.
Truyện ngắn

Mùa chợ

Cánh hội chợ nằm ngồi ngổn ngang trên cái mặt sân trát xi chưa kịp khô. Thằng Sinh bán chiếu hô mấy tiếng:

- Chiếu! Chiếu nóng chiếu giòn đây!

Chỉ loáng cái nhà Sinh “đi” được mười sáu manh chiếu dệt từ cói Thái Bình, mười chín cái dệt từ cói sợi hóa học khét mù. Cánh đi hội chợ thời đại mới tỏ ra biết chi biết dùng, không đến nỗi keo cú bần hàn. Ai cũng bảo nhau, đến hội chợ mua cả thể, tội gì sắm sanh mang đi cho nhọc xác lại tốn tiền mang vác.

Nhà bán nước khoáng tinh khiết mới nhìn không thể kết luận khoáng đểu hay thật, đẩy cái xe tay bánh sắt dùng để chuyển hàng, chẳng cần hô hét gì cũng lặng lẽ xuống hàng được gần hai mươi thùng nước. Mọi người thấy có nước sạch là ổn, khó tính khó nết thì cứ ở nhà mà tận hưởng.

Nhà bán nồi điện, chảo điện, đệm điện, chăn ga nghe chừng cũng được bà con mở hàng xông xênh, vợ chồng cười nói hỉ hả đếm đếm xấp tiền, rồi nhìn trước sau, dúi vội cọc tiền vào cái thùng sắt tây to đùng một người chui vào nằm vừa.
Ngoài cổng đi vào một xe tải thuốc dân tộc.
Thằng Sinh hớn hở:
- Chiếu không?
Trên xe, một cô gái xinh như mộng thò cổ ra chửi:
- Mẹ mày, muốn chết hả. Xe người ta đang vào cứ đứng ngông nghênh giữa lối đi.
Sinh ngây thộn không kịp phản ứng, nhưng cũng không thấy tức như khi bị mấy thằng đực rựa chửi. Gã cười hề hề:
- Bức xúc quá nhể. Để đây đỡ cho nào. Mới toanh ở đâu về thế?
Phượng nhảy xuống.
- Sa Pa.
Lái xe cho lùi đít, tông đánh rắc một cái vào cái vách ngăn ki-ốt nhà bán chiếu và mành. Sinh đang cười, miệng bỗng khớp không khép lại được, cứ há như cá mắc cạn. Đám mấy nhà sành sứ bên cạnh cười hê hê, mông nhà cô em Sa Pa hơi nặng.

Phượng thản nhiên vẫy vẫy mấy tay đang ngồi phỏm: “Giúp một tay nảo mấy anh”. Mấy anh nhìn Phượng thấy xinh, hăng hái đứng lên. Nào, thì giúp. Đi hội chợ hết tỉnh này sang huyện nọ, đầu tóc mùi hăng hăng bọ xít, chân tay thô hơn cả thợ cày, đít quần thì bạc phếch bạc phơ. Nay thấy có cô nàng khác hẳn bọn đàn bà cải mả lang thang khắp chốn hội chợ kia nên anh nào cũng muốn ra tay. Mùi thuốc lá cây cỏ hăng hăng thơm khiến tâm hồn trai như được thanh lọc tẩy rửa.

Thằng Thìn đập vai Sinh:
- Nhà anh đổi chiếu lấy tô sứ Bát Tràng loại một nhé.
Hội chợ mai mới khai trương vậy mà dân tình đã kéo nhau nườm nượp tới. Hỏi han, ngã giá. Cánh đi hôi lượn lờ. Mãi vẫn chưa thấy bóng đội quân vui chơi có thưởng. Hội chợ thiếu cánh ấy cứ văng vắng thế nào.
Ngoài cổng lại tiến vào một xe tải quất và cây cảnh. Màu vàng ươm của quất khiến không khí hội chợ phấn khích hẳn lên. Dân hội chợ kháo nhau, đám này người Hà Nội, phía rẻo Tây Hồ Quảng Bá gì đó. Đám cây cảnh đăng ký góc gần gian thuốc nên Phượng bỗng như cây thuốc quý giữa vườn hoa vàng. Kẻ bán cây cảnh râu tóc bơ phờ, nhưng bàn tay thư sinh trắng trẻo. Phượng tò mò nhìn bàn tay anh ta rồi cười cười:
- Cạo râu đi để tối mai ra phố chơi.
Gã bán cây cảnh mặt lạnh như tiền, buông thõng câu:
- Đêm nay chơi luôn đi.
Phượng hơi sượng, quay đi sắp xếp gian hàng của mình. Có mấy anh bộ đội trong núi ra chơi, bảo cô tìm hộ loại cây thuốc chữa sâu răng. Cô đưa cho họ một khúc gỗ vàng ươm:
- Cây mật gấu đấy. Loại này trên rừng sâu Sa Pa. Mấy anh chẻ ra rồi ngâm với rượu, khi đau răng ngậm vài ngụm là khỏi.
Thìn nhảy đến:

- Bán cho tớ vài khúc. Tớ mở hàng có mà bán hết veo. Cứ gọi về chuẩn bị gom một xe tải nữa là vừa. Không bán hết tớ đền cả tớ cộng thêm gian sành sứ với mấy pho tượng Phật kia.
Phượng xì một tiếng, tay thu xấp tiền khách đưa rồi lận vào trong cạp quần. Mấy pho tượng đúc hình dáng Phật thì đúng hơn, đứng choán cả mấy cửa gian sành sứ. Phượng nhìn, thấy lòng mơ mơ hồ hồ.
Mưa xuống.

