.

Chị Ba Đề

Lại một ngày chiến đấu vô cùng ác liệt. Sau hơn nửa tháng bao vây quân Pháp trong thành phố Đà Nẵng, chúng tôi phải đánh trả cuộc phản công của chúng, khi chúng nhận được quân tiếp viện từ Pháp sang. Vào đêm, dưới ánh trăng sáng vằng vặc, chúng tôi rút lui về tuyến chiến đấu thứ hai sau núi Phước Tường. Tiếng nói cười vẫn râm ran, nhưng bụng thì đói lắm, cả ngày qua đêm không có hột cơm nào trong bụng.

Qua khỏi đèo Đồng Môn, đến Ninh An, một làng nhỏ ven sông Cẩm Lệ,  gặp lúc trời vừa sáng. May mắn quá bên đường lại có một quán mì Quảng. Nhưng lại món mì cá tràu (cá lóc, cá quả) - món ăn đặc biệt của địa phương mà chúng tôi chưa được ăn bao giờ, chỉ quen với mì thịt heo chế biến đa dạng của thị thành. Nhưng bữa ăn dân dã này là một trong những kỷ niệm không bao giờ quên, nhất là khi chúng tôi lùi xa thành phố cảng thân yêu, lòng ai cũng xốn xang biết ngày nào trở lại.

Đồng chí Nguyễn Bá Phát, Trung đoàn trưởng rất ung dung và chủ động trong cương vị chỉ huy của mình, luôn cười vui động viên anh em:

- Bụng ai to, tranh thủ ăn mấy cũng được, nhưng phải nhanh chóng bám cho được các đơn vị đang triển khai bố trí trận địa mới.

Tôi và anh em đều vội vã vì sợ nhất là không bám kịp đồng chí Trung đoàn trưởng lúc nào cũng nhanh như sóc. Vừa ăn, tôi không thể không để ý một chị phụ nữ ăn bận không quê mùa lắm, khoảng 25 – 30 tuổi, nhưng có nhan sắc. Chị nhìn tôi đăm đăm, chừng muốn lên tiếng hỏi gì. Nhưng đến khi chúng tôi chuẩn bị lên đường thì chị đến trước mặt tôi và hỏi liên tiếp, hối hả:

- Chú bộ đội có phải người Quảng Ngãi không?... Có phải chú ở xóm Gò Lăng, làng Chánh Lộ không? Tôi chưa kịp trả lời thì chị nhanh nhảu nói tiếp ngay: - Có phải em là thằng Bê… Tôi nhìn thẳng vào mặt chị và thốt lên:

- Trời! Chị Ba…chị Ba Đề!

Chị cầm lấy tay tôi và nước mắt đầm đìa. Tôi cũng khóc theo chị. Đã lâu lắm rồi từ ngày lớn lên, đi học, xa nhà rồi đi bộ đội, tôi không được gọi bằng tên cúng cơm đó nữa. Chị gọi tên tao nôi của tôi đã gợi lên trong tôi cả thời thơ ấu.

Ngoài đường đã có tiếng gọi tôi hối hả. Không còn cách nào khác, tôi chào chia tay chị:
- Em phải đi chị Ba nè. Và tôi cũng hỏi ngay lại chị:

- Sao chị không tản cư, giặc đã ở bên tê núi? Chị vừa lau nước mắt nói với theo tôi, đã chạy ra ngoài đường cái:

- Chị phải ở lại. Tôi chỉ nghe mấy lời ngắn ngủi của chị trong cuộc gặp gỡ và chia tay quá đột ngột này. Sau gần chục năm trời có bao nhiêu biến thiên trong cuộc đời. Đầu óc tôi đang bận rộn trong nhiệm vụ thư ký tác chiến của Trung đoàn trưởng, khi mặt trận đang hết sức khẩn trương. Nhưng tôi không thể không nghĩ đến câu trả lời của chị: “Chị phải ở lại”. Chị phải ở lại sao? Chẳng lẽ chị ở lại để lại làm cái nghề mà mọi người đã nói một cách khinh bỉ: “Bán trôn nuôi miệng”. Ngày xưa thì còn khả dĩ, nhưng bây giờ cả nước đã đứng lên kháng chiến. Không thể nào tôi còn tin được những cái gì tôi đã thấy  về chị qua những ngày chị ở quê tôi.

Lúc đó tại sao chị lại tranh thủ được cảm tình hầu hết bà con ở quê tôi, khi từ nông thôn ra thành thị? Chị ra ở trọ nhà một người bà con xa với chị. Chị sống giản dị làm sao: Trước sau vẫn một cái giỏ đựng tư trang đan bằng tre. Một cái giường tre cho hai người nằm, không mùng, không màn, như bao nhiêu gia đình quê tôi thuở ấy. Chồng chị là một anh lính Tây, lính sơn đá hạng chót, ngày thường ăn cơm ở đồn, tối về nhà. Ngày chủ nhật anh ở nhà ăn cơm cùng vợ. Cùng vợ gánh nước dùng chung cho cả nhà chủ, giặt áo quần cho cả anh và cho vợ. Cho đến bây giờ tôi không nhớ được tên anh. Bà con trong xóm thường gọi anh là anh Ba Đề. Có người gọi anh là “Tây Bình dân”, vào thời kỳ mà tỉnh tôi xao động trong phong trào Bình dân do Đảng Cộng sản công khai lãnh đạo. Nhiều người nói đùa, chị Ba Đề khéo dạy bảo chồng. Còn với bản thân chị, thì có quá nhiều lời khen. Khen nhất là tài xắt chuối nấu cám heo giúp chủ nhà. Dao xắt chuối chị tự mài lấy sắc ngọt, lát chuối xắt ra mỏng và đều như khuôn. Chị cho heo ăn gọn gàng và sạch sẽ.
Nhưng nếu chỉ có thế thì làm sao tôi giữ được ấn tượng đối với chị?

