.

Niềm tin và sức mạnh

.
Trong căn nhà nhỏ ở 446 Nguyễn Tri Phương - Đà Nẵng, tấm ảnh chụp chung với Bác Hồ được ông treo trang trọng nơi phòng khách. Ông Huỳnh Thúc Bá - nguyên Chủ nhiệm Chính trị, Bí thư Đảng ủy Cục Hậu cần Quân khu 5 - nói rằng, suốt cuộc đời ông sẽ không bao giờ quên những câu hỏi ân cần và ấm áp mà Người dành cho ông.

Mô tả ảnh.
41 năm qua, vợ chồng Anh hùng LLVTND Huỳnh Thúc Bá vẫn cẩn thận giữ gìn chiếc khăn choàng cổ mà Bác Hồ trao tặng.
 
Sinh năm 1944, tham gia cách mạng khi 12 tuổi, từ cậu bé liên lạc, Huỳnh Thúc Bá trở thành y tá đại đội 1, tiểu đoàn 72, bộ đội địa phương tỉnh Quảng Nam. Từ năm 1962 đến 1966, ông đã tiêu diệt 55 tên địch, cấp cứu tại chỗ 80 đồng chí, đưa 120 thương binh về nơi an toàn… Năm 1964, một trận lụt lớn xảy ra ở Bình Giang, một mình một thuyền, Huỳnh Thúc Bá đã cứu sống 29 đồng bào, cấp cứu 41 người khác bị nước cuốn trôi, giúp dân làm vệ sinh, băng bó cho những người bị thương vì bom đạn địch. Ở trận Núi Giàng (3-1966), khi cán bộ chỉ huy bị thương, Huỳnh Thúc Bá đã chủ động chỉ huy 12 chiến sĩ còn lại vừa chiến đấu ngăn chặn địch, vừa yểm trợ cho nhau đưa thương binh, tử sĩ về tuyến sau, hay ở trận Kỳ Sanh, có 7 thương binh không kịp đưa đi, phải đem giấu trong rừng, ông đã ở lại chăm sóc rồi tìm đường đưa tất cả về bệnh xá an toàn…

Ngày 17-9-1967, Huỳnh Thúc Bá được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba và danh hiệu Anh hùng LLVTND. Năm ấy ông mới tròn 23 tuổi.

Vị ngọt của bánh ga-tô

Giữa tháng 5-1968, do trận sốt rét rừng và những vết thương hành hạ, Anh hùng Huỳnh Thúc Bá được chuyển ra miền Bắc chữa trị. Hay tin đoàn ra Bắc, Bác Hồ cho mời ông và Anh hùng LLVTND Trần Đình (quê Điện Bàn) vào gặp. 9 giờ sáng, ô-tô đến đón 2 ông vào Phủ Chủ tịch. Khi biết mình được đưa đi gặp Bác Hồ, trong lòng ông tràn ngập niềm vui sướng. Tại đây, Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe, hoàn cảnh chiến đấu của từng người và không quên dặn dò: “Các cháu về đơn vị cố gắng phấn đấu nhiều hơn, lập nhiều thành tích hơn nữa”.

Lúc ở vườn Bán Nguyệt, Bác chia chiếc bánh ga-tô ra làm mấy phần và đưa cho mỗi người một miếng.  Lần đầu tiên ông Bá biết đến mùi vị đặc biệt của bánh ga-tô. Ông như muốn lưu lại thật lâu niềm hạnh phúc nhỏ bé mà Bác dành cho ông cùng đồng đội. Khi ra về, Bác đưa cho ông Bá phần bánh và hơn nửa gói thuốc còn lại với lời nhắn: “Cháu Bá mang quà về cho anh em ở miền Nam ra, nói đây là quà Bác Hồ gửi tặng nhé”. Hôm ấy đúng ngày sinh nhật lần thứ 78 của Bác.

Bốn tháng sau, tháng 9-1968, ông Bá vinh dự có mặt trong đoàn 50 anh hùng, dũng sĩ Khu 5 và Nam Bộ được gặp Bác Hồ tại Hội trường Ba Đình. Điều làm ông cảm động và vui sướng nhất là giữa hàng chục cán bộ, chiến sĩ, Bác vẫn nhận ra ông và ân cần hỏi: “Cháu Bá đã hết sốt rét chưa, học tập có tốt không?”. Ông Bá chia sẻ: “Khi nghe câu hỏi của Người, trong tôi vỡ òa niềm xúc động. Giữa lúc cuộc chiến đang diễn ra ác liệt, sự quan tâm ấy như tiếp thêm cho tôi niềm tin và sức mạnh, giúp tôi vượt qua những ngày tháng chiến đấu gian khổ phía trước”.

