dài đi bộ đội, những dòng thư thưa vắng dần mà không rõ nguyên do. Thi thoảng mẹ ông lại biên thư lên, nói bóng gió về một người con gái mà bà đã ngắm làm dâu. Chiến tranh đi qua, ông trở về làng quê chưa kịp mừng niềm vui đoàn tụ thì đã đắng lòng nỗi niềm phải chia xa. Hôm trở về, cả làng kéo ra đình đón ông hồ hởi và hạnh phúc, chỉ riêng bạn gái ông là chỉ đứng ở xa, nhìn ông mắt buồn vời vợi. Lúc ông tách được khỏi đám đông dân làng thì người bạn gái cũng chỉ còn là chiếc bóng mỏng manh chạy trên bờ đê làng, hun hút gió.

Trong buổi tối đầu tiên họp mặt gia đình, mẹ đã tính đến chuyện đi hỏi vợ cho ông với một người con gái làng bên tên Hân. Ông phản đối để bảo vệ tình yêu của mình với Hương, mối tình đầu đầy sâu nặng. Bố ông đập tay xuống bàn, rồi chỉ lên bàn thờ tổ bảo:

- Bố là trưởng họ, con là thằng con trai duy nhất trong nhà, sau này phải lo hương khói, gánh vác chuyện dòng họ, tổ tiên. Vì thế con không thể lấy một người con gái không còn trinh trắng, tai tiếng khắp làng trên xóm dưới về làm dâu trưởng được.

Ông như chết đứng trước những lời buộc tội tàn nhẫn của cha. Để rồi ông giật mình trước ánh mắt buồn vời vợi của Hương ngày gặp mặt. Phải chăng đã có chuyện gì đó rất khủng khiếp xảy đến với người con gái ấy của ông? Cái suy nghĩ ấy cùng với việc Hương bỏ đi biệt tích khiến ông gần như điên dại. Nhất là khi ông nghe dân làng đồn rằng Hương ở nhà đi làm đồng về tối bị hãm hiếp giữa cánh đồng hoang vắng. Vì quá tủi nhục Hương trầm mình xuống sông Hồng nhưng may được người đi đò cứu vớt. Nhưng hỡi ôi miệng lưỡi thế gian đã cứa vào tim người con gái ông yêu những nhát dao cay đắng. Để rồi Hương phải ra đi...

Mẹ ông bảo:

- Cái Hương đẹp người thì đẹp thật nhưng bây giờ tai tiếng thế rồi, mà chả biết nó đang ở tận đẩu đâu, con chờ mong nó làm gì. Cô giáo Hân nó cũng vừa đẹp người vừa đẹp nết, lại có công với gia đình mình nhiều. Con đi bộ đội, bố mẹ ở nhà ốm đau không có nó đỡ đần thì chết lâu rồi. Mẹ ướm lời, cũng thấy nó để ý con từ lâu. Thôi thì con thay bố mẹ mà trả ơn người ta. Con gái có thì, nó đợi con mấy năm rồi đấy.

Với sức ép của gia đình ông đã phải lấy Hân, người mà suốt mấy chục năm sống bên nhau, ông vẫn không thể nào có nổi tình yêu. Ngần ấy năm vợ chồng xuống thành phố lập nghiệp với bao nhiêu vui buồn, khó khăn, nhưng ông chỉ có thể sống hết trách nhiệm của một người chồng, người cha trong gia đình mà không hề có tình yêu. Hằng ngày, đằng sau những bổn phận và trách nhiệm ông sống trong sự day dứt vì ngày xưa đã bỏ rơi người con gái mình yêu trong bao cay đắng giữa búa rìu dư luận. Ông tự trách mình là một thằng đàn ông hèn hạ, đã không dám đấu tranh cho tình yêu, đã để Hương ra đi mà không một lần tìm kiếm. Còn vợ ông sau bao năm sống trong sự lạnh nhạt của đời sống vợ chồng cũng dần héo hắt, nhốt mình trong sự im lặng đến tàn nhẫn.