Không biết từ bao giờ chị Ba Đề say mê hát bội (tuồng), hát cải lương, xem ở rạp Trương Quang Luyến, rạp duy nhất ở thị xã nhỏ tỉnh tôi. Không thiếu mặt chị ở những đêm hát bội năm thì mười họa mới có ở làng tôi. Chị khéo nói để anh chồng Tây đồng ý cho chị đi xem. Ban đầu chị đi một mình, về vào lúc anh chồng chị cũng vừa về sau lúc kèn điểm danh đồn khố đỏ. Sau thì chị xin cha mẹ tôi cho chị dắt tôi đi theo, vì cũng giữ ý tứ với bà con xung quanh và cả đối với chồng chị. Lúc ấy tôi vừa mười tuổi đầu, cũng rất thích đi xem hát.

Tôi không thể nào nhớ hết những vở tuồng và cải lương chị dắt tôi đi xem. “Tam khí Châu Do”, “Quan Công phò nhị tẩu”, “Đương Dương Trường Bản”… là tuồng Tàu. “Lưu Bình - Dương Lễ”, “Lục Vân Tiên”, “Thoại Khanh Châu Tuấn”… là vở hát ta. Trên đường về, thường là để cho tôi không buồn ngủ nữa, chị nhắc lại cho những tích tuồng hay, những vai trượng phu cũng như người dân dã. Chị đã nhen nhóm trong tôi năng khiếu thẩm mỹ, làm cho tôi dần dần biết cái hay, cái đẹp. Thỉnh thoảng chị hát lại cho tôi nghe những câu hát lý, hát hò. Hay chị chỉ cho tôi thấy cái đẹp trong một điệu múa…Có lẽ, nhờ vậy mà tôi chưa học xong tiểu học đã bắt đầu cảm nhận số bài thơ hay trong Thi nhân Việt Nam, nhất là những bài thơ của Nguyễn Bính. Khi tôi đã làm chính trị viên trong quân đội, nhất là khi làm Chủ nhiệm câu lạc bộ hay trợ lý văn nghệ Sư đoàn 305, tôi nhớ nhiều đến chị, đến những đêm đi xem hát với chị.  Qua người nông dân là chị, tôi bắt đầu có những rung động nghệ thuật bắt nguồn từ nhân dân.

Nhưng dù sao không thể nào xóa đi trong tâm trí của tôi hình ảnh người con gái ở miền quê ra thành thị đi vào con đường sa ngã.

Tình cờ gặp lại nhau giữa những ngày cháy bỏng của cuộc kháng chiến, chị không tản cư và nói không úp mở là “chị phải ở lại”. Sao thế chị! Hay ngựa vẫn quen đường cũ?

Nhưng rồi cuộc chiến đấu của nhân dân ta ngày càng đi vào các giai đoạn cực kỳ khó khăn và gian khổ, tôi đã đi qua nhiều đơn vị chủ lực chiến đấu trên nhiều chiến trường. Cả khi tôi chuyển ngành làm phóng viên trên nhiều nẻo đường đất nước, kể cả Quảng Nam-Đà Nẵng, thật sự tôi đã quên đi hình ảnh của chị.

Nhưng rồi một ngày sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, về công tác tại Đà Nẵng, có dịp tôi kết hợp công tác đi tìm lại mồ mả của anh em đồng đội đã hy sinh qua nhiều thời kỳ, qua các chiến dịch từ ngày toàn quốc kháng chiến từ năm 1946. Tình cờ tôi lại đi trên con đường chạy từ Tùng Sơn-An Ngãi qua Phú Hòa vào tận Túy Loan. Con sông Cẩm Lệ, bến đò Ninh An quá đỗi hiền hòa với nhiều con đò xuôi ngược ở phía tây Đà Nẵng. Bỗng dưng hình ảnh chị Ba Đề lại hiện ra trong tâm trí tôi.

Bây giờ ở cái bến đò ẩn hiện bao nhiêu kỷ niệm trong tôi, với quán xá đông đúc, không còn ai biết đến chị. Tôi đi sâu vào một vài thôn xóm ven sông tìm những cụ già lớn tuổi, những vị cán bộ thôn xã lâu năm, tôi không ngờ vẫn có người còn biết chị. Họ nói lên trong sự đồng cảm sâu xa: Chị Ba Đề đã bị bọn chỉ huy ở đồn Phú Hòa bắn chết và vứt xác ra đường, vì chị làm địch vận, kêu gọi lính Tây, lính ngụy về với kháng chiến. Đó là vào khoảng năm 1948. Không ai còn biết mộ chị ở đâu, cũng không ai còn biết gia đình gốc gác của chị phiêu dạt nơi nào!

Cho đến lúc bấy giờ tôi mới hiểu được câu trả lời của chị với tôi, trên một nẻo đường kháng chiến mà bão lửa đang bao trùm…

Ký của Tạ Xuân Linh
;
.
.
.
.
.