.

Nước mắt đẹp

.
Trở lại không bao giờ dễ dàng và con đường tìm lại thời hoàng kim trong thể thao luôn chông gai để tạo nên nhiều cảm xúc, câu chuyện của tay vợt Nhật Bản Kimiko Date-Krumm và hai chị em nhà Williams ở phần đầu mùa Wimbledon đang diễn ra minh họa rõ nét điều này.

Mô tả ảnh.
Kimiko Date-Krumm. (Ảnh tư liệu)
Cả tổ hợp thể thao hoành tráng của nước Anh All England Club tối 22-6 (giờ Việt Nam) sống trong dạt dào cảm xúc với từng tràng pháo tay kéo dài dường như bất tận suốt 3 giờ chứng kiến cuộc so tài đáng đồng tiền bát gạo giữa Venus Williams và Kimiko Date-Krumm ở vòng hai giải Grand Slam danh giá trên mặt sân cỏ. Bản thân cuộc so tài giữa hai tay vợt không còn trẻ quyết trở lại để khẳng định chỗ đứng của mình trong làng quần vợt - một Venus Williams 31 tuổi vừa phục hồi sau 5 tháng vắng mặt vì chấn thương và một Date-Krumm vừa tròn 40 tuổi - cũng đủ thu hút sự hiếu kỳ. Huống chi đằng này cuộc chiến đấu một mất một còn của họ trên thực tế đã diễn ra ngang ngửa, gay cấn, nhiều kịch tính với vô số pha bóng đẳng cấp, bất ngờ, cống hiến một bữa tiệc thịnh soạn nhất ở thủ đô London cho đến lúc này.
 
Đáp lại những cú giao bóng sấm sét của Venus Williams là những pha bỏ nhỏ tinh tế, những cú cắt bóng trái tay đầy mạo hiểm của Date-Krumm. Trận chiến giằng co của hai người đàn bà quả cảm kết thúc bằng cuộc lội ngược dòng của tay vợt người Mỹ với tỷ số 2-1, trong đó ván đấu cuối cùng khép lại ở điểm số 8-6 sau cú trả bóng ra biên của tay vợt người Nhật. Dù từng giành đến 5 chức vô địch Wimbledon nhưng cô chị nhà Williams có lúc đứng trước nguy cơ thất thủ trước đối thủ lớn hơn mình những 9 tuổi. Khát vọng tràn đầy như khi còn ở tuổi 20, chơi bóng với kinh nghiệm dạn dày và nguồn thể lực gần như vô tận, Date-Krumm đã khiến đối thủ nhiều phen bối rối. Có lúc người ta thấy Venus mất bình tĩnh sau các pha đánh bóng hỏng hay những lần bất lực nhìn đối thủ chơi thăng hoa. May mà kinh nghiệm của một tay vợt từng chinh chiến ở các đấu trường Grand Slam đã giúp cô tìm lại chất kiên cường cùng những pha bóng lóe sáng, đặc biệt là cú giao bóng uy lực và những pha dứt điểm thuận tay chính xác đưa bóng dọc biên.

Date-Krumm rời sân trong tiếng vỗ tay có lẽ dài nhất mà cô nhận được trong sự nghiệp của mình. Một bản hùng ca vừa được viết lên trên thảm cỏ Wimbledon bằng ngòi bút của một người chiến bại. Đừng quên rằng trước đó, bằng chiến thắng 6-0, 7-5 trước Katie O’Brien, tay vợt người Nhật này đã trở thành người phụ nữ lớn tuổi thứ hai trong kỷ nguyên các giải đấu mở rộng giành được một trận thắng đơn ở đấu trường Wimbledon. Cô đã thi đấu ở mặt sân quen thuộc này 22 năm rồi, từ lúc 18 tuổi, và thành tích lớn nhất của Date-Krumm là vào đến bán kết giải đấu này vào năm 1996 và chỉ chịu thất thủ trước một Steffi Graf ngày đó ở vào thời sung sức.

Không có nước mắt trên gương mặt Date-Krumm lúc cô rời sân nhưng những người thân của cô bảo đã nhìn thấy mắt cô đỏ hoe sau lúc trở lại hậu trường. Người Á Đông thường biết giấu xúc cảm vào lòng và thường giữ nước mắt cho riêng mình và cho bè bạn. Nhưng chắc chắn đó là những giọt nước mắt đẹp nhất của người đàn bà bước vào tuổi tứ thập trong hành trình trở lại để khẳng định ý chí, sức mạnh và khát vọng chinh phục thể thao không bao giờ phai. Nước mắt ấy cũng lóng lánh, vinh hiển như dòng lệ tuôn trào trên khuôn mặt Serena Williams một ngày trước đó, khi tay vợt này giành chiến thắng trước Rezai trong trận ra quân ở Wimbledon sau 11 tháng rời xa sân đấu…

Đình Xê
;
.
.
.
.
.