Anh bảo:

- Bố em là một người quyết đoán và đôi khi rất bảo thủ.

Yến cười, cô thì nghĩ bố có thể là người quyết đoán nhưng bảo thủ thì tuyệt nhiên không. Bố là người suy nghĩ rất kỹ trước khi đưa ra một quyết định và cũng bởi vì đã được suy nghĩ rất kỹ nên hầu như không khi nào cô thấy bố thay đổi quyết định.

Đã có lúc Yến tự hỏi, cái thế giới bí mật của bố gồm những gì và để làm sao mở khóa được cánh cửa của thế giới ấy luôn là câu hỏi ám ảnh cô. Bởi Yến nghĩ một khi Yến biết bố đang cần những gì, thiếu điều gì thì cuộc sống gia đình sẽ dễ thở hơn. Khi đủ tin cậy nhau để Yến nói những suy nghĩ ấy với anh, cũng là lúc cô nhận ra anh chính là một phần trong cuộc sống của cô. Chỉ khi ở bên anh, cô mới thấy mình thật sự được yêu thương bằng những vỗ về đầy ân tình và thấu hiểu. Những buổi chiều lang thang bên nhau, nước hồ Gươm xanh, trời Hà Nội như cao hơn, sâu hơn và không còn chật chội những con phố nhỏ. Anh nói về hoài bão được trở thành một nhà thiết kế giỏi, anh nói về bố anh một tù nhân mang tội danh giết người và nói về mẹ anh, người đàn bà luôn bao dung, hy sinh và cam chịu.

Bao giờ để kết thúc cho câu chuyện của mình anh cũng bảo “từ bé anh dường như bị cô độc giữa cuộc sống này. Không có ai chịu lắng nghe anh nói. Vì anh là con của một tù nhân”. Những lúc ấy, Yến chỉ biết ngồi im lặng bên anh, nhìn hoàng hôn buông xuống trong từng đôi mắt dòng người qua lại. Anh và cô, có lẽ là những nỗi cô đơn đã gặp nhau để tựa vào nhau mà sống. Nên dù chưa nói một lời yêu thương, thề thốt nào nhưng cả Yến và anh đều hiểu mình đã tìm được điểm tựa vững chắc trong đời.

Mẹ lại về nhà với mùi rượu, lẫn trong mùi phấn son, nước hoa đến ngột ngạt. Và mẹ khóc. Yến ngồi im lặng bên mẹ rất lâu, cho đến khi mẹ nói với cô rằng mẹ rất cần tình yêu thương, thứ ấy khác với lòng thương hại và trách nhiệm. Mẹ nói về sự im lặng của bố, mẹ kể về mấy chục năm mẹ cứ trông chờ tình yêu thương từ bố như một con ngốc, trong khi bố cứ mải mê đắm trong dòng ký ức của mình. Lần đầu tiên Yến nhận ra hố sâu tồn tại trong gia đình cô càng ngày càng không có hy vọng lấp đầy. Cô thương mẹ bao nhiêu thì cũng thương bố bấy nhiêu, hóa ra trong suốt từng ấy năm trong ngôi nhà này chẳng có ai hạnh phúc.

Khi Yến hỏi bố về anh. Bố giật mình nhìn cô đầy hoài nghi và hoang mang. Sau một phút trấn tĩnh, bố chậm rãi hỏi:

- Con và thằng Hùng là thế nào với nhau?

Yến bật cười:

- Bố rõ thật là... Sao bố không hỏi chúng con quen nhau từ khi nào và bằng cách nào? Thế thì con sẽ có nhiều chuyện để kể cho bố nghe.

Bố đập mạnh tay xuống bàn, giận dữ:

- Con và Hùng là thế nào với nhau? Có nghe thấy bố hỏi không?

