.

Khẳng định chủ quyền

.

 

Vào thập niên 1920, trong bối cảnh lầm than của đất nước dưới chế độ thuộc địa của thực dân Pháp và tác động của tình hình Phật giáo thế giới, khắp ba miền Bắc, Trung, Nam ở Việt Nam đã dấy lên các hoạt động chấn hưng Phật giáo.

Mô tả ảnh.
Bìa tờ báo Đuốc Tuệ, Số 1, ra ngày 10-12-1935 (Nguồn: www.giacngo.vn)
Từ những cố gắng lẻ tẻ ban đầu của một số sư tăng, học giả nhằm giữ gìn mối đạo, nghiên cứu giáo lý, truyền bá đạo pháp; đến năm 1931, nỗ lực đó đã kết thành lực lượng có tổ chức, hình thành “Phong trào Chấn hưng Phật giáo” rầm rộ trong cả nước với sự ra đời lần lượt của Hội Phật học ở nhiều nơi.

Năm 1931, Hội Nghiên cứu Phật học và Hội Lưỡng Xuyên Phật học (về sau đổi tên là Hội Phật học Nam Việt) được thành lập tại Nam Kỳ. Năm 1932, Hội An Nam Phật học ra đời ở Trung Kỳ. Đến năm 1934, Hội Phật giáo Bắc Kỳ cũng được thành lập. Các Hội Phật học trong nước đều hướng đến mục đích chỉnh đốn Thiền môn, vãn hồi giới luật, đào tạo tu sĩ chân chính, thực học và hoằng dương chánh pháp thông qua việc mở đạo trường, xuất bản kinh sách, tạp chí.

“Phong trào Chấn hưng Phật giáo” ở Việt Nam không chỉ vực dậy tổ chức và các sinh hoạt Phật giáo thuần túy vốn sa sút trong thời kỳ thuộc địa, mà còn kích thích tinh thần nhập thế và lòng yêu nước của nhân dân theo xu hướng đẹp đạo tốt đời thông qua hoạt động báo chí. Tiêu biểu cho sự cống hiến đó là quan điểm của Hội Phật giáo Bắc Kỳ về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa trên báo “Đuốc Tuệ”.

Báo “Đuốc Tuệ” là cơ quan hoằng pháp của Hội Phật giáo Bắc Kỳ, báo quán đặt tại chùa Quán Sứ, phố Richaud, Hà Nội. Số đầu tiên ra ngày 10-12-1935. Thời gian đầu, “Đuốc Tuệ” là tuần báo; nhưng từ năm 1937 trở đi được đổi thành bán nguyệt san, mỗi tháng ra hai kỳ, kéo dài đến số cuối cùng là 257-258 ra ngày 15-8-1945.

Ngay từ những số đầu, “Đuốc Tuệ” đã đăng nhiều bài viết ủng hộ chủ trương đạo Phật phải nhập thế chứ không trốn tránh cuộc đời, nhấn mạnh tính cách Á Đông và tinh thần dân tộc, tự do, bình đẳng và hòa hiếu của Phật giáo. Đặc biệt, Báo “Đuốc Tuệ” đã thể hiện dứt khoát chính kiến của mình về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam sau sự kiện người Nhật định chiếm cứ một số đảo để khai thác phân bón.

Trong bài “Việc đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa-TG) đã tiệm yên” ở số 90, ra ngày 1-8-1938, Báo “Đuốc Tuệ” viết: Chính phủ Đông Dương đã chính thức nhận đảo Hoàng Sa ở trong bể Nam Hải, trước Huế trông ra, một nơi cửa ngõ giữa Đông Dương, đường hàng hải Nam Dương qua Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản tất qua đó. Đây là một nơi rất trọng yếu về quân sự, trong trông ra, ngoài trông vào của Đông Dương. Trường tầu bay, nơi đỗ tầu chiến, vô tuyến điện đài, chiếu hải đăng đều cần có ở đó để làm nơi phòng ngự. Mất Hoàng Sa tức là Đông Dương mất cái điếm canh cửa ngõ.