Ban đầu còn rơi nhẹ, như màn sương mờ đục phả hơi thở lạnh xuống thị trấn. Sau mưa nặng hạt dần như có ai rót tè tạch bình rượu sứt vòi xuống những cái ly trần gian.
Những cánh lá quất rung rung đón mưa trong cơn gió lạnh.
Hùng với cậu bé làm thuê co kéo cái tấm bạt mãi mới căng được một khoanh rộng xung quanh cái ki-ốt vỏn vẹn 9 m2. Xong việc Hùng lầu bầu:
- Mày cắm cơm đi, tao đi loanh quanh xem có gì ăn.
Phượng chạy sang:
- Nhà anh với nhà em góp gạo thổi cơm chung nhé. Bên em mang nhiều thứ lắm, khỏi ra chợ.
Hùng nhìn lơ ngơ lên trời.
- Những thứ gì?
- Dân Sa Pa mà anh hỏi có những thứ gì? Thịt hươu sấy, lợn lửng còn tươi nguyên. Ở Hà Nội liệu có mấy khi có nổi mấy lạng lợn lửng?

Hùng chưa gật, thịt hươu sấy đã được vác sang cả tảng. Bên gian cây cảnh rộng nên dễ xoay. Chỉ một lúc nom bếp núc ấm cúng hẳn lên. Hùng ngồi hút thuốc không thấy nói gì, cũng không giở di động ra nhắn tin hay gọi cho ai. Mưa thì mỗi lúc mỗi to, thậm chí gió giật suýt tung cả mấy góc bạt. Phượng chạy về ki-ốt của mình che chắn một lúc cùng cô bé giúp việc. Lá thuốc mà ngấm mưa gió, thành đống lá mục, bán cho thiên hạ phải tội chết.

Mâm bát được dọn ra, mùi thịt hươu nướng thơm ngậy. Bốn cái đầu lúi húi ăn như đã quen nhau từ bao giờ.

Đúng lúc mưa to gió giật ghê gớm thì cánh đào cảnh cho xe chạy tung tóe nước, động cơ rú rầm rầm như góp bão, vòng quanh một lượt rồi đỗ uỳnh một tiếng trước dãy ki-ốt trống. Trời sắp trở tối, cả hội chợ đang buồn nẫu ruột, không hiểu sao nhìn thấy những cành đào rẽ gió mưa vào, hết thảy vui hẳn lên. Cái màu hồng đào ấy thật quyến rũ, như những nàng hồ ly thướt tha. Màu hồng đào báo tin mùa đông ảm đạm sắp tiễn biệt thế gian, nhường chỗ cho ánh xuân trở lại. Màu hồng đào khiến tâm hồn người ta bối rối.

Đêm mưa lạnh, những cành đào được đưa xuống thật nhẹ nhàng. Một cành. Hai cành. Ba cành. Một cô. Hai cô. Ba cô. Lại một chàng. Hai chàng. Ba chàng. Lần lượt xuống tới chín cô gái, bảy chàng trai và cơ man đào thắm, đào phai. Chưa chi cả hội chợ đã thấy tương lai bừng sáng.

Mưa mỗi lúc mỗi to. Nước trời rót tới lưng lửng sân chợ.

Đám bên nhà sành sứ rủ hàng xóm chơi vài ván phỏm. Nhà phân phối ô-mô kháo chuyện với nhà bán vòng xuyến rởm về cái con bé Huyền nào đó. Cái con ca-ve xấu quá phải giải nghệ lại lừa công ty N. Nào đó, công ty N. Nào đó nhận con bé này vào làm nhân viên phân phối thị trường, nghĩa là để đi bán hàng hội chợ thế này. Hết hội chợ nàng Huyền vào nhà nghỉ cùng lái xe dọc đường đêm. Hôm sau giả bộ rằng nàng ta bị làm nhục giữa đường, khiến cho nhân viên công ty bối rối phải báo cáo sếp để sếp duyệt tiền bồi thường. Nhưng chẳng may gặp phải tay sếp quá rắn, bắt vở con này, suýt nữa còn giải ra đồn công an.
Cánh buôn dưa lê cười he he. Rồi chuyển gam sang chuyện bóng đá Việt Nam với bóng đá Anh.

