.

“Người con gái Đà Nẵng”: Nỗi đau thời hậu chiến

.

Cuối tuần qua (ngày 4-6), bộ phim Người con gái Đà Nẵng (Daughter From Danang) đã chính thức trình chiếu tại Viện Goethe, Hà Nội. Đây là bộ phim tài liệu do Đài truyền hình PBS phát hành vào đầu năm 2002, từng được đề cử giải Oscar 2003 (hạng mục Phim tài liệu xuất sắc nhất) và đã đoạt nhiều giải nhất phim tài liệu tại các đại hội điện ảnh khắp Hoa Kỳ trong năm 2002. Bộ phim dài khoảng 80 phút của hai đạo diễn Gail Dolgin và Vicente Franco thực hiện. Nội dung phim xoay quanh câu chuyện cảm động về cuộc hành trình trở về quê hương, tìm lại quá khứ của cô gái lai mang trong mình hai dòng máu Mỹ - Việt, vốn là con gái của một quân nhân Mỹ và một phụ nữ tại Đà Nẵng. 

Mô tả ảnh.
Phim “Người con gái Đà Nẵng”.

Khởi đầu chuyện phim là những tài liệu liên quan đến những chuyến bay di tản trẻ em vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975 trong chiến dịch “Di tản trẻ thơ” (Operation Babylift) đưa khoảng 2 đến 3 ngàn trẻ “mồ côi” từ Việt Nam sang Mỹ, Canada, Pháp, Úc để làm con nuôi. Trong số đó, có Heidi Bub sinh năm 1968 tại Đà Nẵng, con bà Mai Thị Kim và một chiến binh Mỹ. Chồng của bà Kim, từ năm 1964 đã rời gia đình, vào vùng giải phóng, tham gia du kích đánh Mỹ.

Sau 22 năm khôn lớn trên đất Mỹ, những hình ảnh về ngày rời bỏ quê hương vẫn luôn còn đậm nét trong ký ức Heidi. Cô nói: “Tôi nhớ những hình ảnh đó mãi suốt đời tôi. Chúng tôi đứng đó ở, nắm chặt tay nhau. Người ta phải kéo chúng tôi ra để đưa tôi lên máy bay. Sao bà ấy lại có thể đối xử với tôi như thế? Làm thế nào người ta có thể bỏ một đứa con như vậy?”.

Heidi Bub tên khai sinh là Mai Thị Hiệp, lúc đặt chân đến Mỹ, mới chỉ 7 tuổi, được một phụ nữ độc thân nhận làm con nuôi. Bà này tên là Ann Neville ở Columbia, South Carolina. Sau một năm ở South Carolina, hai mẹ con Heidi dọn về sinh sống tại Pulaski, Tennessee. Suốt thời gian nuôi dưỡng Heidi, bà Neville thể hiện là một người mẹ quá nghiêm khắc, đến mức thiếu tình cảm. Cuối cùng, khi vừa đủ tuổi trưởng thành thì Heidi bị mẹ nuôi đuổi ra khỏi nhà, mà không giải thích lý do.

Vài năm sau đó, Heidi bắt đầu nuôi dưỡng ý định đi tìm mẹ ruột. Cùng lúc, vào năm 1991, tại  Việt Nam bà Kim cũng có một lá thư gửi cho viên chức Mỹ ở TP. Hồ Chí Minh truy tìm đứa con thất lạc trong chiến tranh. Nhờ đó, Heidi nhanh chóng tìm được tung tích mẹ ruột. Năm 1997, Heidi về lại Việt Nam, gặp lại gia đình, sau 22 năm vắng mặt.

Trong buổi hàn huyên đầu tiên, bà Kim giải thích, thời gian ấy, vì chồng bỏ đi nên bà phải đi làm sở Mỹ, rồi lấy Mỹ... Và vì muốn bảo đảm an toàn tính mạng cho đứa con lai, trước những diễn biến không lường được của cuộc chiến, nên bà phải chấp nhận đưa con đi Mỹ theo chương trình Babylif. Còn với Heidi, tại sân bay Đà Nẵng, ấn tượng đầu tiên của  cô là gia đình của mẹ ruột có quá nhiều người (bao gồm cả người chồng cũ của bà Kim, cùng những người con với ông này trước và sau 1975) quá nhiều tình cảm, chào đón cô với sự thương yêu nồng nhiệt...

Thế nhưng, sau cảm giác xúc động của những ngày đầu hội ngộ, Heidi đã nhận ra những khó chịu vì sự khác biệt từ ngôn ngữ, văn hóa, đến nhiều vấn đề khác... Cô nói: “Tôi ước chuyện này đã đừng xảy ra! Tôi chỉ muốn giữ lại những ký ức đã có. Những ký ức hạnh phúc...”. Cuộc trùng phùng sau mấy chục năm xa cách nay trở thành một bi kịch. Xung đột văn hóa diễn ra phức tạp đến mức không lường được. 

Người con gái Đà Nẵng trở về đất Mỹ. Cô thất vọng với quá khứ và cũng không thể chia sẻ với chồng con. Trong khi đó, tại Việt Nam, gia đình cô đổ lỗi sự hụt hẫng vì cho là ngôn ngữ bất đồng. Bà mẹ Đà Nẵng vẫn tiếp tục khóc, vì cảm nhận không thực sự có lại đứa con trong vòng tay.

Phim kết thúc. Thông điệp gửi đến với người xem là một cảm giác bàng hoàng. Chừng như nỗi đau cuộc chiến vẫn chưa nguôi. Nó không chỉ là những nỗi đau mất mát về thể xác, tài sản. Mà sự cản trở, cách biệt văn hóa cũng gây nên tổn thương hết sức lớn lao. Câu chuyện trong phim diễn ra đến nay đã hơn 10 năm, cuộc trùng phùng đến bây giờ biết tiến triển ra sao?

TRẦN TRUNG SÁNG

;
.
.
.
.
.