Đảo Hoàng Sa từ đời vua Gia Long đã thuộc về nước Nam quản cố. Gần đây Nhật để ý, Tầu cũng đòi. Vì kế phòng thủ Đông Dương, Chính phủ Pháp lấy sự thực trên lịch sử đảo ấy là của nước Nam nên đã chính thức phái chiến hạm và lính khố xanh ra giữ đảo Hoàng Sa. Nhật Bản trước kháng nghị, nhưng rồi biết phải, cũng đã êm êm, nên chỉ xin Chính phủ Đông Dương bảo hộ cho kiều dân Nhật đến lấy phốt phát ở đấy và xin cung cho Nhật ít sắt.

Nửa tháng sau, ở số 91, ra ngày 15-8-1938, một bài viết khác của Báo “Đuốc Tuệ” với tựa đề “Tin thêm về đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa-TG)” đã tiếp tục khẳng định chủ quyền lâu đời của nước Nam qua các thư tịch cổ, nguyên văn như sau:

“Bảo hộ (tức nước Pháp-TG) thay mặt nước Nam đã cho tàu chiến ra trú phòng và cho hiến binh lên một hòn trong quần đảo Tây Sa giữ quyền địa chủ. Người Nhật trước còn kháng nghị, sau cũng êm, xin lính nước Pháp bảo hộ cho Nhật kiều lấy chất bón ở đấy và xin cấp cho họ ít sắt. Ngày 15-7 vừa rồi người Nhật đem tàu chiến đến chiếm lấy một hòn đảo khác ở trong quần đảo Tây Sa. Trong quần đảo Tây Sa này có hai hòn to, còn thì bé nhỏ quá và có nhiều hòn còn lờ mờ dưới nước. Bảo hộ giữ được một hòn to ở ngay giữa đường tàu đi Hồng Kông - Sài Gòn, còn hòn kia thì ở cách xa, xế về mé đông.

Nếu điển cố mà có thế lực trong quyền sở hữu đảo Tây Sa tức Hoàng Sa này, phi nước Nam không còn ai nữa. Bởi vậy các báo đã lục đăng hết những văn thư của bản triều có can hệ đến đảo Hoàng Sa ra. Nhưng một cái chúc thư vừa lâu vừa có giá trị hơn cả là ở trong sách “Phủ biên tạp lục” của cụ Lê Quý Đôn, chép từ Hậu Lê, nói về chúa Nguyễn đệ niên cho đội lính làng An Bình, Quảng Ngãi ra quần đảo Hoàng Sa lấy hải vật, có cả đoạn công văn chúa Nguyễn sai quan phúc đáp quan Huyện bên Tầu hộ tống 2 tên lính đội Hoàng Sa bị bão rạt sang bên ấy về nước ta. Việc vào năm Càn Long thứ 19 (1754). Báo Tiếng Dân đã lục tường. Coi đó biết cái học cụ Lê Quế Đường (Quế Đường là hiệu của Lê Quý Đôn-TG) thực dụng là dường nào”.

Qua các bài viết trên báo “Đuốc Tuệ”, rõ ràng “Phong trào Chấn hưng Phật giáo” trước năm 1945 không chỉ quan tâm đến việc đạo, mà còn thể hiện trách nhiệm của mình đối với lợi quyền của dân tộc. Những bài viết về Hoàng Sa của Hội Phật giáo Bắc Kỳ đã góp phần thức tỉnh hồn nước, khẳng định chủ quyền lãnh hải lâu đời của đất nước Việt Nam dựa trên nhiều chứng lý xác thực qua các văn bản cổ, chỉ rõ việc thực thi chủ quyền Hoàng Sa từ thời các chúa Nguyễn, vua Nguyễn là cơ sở thực tiễn hết sức thuyết phục để bác bỏ những tranh chấp quốc tế về sau.

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN
 
;
.
.
.
.
.