Mưa có vẻ như sắp ngớt. Nước không dềnh lên ngang sân hội chợ nữa. Mấy người rọi đèn pin lội lóp ngóp đi tìm nước rửa mặt. Tiếng nước đái rót tồ tồ xuống nước khai mùi rượu cồn.

Tiếng chửi nhau choe chóe.

Hóa ra nhà vui chơi có thưởng đã vào tới. Họ phải dừng ăn dọc đường mưa. Họ kể cho hàng chợ nghe chuyện lo lót thế nào để vào được đến đây. Nhà vui chơi có thưởng kéo bầu đoàn thê tử dễ chừng phải đến chục người già trẻ lớn bé. Mỗi người một việc, chỉ một loáng mọi thứ đã đâu vào đấy. Đẹp và sáng rực ánh đèn ma mị. Nếu ai mà vào dự thưởng lúc này, sẽ có thể có thưởng ngay.

Nhà đào đang cho nhân viên ăn tối. Chín cô gái và bảy chàng trai trẻ trung được một tay mặt lì, đầu trọc hếu làm sếp trưởng. Bữa ăn nhanh như chớp đông. Nhìn mặt tay trọc, chắc mai chẳng ai muốn mua hoa đào. Nhưng gã không để cho hàng chợ kịp bình phẩm, chỉ một loáng một vườn đào thực sự đã được dàn dưới mưa. Thằng Thìn rủ Sinh chạy sang núp sau tấm chắn ki-ốt bên cạnh xem dàn trận đào. Mắt hai thằng híp lại khi thấy chín cô gái mở túi lôi ra chín bộ áo dài màu hồng đào, thấy bảy chàng trai lôi ra bảy bộ áo the khăn sếp màu khói lam chiều. Mấy cô ướm lại áo, cởi luôn cái áo lót đang mặc trên người, rướn ngực đưa tay vào ống áo, trong ánh điện đêm vú con gái phơi bày lồ lộ. Hai thằng rình xem trộm sung sướng hỉ hả. Nhưng gã đầu trọc ngồi trên bục vuông (chắc dành riêng cho sếp) thì mặt vẫn như đá lạnh.

Hùng rút cây kèn ac-mo-ni-ca ra thổi. Tiếng kèn chìm lút trong màn mưa đêm. Một lúc sau thì cậu bé giúp việc hát vống lên theo điệu nhạc. Cứ như họ đã cùng khớp giọng vào những lúc rảnh việc nào đó ở những nơi nào trên trái đất này không ai biết được.

Những người giã biệt vườn tược
Sớm nay vẫn dậy ở kinh thành
Những kinh thành trăm năm
                      ngủ mê
Chỉ tay người còn thức.
Tiếng kèn làm cả hội chợ như bừng dậy sau cơn mưa. Thao thức nhớ nhà. Đám con gái làm thuê cho nhà ô-mô lấy vỏ hộp ra rải xuống đất làm chiếu nằm, nhất định không chịu mua chiếu nhà Sinh, ôm nhau lặng im lắng nghe tiếng kèn và tiếng hát ồ ồ của thằng bé con. Bé thế mà sao hát làm người muốn khóc. Giọng hát hay người thổi kèn làm mưa thôi rơi?
Những mảnh gốm lửa nung
                                           xanh mát
Những viền đen mỏng manh sợi tóc
Sắc rồng phượng tưng bừng mở hội
Trong cơn khát từng kẻ xa nhà
Trong u buồn ngóng chim bay
                                         qua(*)

Phượng ngồi mơ màng nhìn lên bầu trời đầy nước, tưởng tượng ra những ngôi sao như những mảnh gốm lửa nung xanh mát mà anh chàng râu tóc bù xù kia đang thổi. Phượng thốt nhiên lo thay cho anh chàng. Không biết anh ta mọi khi sống thế nào. Mà nhà đào sầm uất thế kia, mỹ miều toan tính thế kia, liệu quất có bán nổi không?

Cứ thế, cả đêm. Hội chợ không ngủ. Cứ thao thức chờ sáng.

Bởi vì sáng mai sẽ là cuộc mưu sinh thực sự.

Rồi thuốc sẽ được bán hết. Dạo này nhiều căn bệnh quá.

Rồi dao kéo dầu đèn khăn tay váy áo tất vòng sách vở giấy bút nồi cơm điện loại cải tiến, bếp từ quạt điện chăn ga gối mác hàn, chén đĩa bát, giang hồ đứng cạnh đức phật từ bi, vui chơi có thưởng kẹo búp bê, lừa đảo có tính toán…

Tất cả đều mơ giấc mơ hạnh phúc.

Những cành hoa đào đẹp đến nao lòng và quất vàng rực rỡ chen chân đứng bên nhau như trên vườn địa đàng…

Võ Thị Xuân Hà

(*) Thơ Nguyễn Quang Hưng
;
.
.
.
.
.