.

Hy Lạp: Phụ nữ xông pha

.
Cuộc sống của người dân Hy Lạp bị đảo lộn nghiêm trọng vì cuộc khủng hoảng nợ. Chính lúc này, vai trò của người phụ nữ mới bật lên khi họ xông ra nắm lấy vai trò kinh tế chủ lực cho gia đình mình.

Mô tả ảnh.
Natalia Papapetrou quyết tâm làm bất cứ việc gì để có tiền.
 
Vì khủng hoảng nợ cần có thời gian dài để giải quyết nên rất nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, nhiều công trình buộc phải tạm dừng. Hoàn cảnh éo le đó đẩy hàng nghìn đàn ông đang giữ vai trò kinh tế chính trong gia đình chịu cảnh mất việc làm. Một số người may mắn thì chỉ bị cắt bớt lương.

Trong lúc chồng gặp phải tâm lý chán nản, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, phụ nữ Hy Lạp đã có những nỗ lực đáng khen để trở thành trụ cột kinh tế trong gia đình. Giáo sư kinh tế Maria Karamesini – người đang làm việc về bình đẳng giới của EU đã nhận xét rằng đó là nỗ lực nhằm vượt qua khủng hoảng kinh tế. Khi số lượng đàn ông thất nghiệp ngày một tăng lên thì phụ nữ đã tìm cách bù trừ vào khoảng thiếu hụt trong chi tiêu gia đình. Chính bà Karamesini, 51 tuổi, cũng đã giúp chồng bà là kiến trúc sư rất nhiều kể từ khi “ông nhà” mất việc từ năm 2009.

CỨU CÁNH DU LỊCH. Trong lúc cả kinh tế tư nhân và tập thể lụn bại thì du lịch trở thành cứu cánh cho nền kinh tế Hy Lạp, thậm chí nó có thể chống đỡ tốt cuộc khủng hoảng hiện nay. Du khách khám phá Trung Đông đã chọn Hy Lạp thay vì Ai Cập, Tunisia và Ma Rốc như trước đây.
Natalia Papapetrou, 36 tuổi, là nữ kiến trúc sư tài năng có thể nói được ba thứ tiếng, không bao giờ nghĩ rằng cô phải làm thêm công việc của một thủ quỹ tại siêu thị ở Athens để có tiền trang trải cuộc sống. Công việc tư vấn cho một công ty nhà nước rất thong thả bỗng dưng đã phải nghỉ làm 5 tháng nay buộc Papapetrou đành làm việc “tay trái” ở siêu thị vì chồng cô cũng đã mất việc làm hơn một năm qua mà gia đình có tới 4 miệng ăn (cùng với hai con nhỏ). Vợ chồng Papapetrou buộc phải chuyển con gái lớn từ trường tư sang trường công. Papapetrou giọng đầy quyết tâm cô sẽ làm bất cứ việc gì để có tiền.

Chính phủ Hy Lạp cho biết tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ đã tăng lên 17,9%, tức là ở mức quá cao so với tỷ lệ trung bình 9,7% của EU; nam giới là 11,5% so với 9,5% của EU. Các nhà kinh tế của Tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế ở Paris cho biết lực lượng lao động tăng 2,9% trong ba năm qua ở nữ giới Hy Lạp, tức gần gấp ba so với tỷ lệ 1% của toàn EU. Được sự ủng hộ của Chính phủ, phụ nữ lao ra làm ăn cũng chỉ là những doanh nghiệp nhỏ nhưng đạt tỷ lệ đáng khích lệ là cứ bốn doanh nghiệp có một chủ là nữ.

Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều phụ nữ không thể kiếm được việc làm vì thị trường việc làm bị thu hẹp rất nhiều. Anna Stylianou, 29 tuổi, là một y tá có tay nghề cao nhưng không thể kiếm ra việc làm ở Salonika vốn có tỷ lệ nữ thất nghiệp hơn 20%. Stylianou buộc phải đi phụ việc ở quán café vì chồng cô làm tại công ty xây dựng đã bị cắt nửa lương. Cô than thở, hai vợ chồng không dám có con vì lương quá thấp. Bà Karamesini cũng lo lắng về khả năng mất hẳn một thế hệ vì khủng hoảng tài chính.

Anh Thư
;
.
.
.
.
.