.

Nghỉ thai sản: 4 hay 6 tháng?

.
Không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, trẻ dễ bị suy dinh dưỡng, còi xương, giảm sức đề kháng và thường mắc các bệnh truyền nhiễm… Đây cũng là lý do khiến nhiều bà mẹ e ngại khi phải trở lại công sở làm việc sau 4 tháng nghỉ thai sản.

Mô tả ảnh.
Một số doanh nghiệp vì lợi ích của mình đã sa thải phụ nữ khi nghỉ sinh con, khiến không ít nữ công nhân lo lắng. (Ảnh minh họa)
 
Cái giá của 60 ngày

Với chế độ nghỉ thai sản 4 tháng như hiện nay, nhiều chị em chọn cách chờ đến cận ngày sinh mới làm đơn xin nghỉ việc. Dù thời gian này, hầu hết họ đều trong tâm trạng lo lắng, mệt mỏi, ít nhiều ảnh hưởng đến năng suất làm việc. Chị Nguyễn Ngọc Hoa (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà), nhân viên marketing của một nhãn hàng thời trang chia sẻ: “Vẫn biết điều này ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất làm việc, mức thu nhập nhưng mình không còn cách nào khác là chờ đến cận ngày sinh mới nghỉ để dành quỹ thời gian 4 tháng chăm sóc khi bé chào đời”.

Bác sĩ Phan Hoàng Anh Đào, Phó Giám đốc Trung tâm (TT) Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP. Đà Nẵng cho biết, trước ngày sinh khoảng 10 ngày, các thai phụ nên dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để bảo đảm sức khỏe. Việc duy trì bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sẽ bảo vệ bé không bị rối loạn tiêu hóa, giảm tỷ lệ trẻ mắc bệnh béo phì, đái tháo đường và các bệnh về tim mạch khi trưởng thành. Trong 6 tháng nghỉ ngơi hoàn toàn, người mẹ sẽ có thời gian tiếp cận với những kiến thức về nuôi dạy trẻ, có thời gian chuẩn bị tốt về dinh dưỡng cho bản thân để có nguồn sữa tốt cho con. Mặt khác, cho trẻ bú sữa mẹ còn hạn chế được tình trạng mang thai ngoài ý muốn...

Thường xuyên được các bác sĩ tư vấn về tầm quan trọng của việc cho trẻ duy trì bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu khiến không ít chị em đến cơ quan nhưng tâm trí vẫn để… ở nhà; đi muộn về sớm, từ chối mọi hoạt động ngoại khóa tại cơ quan, gây không ít khó khăn trong việc phân công lao động của các cấp lãnh đạo. Còn theo bác sĩ Đỗ Văn Lân, Phó khoa Chăm sóc sức khỏe trẻ em-Phòng chống suy dinh dưỡng, TT Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP. Đà Nẵng, thời gian nghỉ ngơi, chế độ ăn uống cộng với tâm lý của sản phụ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn sữa mẹ. Có trường hợp, mẹ ở cơ quan thì thừa sữa, trong khi con ở nhà thì khát sữa do không phải bà mẹ nào cũng có điều kiện buổi trưa về nhà cho con bú. Vậy nên, việc nghỉ ngơi hoàn toàn trong thời gian 6 tháng đầu là vô cùng cần thiết.

Cần tiến hành đồng bộ

Thông tin Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng chính sách kéo dài thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng lên 6 tháng, dự kiến trình Chính phủ trong năm 2011 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận. Đặc biệt là nữ công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp (KCN). Bởi trên thực tế, không ít doanh nghiệp (DN) vì lợi ích của mình đã sa thải phụ nữ nghỉ sinh con để thay thế người mới. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của nữ công nhân. Bên cạnh đó, chị Lê Thị M., công nhân tại KCN Hòa Khánh lại có một mối lo khác: “Với mức thu nhập của hai vợ chồng dưới 5 triệu đồng/tháng, chúng tôi chẳng dành dụm được nhiều cho giai đoạn sinh nở. Vì thế, ngoài lo sợ bị cho nghỉ việc, các KCN không có nơi giữ trẻ, thì nghỉ sinh quá lâu cũng sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình”.

Ngoài ra, sự thay đổi này cũng sẽ gây không ít khó khăn đối với những DN sử dụng nhiều lao động nữ. Lãnh đạo Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước lo lắng: Nếu thời gian nghỉ quá dài sẽ khiến DN thiếu hụt nguồn lao động tạm thời, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Để giải bài toán này, chúng tôi sẽ phải tuyển thêm lao động hợp đồng để bù đắp vào khoảng trống mà mỗi sản phụ để lại. Mặt khác, Nhà nước cũng cần có chính sách ưu đãi đối với DN sử dụng nhiều lao động nữ.

Cần phải nói rằng, sinh sản, nuôi con là thiên chức của người phụ nữ nhưng chúng ta nên xem đó là trách nhiệm của cả cộng đồng. Nếu nhìn vào thực tế hệ thống giáo dục mầm non của nước ta hiện nay, không ít bà mẹ đã chịu áp lực rất lớn khi trở lại cơ quan mà không có người trông trẻ bởi tất cả các trường đều thiếu hụt cơ sở vật chất lẫn con người trong việc chăm sóc trẻ dưới 6 tháng tuổi. Nên chăng, việc thay đổi thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng lên 6 tháng buộc phải kéo theo những thay đổi về chính sách an sinh xã hội, chế độ bảo hiểm, trợ cấp trong thời gian nghỉ sinh,… nhằm tạo sự yên tâm cho những bà mẹ toàn tâm, toàn ý trong thời gian chăm sóc bé.

Tiểu Yến
;
.
.
.
.
.