Yến thật sự bị bất ngờ trước thái độ của bố. Linh cảm mách bảo với cô rằng mình đã bắt đầu gặp rắc rối. Nhưng rắc rối như thế nào thì lúc ấy làm sao cô biết được. Bố không bao giờ như thế này, Yến không hiểu nổi bố đang tức giận vì điều gì. Lẽ nào... Lẽ nào bố sợ cô đã yêu Hùng... Nhưng tại sao?


Từ tấm bé Yến được bao bọc trong sự sắp đặt của bố mẹ. Bố bắt Yến học trường gì cô sẽ học trường đó. Bố nói Yến học thêm môn gì, cần những chứng chỉ gì cô cũng làm theo. Bởi cô rất sợ làm bố buồn, càng sợ khi bố không còn quan tâm đến mình nữa. Chính sự câm lặng của bố mẹ khiến bao năm Yến cố làm cái cầu nối để dung hòa không khí trong gia đình. Yến nhún nhường mọi chuyện với suy nghĩ miễn là bố mẹ vui, cho đến bây giờ cô biết là mình đã yếu mềm, nhu nhược đến mức đánh mất chính bản thân mình.

Hôm nay họp gia đình. Hai mấy năm kể từ khi Yến sinh ra đến bây giờ bố mới nói đến chuyện họp gia đình, dù nhà chỉ có ba người. Suốt cả cuộc họp, bố chỉ nói ngắn ngọn một câu:

- Bố cấm con yêu thằng Hùng. Thân nhân không tốt đẹp gì cả. Bố không muốn gả đứa con gái duy nhất cho gia đình một tù nhân lĩnh án chung thân về tội giết người. Mà bố nhìn mặt nó đã thấy không sáng sủa gì.
Khi Yến định cất lời, bố đập mạnh tay xuống bàn quát:

- Miễn bàn. Nếu không nghe lời bố thì con đừng có trách.

Yến rất muốn nói với bố rằng cô không phải là con búp bê để mọi người ôm ấp, vỗ về rồi thích đặt ở chỗ nào thì đặt. Cô cần phải tập đi để đến được nơi mà mình muốn. Ngay khi bố nói những lời khiến trái tim Yến tổn thương, cô đã nghĩ đến việc phải cố gắng chứng minh mình đang tồn tại để người khác không thể tước đoạt những gì vốn dĩ là của cô.

Kết quả của sự chống đối là quyết định sa thải anh khỏi công ty may. Chiều đó khi trở về nhà, bố nhìn Yến bảo:

- Con đừng nghĩ đến việc đối đầu với bố. Một là con nghe lời bố và có tất cả. Hai là con làm những gì con muốn nhưng đổi lại con sẽ chẳng có gì cả.

Yến cười cay đắng.

Anh nhắn “Đừng lo cho anh. Anh là chim trời, chỗ nào đất lành thì chim đậu. Bầu trời thì bao la, em lo gì chuyện anh không tồn tại được”. Yến cũng muốn được như anh, được bay ra bầu trời rộng lớn dám sống và dám chịu trách nhiệm về bản thân mình. Con búp bê muốn đập vỡ chiếc tủ kính để tự giải thoát mình, mặc cho những mảnh vỡ có thể cào xé trái tim bé bỏng. Thế nên buổi sáng nay, Yến dậy sớm, trước khi đi học cô có để mảnh giấy trên bàn ăn. Nơi mà sáng nào bố cũng ngồi thưởng thức bữa sáng bằng sự im lặng của mình. Trên mảnh giấy ghi mấy dòng “Bố ạ. Tình yêu vốn là duyên phận và là điều không nỡ ép uổng hay sắp đặt được đúng không ạ? Con cứ nghĩ điều này bố phải là người thấu hiểu và ủng hộ con. Tha lỗi cho con, nếu một lần con không nghe lời bố, bởi đơn giản con muốn sống trọn vẹn cho con và cả phần tiếc nuối của bố thời trai trẻ”.

Yến bước ra đường. Thênh thang những con phố nhiều màu sắc.

Tạ Đức An
;
.
.
.
.
.