.

Lá chắn phòng hộ ven biển

.
Người dân vùng biển Xuân Thiều, Nam Ô, vùng Hòa Hải vẫn còn nhớ tiếc những cánh rừng thông, rừng phi lao ven biển cách đây nhiều năm về trước. Nay những cánh rừng phi lao đang được gầy dựng lại, với nhiệm vụ làm lá chắn phòng hộ ven biển.

Mô tả ảnh.
Rừng phòng hộ ven biển Mân Thái, quận Sơn Trà.
 
Đà Nẵng có chiều dài bờ biển khoảng 30km và nổi tiếng với nhiều bãi biển đẹp nằm dọc theo chiều dài thành phố. Nhưng khác với các vùng biển khác, biển Đà Nẵng không có những hòn đảo, những hàng cây để chắn sóng nên mỗi khi đến mùa bão, lụt, nhiều trận cuồng phong và sóng dữ từ ngoài khơi xa xô đập vào bờ với cường độ mạnh, tàn phá nặng nề các công trình đường sá, nhà cửa trên bờ. Hàng chục hec-ta rừng thông, phi lao được trồng vào những năm sau ngày thống nhất đất nước đã bị phá bỏ để nhường chỗ cho các nhà hàng, khách sạn, các công trình khác của Đà Nẵng trong quá trình đô thị hóa. Hậu quả nặng nề để lại do ảnh hưởng của các cơn bão số 6 năm 2006, bão số 9 năm 2009 đối với người dân một phần do thành phố thiếu một “lá chắn” giảm thiểu hậu quả do sóng gió và triều cường, thiếu các dải rừng phòng hộ phân bố hợp lý trên bờ biển.

Ông Nguyễn Văn Bảy, ở tổ 29 phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu nhớ lại, trước khi làm đường Nguyễn Tất Thành, cả vùng biển từ Xuân Thiều đến hết Nam Ô là những cánh rừng thông xanh tốt đã hơn 20 năm tuổi, do người dân phường Hòa Hiệp trồng sau ngày giải phóng, tác dụng chắn gió, chắn cát rất tốt. Nhưng khi có con đường, rừng cây biến mất. “Cũng may là bữa nay tui già rồi (ông Bảy năm nay 76 tuổi – P.V), lại được thấy rừng phi lao trồng ngay phía sau nhà. Hồi bão số 9 (năm 2009), trong khi bờ kè đường Nguyễn Tất Thành, cách đây có vài trăm mét bị sạt lở, cát vùi lấp mặt đường thì ở khu vực này hầu như không bị ảnh hưởng”, ông Bảy kể.

Năm 2006, UBND thành phố Đà Nẵng giao BQL Rừng phòng hộ Đà Nẵng trồng thử nghiệm 1,5ha cây phi lao tại phường Hòa Hiệp Nam. Theo ông Phạm Ngọc Sự, Giám đốc BQL thì phi lao là loài cây có thể sống tốt ở vùng cát, vùng biển, thân dẻo dai có khả năng chống chọi được với gió bão. Đến nay cây sinh trưởng và phát triển rất tốt, bước đầu phát huy được tác dụng phòng hộ ở khu vực. BQL Rừng phòng hộ đã bàn giao 1,5 ha cây đã trưởng thành cho UBND phường Hòa Hiệp Nam quản lý. Ông Võ Ngọc Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam cho biết, công tác quản lý của phường là chăm sóc, bảo vệ rừng cây. Mới đây phường đã họp, bàn giao 1,5ha rừng cho Hội Cựu chiến binh phường để hội tiến hành khai thác theo hướng đặt ghế ngồi vào mùa hè ở khu vực rừng phi lao, tìm thêm nguồn thu hỗ trợ cho công tác bảo vệ và chăm sóc cây rừng.

Ông Phạm Ngọc Sự cho biết thêm, các cơ quan chức năng của thành phố đã xác định: Biện pháp hiệu quả để hạn chế tác hại của thiên tai bằng rừng trồng ven biển là một giải pháp tối ưu vì giá thành rẻ, ít tốn kém, đồng thời lại góp phần cải thiện môi trường sống, tôn thêm mỹ quan của đô thị. Ngoài ra, do biến đổi khí hậu, thiên tai không còn là một quy luật thông thường mà áp thấp nhiệt đới và bão sẽ xảy ra bất ngờ. Nước biển dâng, triều cường tác động mạnh mẽ và sẽ gây hậu quả thiệt hại nặng nề hơn nếu những vùng ven biển không có “lá chắn xanh” phòng hộ.

Năm 2010, UBND thành phố Đà Nẵng tiếp tục giao BQL Rừng phòng hộ trồng thêm 11ha rừng phi lao dọc trên tất cả các bãi biển ở các phường Hòa Hiệp Bắc, Thanh Khê Đông, Xuân Hà, Phước Mỹ, Mân Thái. Năm 2011 tổ chức phi chính phủ Challenge to change – Thách thức thay đổi (CtC) đã hỗ trợ thành phố trồng thêm 3,3ha rừng phi lao ở phường Hòa Hiệp Nam và phường Thọ Quang. Đây là tổ chức nước ngoài đầu tiên cung cấp nguồn vốn cho thành phố để trồng rừng phi lao ven biển nhằm giảm thiểu thiên tai và biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên nỗi lo lớn nhất hiện nay của những thành viên BQL Rừng phòng hộ là những rừng cây mới trồng trong năm 2010 và 2011. Vào mùa mưa bão, ngư dân kéo thuyền, thúng lên bờ để neo giữ đã vô ý khiến cây bị gãy đổ khá nhiều. Ngoài ra, trẻ con và thậm chí cả thanh niên đã bẻ ngang thân cây phi lao để lót ngồi hóng gió, nghịch phá… Trong 2 năm đầu, những người trồng rừng đã thay phiên nhau ban đêm đi giám sát vườn cây, ngăn chặn hành vi bẻ cây, nhưng vẫn không thể nào giám sát hết. Những rừng cây mới trồng phải thường xuyên trồng dặm. BQL cũng thường xuyên về các phường yêu cầu người dân phối hợp bảo vệ rừng cây, nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả. Bởi khi cây lớn, đạt 4 tuổi trở lên mới có thể giao về cho địa phương quản lý. Trong khi đó, theo Kỹ sư Lê Công Quang, BQL Rừng phòng hộ, việc tưới và chăm sóc những rừng cây mới trồng phải diễn ra suốt cả ngày trong mùa nắng. Những nơi có sương muối khiến cây bị rụng lá, chết rễ, phải trồng trái mùa (tức mùa nắng) và công chăm sóc phải gấp đôi.

Khi quỹ đất ven biển đã bị thu hẹp rất lớn, diện tích dành cho rừng phòng hộ ven biển không thể mở rộng, thì việc gây dựng và gìn giữ những rừng cây ven biển càng trở nên cấp thiết. Có như vậy, mới mong giảm thiểu được tác hại của bão lụt, triều cường, bảo vệ được tính mạng và tài sản của những gia đình và các công trình ven biển.

Hoàng Nhung
;
.
.
.
.
.