“Các tỉnh, thành duyên hải miền Trung ai cũng vừa muốn, vừa sợ làm “đầu tàu”, bởi khu vực này nhiều cực đồng tuyến” - Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Đào Tấn Lộc nhìn nhận như vậy khi nói về sự liên kết phát triển của các địa phương khu vực miền Trung.
Theo ông, do các địa phương có vị trí địa lý đồng tuyến, nên việc liên kết ở khu vực này khó hơn các vùng như đồng bằng sông Hồng hay đồng bằng sông Cửu Long. Trên thực tế, cũng đã có những chuyển biến nhất định trong việc liên kết, hợp tác phát triển giữa các địa phương trong khu vực miền Trung; thế nhưng, việc liên kết vẫn còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ giữa một vài địa phương cận kề với nhau. Trong đó, Đà Nẵng đã có những nỗ lực nhất định trong việc xúc tiến hợp tác với Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế; hoặc các ngành trong khu vực cũng đã có những hoạt động kết nối để đem lại những kết quả ban đầu trong hợp tác phát triển du lịch, giao thông... Tuy nhiên, kết quả vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế của khu vực này.
Nguyên nhân được xác định là các địa phương chưa phát triển được thế mạnh riêng trong những nét tương đồng, chưa “phân công” để tạo ra nét đặc trưng của từng địa phương; vì vậy chưa xác định được đầu tàu cho cả khu vực cũng như trên từng lĩnh vực. Mỗi địa phương đều khai thác kinh tế theo kiểu mạnh ai nấy làm; ở đâu cũng có cảng biển, sân bay, khu công nghiệp, sản phẩm du lịch... nhưng chưa tạo được dấu ấn cả trong nước lẫn quốc tế. Từ thực tế đó, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải cho rằng: Đã đến lúc, phải thay đổi quan điểm về miền Trung “cái gì cũng có”! Để làm được điều đó, thì cần phải xúc tiến liên kết, hợp tác trong khu vực.
Về vấn đề này, ông Đào Tấn Lộc cho rằng, nhân cơ hội có nhiều sân bay, thì cần phải hợp tác để mở các đường bay trong khu vực như Bình Định-Đà Nẵng, Nha Trang-Huế, Đà Nẵng-Vinh... đồng thời hình thành các tuyến đường bộ cao tốc để tạo thuận lợi về giao thông. Phát triển du lịch thì cần có sự liên kết, trong đó cần xác định những điểm đến độc đáo không chỉ ở mỗi địa phương mà cả khu vực. Về đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, thì vừa khuyến khích các tỉnh đào tạo nhân lực cho địa phương nhưng đồng thời tìm trọng điểm về đào tạo nguồn nhân lực vùng và quốc gia.
Trong khi đó, với góc nhìn của nhà đầu tư, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà cũng đã phân tích cụ thể về việc phân công nhằm liên kết phát triển. Đó là, các địa phương đều có cảng biển nhưng chưa có cảng trung chuyển container quốc tế; trong khi Vịnh Cam Ranh là nơi có lợi thế rất lớn về lĩnh vực này. Việc phát triển du lịch cần được liên kết, nhất là trong quảng bá sản phẩm du lịch mang tầm quốc tế... “Để đưa chương trình liên kết này vào hiện thực, BIDV cam kết hỗ trợ nguồn vốn vay với khoản kinh phí từ 1.000 đến 1.200 tỷ đồng” - ông Trần Bắc Hà khẳng định.
Để phá vỡ quan ngại rằng vấn đề liên kết vùng lâu nay đã được đưa ra bàn bạc nhiều mà chưa bao giờ đi đến triển khai trong hiện thực, lãnh đạo các địa phương trong khu vực đã thể hiện quyết tâm chính trị bằng thống nhất tổ chức hội thảo về liên kết, hợp tác phát triển vùng vào cuối tháng 6 năm nay tại Đà Nẵng, với sự tham dự đầy đủ của các nhà lãnh đạo địa phương để từ đó, ký kết một biên bản về việc triển khai các công việc cụ thể cần phải làm.
Hy vọng, hội thảo này sẽ tạo ra bước đột phá trong phát triển vùng Trung và Nam Trung bộ trong tương lai gần.
Huyền Phi