Đầu năm 1969, Anh hùng Huỳnh Thúc Bá may mắn được gặp Bác Hồ lần thứ 3. Lúc này, bên cạnh niềm vui là nỗi buồn khi ông thấy sức khỏe của Người đã yếu hơn trước. Sau cuộc trò chuyện, ông được đứng cạnh Người chụp hình kỷ niệm. Khi chia tay, Bác Hồ đã tặng mọi người hai câu thơ: “Bước đầu muôn dặm một nhà/ Bắc Nam sum họp chúng ta vui mừng”. Chính niềm tin và hy vọng ấy của Người đã đi theo ông Bá suốt quãng thời gian chiến đấu sau này.

Và chiếc khăn kỷ niệm

Ngoài dư vị ngọt ngào của miếng bánh ga-tô, trong lần đầu tiên gặp Bác, ông Bá còn mang về một chiếc khăn choàng cổ màu xanh, điểm xuyết những đường kẻ sọc trắng, là món quà Bác tặng. Chiếc khăn ấy, trước khi trở lại chiến trường miền Nam năm 1970, ông đã trao lại cho vợ mình (Thiếu tá Nguyễn Thị Kim Tiến) với lời dặn dò: “Anh đi không biết sống chết thế nào, em hãy cất giữ cẩn thận chiếc khăn kỷ niệm mà Bác tặng anh, đó là kỷ vật vô giá. Nếu anh có hy sinh, em thay anh gìn giữ chiếc khăn này”. Hiểu được tâm sự của chồng, trải qua bao thăng trầm của cuộc chiến, bà Tiến đã thay ông cất giữ món quà vô cùng ý nghĩa ấy.

Bà nói rằng bà rất tự hào về ông. Bà nhớ, ngày hai người gặp rồi yêu nhau ở chiến trường khu 5, bà luôn đặt niềm tin vào lời hứa của ông: “Vì tình yêu của chúng mình, anh sẽ cố gắng”. Cùng với lời hứa đó, ông đã sống đúng với lý tưởng cách mạng cao cả. Kết quả tình yêu ấy là một đám cưới đơn giản nhưng ấm áp giữa vòng tay đồng đội được tổ chức tại 83 Lý Nam Đế (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) ngày mồng 2 Tết năm 1969. Sau đám cưới, ông quay vào chiến trường khu 5, bà ở lại miền Bắc tiếp tục học văn hóa và chăm sóc đứa con đầu lòng bị nhiễm chất độc da cam. Những lúc đau đớn vì thương đứa con bệnh tật, những khi bặt tin chồng nơi chiến trường, bà lại nhìn chiếc khăn để tiếp thêm sức mạnh. Nhờ nó, bà vững vàng trải qua những ngày tháng xa chồng, làm tròn bổn phận của một người chiến sĩ, người vợ, người mẹ.

Bây giờ, mỗi khi trái gió trở trời, hai vợ chồng hay bị những cơn đau do vết thương cũ hành hạ nhưng ông vẫn lạc quan: “Ai đã trải qua những lần sinh ly tử biệt trong chiến tranh, thì không có gì may mắn hơn khi hòa bình lập lại còn đủ vợ chồng, con cái”. Ở tuổi ngoài lục tuần, niềm hạnh phúc của ông bà còn là sự trưởng thành của ba người con gái. Hai người con gái đã trưởng thành và theo nghiệp bố mẹ, làm việc tại Quân khu 5. Người con gái đầu, Huỳnh Thu Giang (1971), dù bị liệt cả hai chân, nhưng bù lại rất thông minh. Sau khi học xong phổ thông và trải qua một thời gian làm công nhân, chị về mở quán photocoppy tại nhà đến nay đã 10 năm. Khách tìm đến chị Giang phần lớn là đồng chí, đồng đội của bố mẹ. Sự quan tâm ấy đã giúp chị có thêm nghị lực, tìm được niềm vui trong cuộc sống.

Tiểu Yến
;
.
.
.
.
.