Liên hoan phim (LHP) Cannes lần thứ 64 sẽ diễn ra tại Pháp vào trung tuần tháng 5-2011. Khác với mọi năm, bắt đầu từ năm nay, một giải Cành cọ vàng danh dự - Palme d’Or - sẽ được trao tặng tại lễ khai mạc LHP Cannes. Giải thưởng danh dự đầu tiên này sẽ được trao cho Đạo diễn Bernardo Bertolucci, người đã từng đạo diễn phim Điệu Tango cuối cùng ở Paris (Last Tango in Paris) và Hoàng đế cuối cùng (The Last Emperor).
Đạo diễn Bernardo Bertolucci. |
Các bộ phim của đạo diễn 71 tuổi này - trong đó bao gồm The Conformist (Người tuân thủ), The Sheltering Sky (Bầu trời che chở) và Before the Revolution (Trước Cách mạng) - hiện đang được chiếu tại BFI ở Southbank, London. Chủ tịch Ban Tổ chức giải Jacob ca ngợi tính “độc đáo” của các bộ phim của Bertolucci và “sức mạnh của sự tận tâm cho điện ảnh của ông”.
Bernardo Bertolucci sinh ngày 16-3-1941 trong một gia đình có truyền thống hoạt động điện ảnh. Thân phụ ông, Attilio Bertolucci, là một nhà phê bình điện ảnh và cũng là một thi sĩ. Thời gian ông lớn lên cũng chính là lúc nền điện ảnh cũng như đất nước Ý hồi phục sau những chấn động, mất mát của Chiến tranh Thế giới thứ II. Ông đã từng là một nhà báo trước khi tham gia lĩnh vực điện ảnh vào năm 1961, khi mới 20 tuổi, với công tác trợ lý đạo diễn phim Accatone. Năm 1962, Bernardo Bertolucci đạo diễn phim truyện đầu tiên là Người mẹ đỡ đầu gầy guộc, dựa theo tác phẩm của Pier Paolo Pasolini, người mà ông giúp việc trong nhiệm vụ trợ lý đạo diễn trong những năm trước đó.
Có nhà phê bình đã coi Bertolucci là đạo diễn cánh tả, nghiên cứu chủ nghĩa Mác và làm phim theo đề tài cách mạng, tiêu biểu là phim Trước Cách mạng (1965). Đây là một bộ phim bắt đầu nặng về tính suy tưởng và miêu tả những nét tiêu biểu nhất trong tiểu sử của ông, một chàng trai 24 tuổi muốn thoát khỏi nguồn gốc tư sản. Năm 1970, ông thực hiện hai phim phê phán chủ nghĩa phát-xít là Sự ngộ nhận lớn lao (theo tiểu thuyết của Monravia) và Chiến lược con nhện.
Tuy nhiên, tên tuổi của ông được ghi nhận sau thành công của bộ phim Bản Tango cuối cùng ở Paris, thực hiện năm 1972. Tiếp đó, bộ phim Hoàng đế cuối cùng cũng đã đánh dấu thêm một giai đoạn sáng tác mới của ông với chuyến đi sang Trung Quốc để tìm hiểu về vua Phổ Nghi, vị Hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc. Với sự chuẩn bị công phu trong ba năm ròng, quay trong bảy tháng và nguồn kinh phí 25 triệu USD, bộ phim đã có những cảnh quay hoành tráng như các trường đoạn về lễ đăng quang của Phổ Nghi tại điện Thái Hòa, Bắc Kinh.
Nếu như tư tưởng chủ đạo trong các bộ phim truyền hình Hoàng đế cuối cùng do các đạo diễn Trung Quốc thể hiện là sự khao khát tự do của ông vua bị cầm tù, thì Hoàng đế cuối cùng của Bertolucci là cái nhìn vô thường của cuộc đời, mà đặc biệt ở đây, sự vô thường của số phận một con người ở trên mọi người. Bộ phim cũng đã đem lại cho ông 4 giải Quả cầu vàng và 9 giải Oscar năm 1988 của Viện Hàn lâm Điện ảnh Hoa Kỳ, và là bộ phim đứng thứ 3 của thế giới về giải thưởng quốc tế sau Ben-hur (1959) của William Wiler và Cuốn theo chiều gió (1939) của Victor Fleming.
Gia Huy