Nhiều năm nay tôi ở thành phố. Do công việc, ngày tiếp ngày, tôi gắn cuộc đời mình với cơ quan, quán xá, phố phường. Với sự tất tả cùng những so kè, đổi chác. Với những ồn ào cùng bao toan tính thiệt hơn… Bận rộn và nhiều mưu cầu, tôi như không còn thời gian để ngơi nghỉ. Vậy mà trong những lúc rảnh rỗi ngắn ngủi và hiếm hoi nhất, thi thoảng mới có được, tôi lại thấy lòng mình sao trống vắng, nhất là vào những năm sau này, khi đã lớn tuổi hơn và có nhiều mỏi mệt. Những mệt mỏi thay cho nhiều háo hức. Những ngậm ngùi thế chỗ cho bao niềm vui… Chợt nhận ra: “…Từ bao năm chân phiêu lãng chưa quay về. Từ bao năm ta như mãi ngủ mê…”.
Khi biền biệt, bước chân không một lần quay trở lại, quê nhà vẫn đâu thể mất đi. Quê nhà ở ngay đây, nằm giữa trái tim này và luôn đau đáu một niềm thương nhớ. Ở đó là cái sân phơi đẫm hương hoa lài khi chớm tối, tiếng gàu chạm vào thành giếng, tiếng heo đói ăn kêu inh ỏi trong chuồng, cái gáo dừa, ảng nước, vườn rau, ao cá, các món ăn nhà quê của mẹ… Ở đó là những ngày ấu thơ thanh bình, đã qua. Và nơi đây là mỗi sớm mai thức dậy bằng tiếng kéo cửa sắt, tiếng xe người ồn ã trên đường, tiếng rao hàng, tiếng mắng chửi cười cợt từ mấy nhà lân cận… Mới hay tôi sao mà quá chán, khi một ngày mới bắt đầu.
Không như tôi, thuở còn là đứa nhỏ nhà quê với những sớm mai trằn mình ngủ nướng. Những sớm mai ngồi bệt nơi gian bếp rơm rạ thấp lè tè, lua lần mấy chén cơm mắm kho hay ăn đẫy bụng soong củ nóng hôi hổi vẫn còn thòm thèm. Thòm thèm ăn, thòm thèm ngủ, thòm thèm những ngày mới tung mở nhiều ước mơ. Niềm sướng vui có sẵn. Những háo hức thường trực. Đâu như là tôi, khi ở phố bây giờ: Bận rộn mà ơ thờ. Ắp đầy công chuyện mà hoang hoải nhiều nỗi niềm. No đủ mà thiếu hụt. Thường xuyên lựng chựng lòng. Nỗi nhớ lướng vướng trong cả giấc ngủ mê mệt, trong mỗi một sớm mai. Dường như, đã không ít lần trong mỗi một khoảnh khắc như thế, tôi tự nhủ: “… Thôi đành quay về lại quê xưa. Thôi đành quay về dòng sông đó… Dù trăm năm ai quên lũy tre làng. Dù ngàn năm ai quên tiếng mẹ ru…”.
Để được nghe gió đánh tươm tàu lá chuối sau hè, tiếng tu hú gọi bầy… Để ăn đã đời những cái bánh ít lá gai nhân đỗ, mẹ gói hồi nhà giỗ quẩy… Để bờ tre và gốc rạ… Và biết bao những ảnh hình không còn ám ảnh mình. Và hết thảy những thanh âm thôi réo gọi mình, đêm đêm.
Những ca từ ngắn ngủi trong ca khúc “Xin làm người hát rong” không đủ cho cả câu chuyện dài mà nhạc sĩ Trần Long Ẩn muốn chuyển tải đến người nghe, nhưng sao tôi có thể cảm thấu đến dường này. Phải chăng tôi cũng như ông: “…Cũng đành xin làm người hát rong. Chỉ mong đời không chê trách…”.
Mỹ Nữ