.
Chuyện xưa xứ Quảng

Làng bắt cọp

.

Làng Dùi Chiêng, nay là thôn Dùi Chiêng, xã Quế Phước, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, hồi nửa đầu thế kỷ XX, nổi tiếng là làng bắt cọp. Bấy giờ, cọp nhiều vô kể, chúng hay lẻn vào làng bắt trâu, bắt cả người. Và, trong cuộc đấu tranh sinh tồn, người bao giờ cũng thắng, cũng chế ngự được cọp dữ. Trong đó, nhân vật làm nên kỳ tích ở vùng đất núi non trùng điệp này là ông Phạm Bá Doãn. 

 

Mô tả ảnh.
Một chòi bắt cọp thời trước.  (Ảnh tư liệu)

 

Người ta kể rằng thời trước, ở Dùi Chiêng, khi trời vừa tắt nắng, không khí lạnh từ rừng sâu, núi cao bắt đầu tràn xuống, nhà nào nhà nấy cửa đóng kín mít vì sợ cọp. Không ai dám ra ngõ. Người ta sợ đến mức đêm đến phải để bẹ chuối từ trong nhà thò ra ngoài để lỡ có... mắc tiểu thì khỏi ra ngoài, cứ nhè bẹ chuối mà... tiểu. Còn đại tiện cũng trong nhà, sáng mai phần ai nấy lo “giải quyết hậu quả”. Nhiều đêm nghe tiếng cọp đi qua đi lại mà lạnh cả xương sống. Nhớ chuyện cũ, lớp người ở tuổi xưa nay hiếm tại làng Dùi Chiêng vẫn còn chưa hết rùng mình. Khi ấy, họ hãy còn nhỏ, cũng có thấy, rồi cũng nghe người lớn kể lại, lắm chuyện sởn tóc gáy. Nhất là chuyện nửa đêm cọp về, lấy chân cạ cạ vào vách phên bằng đất.

Bấy giờ, cọp nhiều, dân ít nên cọp dạn dĩ lắm, về luôn. Chúng không những bắt trâu, bò mà còn hại cả người. Thế cho nên, người nào bắt được cọp, nhất là những con cọp dữ, luôn được dân làng trọng vọng. Tương truyền, để bắt cọp, ông Phạm Bá Doãn làm một thứ bẫy mà người địa phương quen gọi là cái chòi. Dấu tích còn lại của những cái chòi bắt cọp này là một địa danh người ta gọi là kiệt Chòi (kiệt có chòi bắt cọp), đó là một lối đi nhỏ hẹp, hướng ra núi. Các bô lão làng Dùi Chiêng cho biết về hình dáng, chòi không to, ngang gần 1 mét, dài khoảng 5 mét, làm hoàn toàn bằng cây săn, chắc, được chôn sâu xuống đất, phía trên được cột kỹ, chèn đá to, làm sao để một khi cọp đã vào bẫy thì không thể vùng ra nổi. Trong chòi nhốt một con chó, ngăn lại. Cọp nghe tiếng chó sủa, mò đến. Khi nó vừa vào thì bẫy sụp xuống. Người ta chỉ việc dùng giáo nhọn mà đâm cho đến lúc cọp chết mới thôi.

Chòi bắt cọp biến mất hồi cuối thập niên 20, đầu thập niên 30 của thế kỷ XX. Đó cũng là lúc ông Bá Doãn nghiên cứu làm cái kẹp gài cọp. Kẹp bằng sắt, nặng đến bốn, năm mươi ký, thường phải hai người khiêng. Bấy giờ, theo thói quen, dân làng Dùi Chiêng thường chăn thả trâu. Lúc đói mồi, cọp hay bắt trâu. Khi vồ được, nó tha vào rừng, ăn bộ lòng. Còn lại, nó giấu một nơi, chờ lúc đói, lại đến ăn tiếp. Nắm rõ thói quen “chết người” này, mỗi khi bị cọp bắt trâu bò, dân làng liền theo dõi, xem cọp giấu xác trâu ở đâu. Sau đó, họ đến nhờ ông Bá Doãn gài kẹp giùm. Để chắc ăn, ông Bá Doãn cho gài một lần hai, ba cái kẹp. Gài xong, cột chặt kẹp vào gốc cây to để cọp khi đã bị mắc kẹp, không thể lôi kẹp đi mất. Chuyện cọp bị kẹp cứng vào chân, không đi được, chỉ  nằm một chỗ chờ chết thì lớp người như ông Nguyễn Tửu từng chứng kiến quá nhiều lần. Ở làng Dùi Chiêng, hồi trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, năm nào cũng có cọp bị mắc kẹp. Năm nhiều có thể lên đến ba, bốn con.

Có thể nói, sau ông Bá Doãn, ông Hội Hồng, con ông Bá Doãn cũng là người nổi tiếng cả vùng tây Quảng Nam về khả năng dùng kẹp gài cọp. Không chỉ ở Dùi Chiêng mà ở đâu có cọp, có người đến mời, ông đều nhiệt tình giúp đỡ. Như lần cọp ra bắt trâu ở Sé, giờ gọi là làng Phước Hội, xã Quế Lâm. Gia chủ theo dõi, rồi cho người lên báo với ông Hội Hồng. Khi cọp dính kẹp, bà con rủ nhau đi xem rất đông. Có ông nọ vào, thình lình, cọp gầm lên, nhảy vồ trúng, làm chết ngay tại chỗ, máu me đầy người. Dân làng hốt hoảng, mạnh ai nấy la, không ai dám vào. Được tin, ông Hội Hồng xách súng tới ngay. Ông bảo giờ án mạng đã xảy ra, phải báo quan trước đã. Sau đó, ông yêu cầu làng lập biên bản, cam đoan rằng ông bắn cọp khi cọp đã vồ chết người. Ông sợ lỡ bắn có viên đạn nào trúng nạn nhân thì sẽ bị quy tội giết người. Khi biên bản làm xong, mọi người ký tên vào làm chứng, ông mới nổ súng. Cọp chết ngay tại chỗ.

Sinh thời, cha con ông Doãn đều nổi tiếng “sát cọp”. Vì vậy, danh xưng “làng bắt cọp”, tức làng Dùi Chiêng, chẳng qua chỉ để nói đến hai cha con họ. Đặc biệt, khi bắt được con cọp nào, họ thường lấy công là bộ xương cọp. Tương truyền, gia đình ông Bá Doãn giàu nức tiếng là nhờ nấu cao hổ cốt. Nhờ nấu cao hổ cốt, ông nhanh chóng giàu lên, mua ruộng đất, phát canh thu tô. Bấy giờ, vay ang lúa, chỉ qua một mùa, trả thành ang rưỡi. Nghĩa là lời đến… 50% chỉ qua mấy tháng. Thế nên, người giàu càng giàu thêm. Còn dân nghèo, lỡ vay, nhiều khi trả hoài vẫn còn nợ.

Sẵn tiền sẵn bạc, ông Bá Doãn bỏ tiền ra xây đến ba ngôi nhà lầu. Tuy giàu, nhưng cha con ông, may thay, lại được dân làng cho rằng có lòng hào hiệp chứ không keo kiệt như những người khác!

PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT

;
.
.
.
.
.