.
Hồ sơ tên đường: Đường Ông Ích Đường

Con đường mang tên người xin xâu (phần 1)

.
103 năm trước, ngày 11-5-1908, có một người con đất Hòa Vang đã hiên ngang ra pháp trường khi tuổi vừa tròn 24. Người anh hùng nằm xuống, lưu tên mình vào sử xanh dân tộc và gần 9 thập kỷ sau, thành phố Đà Nẵng cũng đã vinh danh bằng cách đặt tên người cho một đường phố.

Mô tả ảnh.
Ông Ích Đường trên đường bị dẫn ra chợ Túy Loan. (Ảnh tư liệu)
 
Chàng trai trẻ ấy tên là Ông Ích Đường, quê làng Phong Lệ, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam; nay là phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Cha ông là Ông Ích Kiền (Tán Nhì) – nghĩa sĩ Nghĩa hội Cần Vương; ông nội là Ông Ích Khiêm – danh tướng dưới triều Tự Đức, vì trung can nghĩa khí mà chết dưới tay đám quần thần gian manh.

Thuở nhỏ, Ông Ích Đường nổi tiếng giỏi cả thơ văn lẫn võ nghệ, tính tình phóng khoáng, thường bênh vực kẻ yếu thế, chống lại cường quyền. Ông từng theo chân Phan Châu Trinh vào Nam, ra Bắc vận động cải cách theo phong trào Duy Tân. Ông nội ông có người con trai tên là Ông Ích Thọ với bà vợ người Hải Dương (ông Thọ là em cùng cha khác mẹ với ông Kiền, cha ông). Ông Thọ tham gia kháng Pháp cùng nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám ở chiến khu Phồn Xương, Yên Thế, ông cùng Phan Châu Trinh có lần lên đây học cách đánh giặc.

Từ Yên Thế về, ông tổ chức dạy võ cho thanh niên quanh vùng, sớm trở thành người đứng đầu của thanh niên nghĩa khí địa phương.

Khi thực dân Pháp cho mở con đường 14B từ Đà Nẵng lên Hòa Vang, qua Đại Lộc lên Bến Giằng để tận thu tài nguyên miền núi, tiếng là mộ phu làm đường nhưng thực tế đã ra sức bóc lột người dân thậm tệ. Sau khi phong trào xin xâu, chống thuế nổ ra ở Đại Lộc (tháng 3-1908), Ông Ích Đường đã dẫn đầu đoàn người ở Hòa Vang kéo xuống vây phủ Điện Bàn, buộc tri phủ Trần Văn Thống phải đưa đoàn biểu tình xuống Tòa sứ Pháp ở Hội An xin miễn thuế, giảm sưu.

Riêng ở Hòa Vang, ông dẫn anh em dân phu đi vây bắt Lãnh Điềm – một lãnh binh được Pháp cử coi ngó việc làm đường, khét tiếng tàn ác. Chuyện này đã được Huỳnh Thúc Kháng kể lại trong “Cuộc kháng thuế ở Trung Kỳ năm 1908” như sau:

“… Dân huyện Hòa Vang khổ về sưu làm đường dưới quyền hành hạ của Lãnh Điềm. (…) Đường cùng dân chúng sắp vây bắt Lãnh Điềm thì trước nửa giờ Điềm đã nghe tin, lén xuống xe lửa Tourane-Faifo trốn thoát”.

Phong trào chống sưu thuế bị thực dân Pháp và Nam triều thẳng tay đàn áp, hàng nghìn người bị bắt. Ông Ích Đường tạm lánh vào nhà một đồng môn học võ tên là Mạc Quý ở Hội Vực, nay thuộc xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang. Không ngờ Mạc Quý phản bội, Ông Ích Đường sa vào tay giặc.

Ngày 11-5-1908, người anh hùng hiên ngang ra pháp trường ở chợ Túy Loan, để lại một câu nói bất hủ trước giờ bị hành quyết: “Giết Đường này còn có trăm nghìn Đường khác. Bao giờ hết mía mới hết Đường”.

Tôn vinh người con của vùng đất anh hùng, ngày 19-7-2000, tại Nghị quyết số 06-2000/NQ-HĐ, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VI, đã đặt tên ông cho con đường dài hơn 1.500m, rộng 15m, chạy từ đường Lê Đại Hành (vừa mới được đặt tên, phía nam sân bay Đà Nẵng) đi ngang Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, trụ sở UBND quận Cẩm Lệ đến phía bắc đầu cầu Cẩm Lệ. Đó là con đường mang tên người đi xin xâu năm 1908 trên đất Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC
;
.
.
.
.
.