.

Người hát thơ bản năng

.

Tôi thấy thích Lý, ngay ở lần đầu biết. Cách đây đã mấy năm.

Có thể lâu nay, tôi đã quá quen với kiểu ca sĩ bóng bẩy, áo váy xiêm y lộng lẫy, những tấm ảnh xuất hiện trên báo cũng na ná nhau. Những tấm ảnh ca sĩ chẳng nói lên được điều gì. Không nêu bật được cá tính (mà chắc gì đã có cá tính). Họ, có khác nhau chăng là ở cái tên bởi, cứ chung chung, đồng nhất. Lý phá vỡ trong tôi một số suy nghĩ. Ở một khuôn mặt rất kháu, một đôi mắt mở to nhiều tra hỏi. Thường, những người có một cặp mắt như vậy rất hay thắc mắc. Cái gì cũng khiến ngạc nhiên và rất muốn được tìm hiểu, khám phá. Tôi tự nhủ cái con người này chắc lạ và chắc là có nhiều bất ngờ lắm đây. Lạ thì nội một cái tên Lê Cát Trọng Lý, đã thấy quá lạ rồi. Còn bất ngờ thì hãy chờ.

 

Mô tả ảnh.
Không một chút điệu đàng, làm duyên, Lý tự đệm guitar và hát.

Tôi, đã không phải chờ đợi lâu thêm khi sau đó được nghe Lý ôm guitar hát nhạc của Beatles, được nghe ca sĩ khác hát nhạc của Lý rồi Lý vinh dự đoạt giải nhất “Bài hát của năm” của chương trình “Bài hát Việt” năm 2008 với ca khúc “Chênh vênh”: “…Thương em anh trèo non cao. Mua mưa thâu mây tan mệnh bạc. Thương anh em lội sông sâu. Trôi hương trôi hoa tan phận ngọc…”.

Chất nhạc mộc mạc và đằm sâu. Lời đầy chất thơ và  sự chiêm nghiệm. Những điều, có vẻ, dành cho những người không còn trẻ nữa và hẳn, trải đời. Ở Lý, cứ như có sẵn ở trong người. Thuần nhất là bản năng. Thế nên, nghe không gượng gạo sống sượng. Nghe rất đỗi tự nhiên và hồn nhiên. Đó, tất nhiên là bất ngờ đầu tiên của tôi về Lê Cát Trọng Lý. Rồi lại thêm những bất ngờ, khi được nghe cô nhỏ này hát, trả lời phỏng vấn ở những lần xuất hiện tiếp theo.

Như trong chương trình “Sao Online” trên VTC1 một tối tháng 8, năm 2009 với talk show dành cho nhạc sĩ, ca sĩ Lê Cát Trọng Lý. Hay như một chương trình của VTV6, trong tháng vừa rồi, được thực hiện ở Đà Nẵng với sự xuất hiện của ba mẹ Lý. Và mới nhất là chương trình “Bài hát Việt tháng 7”. Sự xuất hiện của Lý chẳng chói lòa và cũng không quá khiêm tốn. Trang phục của Lý đơn sơ và hơi ngồ ngộ rất phù hợp với cái kiểu hơi lóng ngóng một chút, hơi thiếu tự tin một chút, khi trò chuyện với khán giả. Khuôn mặt son phấn vừa phải.

Nhưng ngạc nhiên là ở những câu trả lời hết sức chân chất, thẳng thắn mà rất sâu sắc của Lý. Cô nhạc sĩ, ca sĩ nhỏ bé này đã hoàn toàn chinh phục được tôi khi nói về bản thân, đồng nghiệp bằng những lời lẽ hết sức bình dị, sâu sắc. Nói về dự định cho một chuyến du ca xuyên Việt… Tiếng Quảng vốn không lôi cuốn, nhưng chính nét đẹp nơi tâm hồn Lý, sự thông minh của Lý và kiểu “phiêu” trong cách Lý hát đã thuyết phục khán giả.

Được biết, Lý có thể chơi được ba loại nhạc cụ. Nhưng dường như, cây guitar gắn bó nhất với Lý. Tôi rất thích thú khi xem một đoạn clip quay Lý đang hát trong quán “Yên” ở Sài Gòn. Hát kiểu acoustic. Lý ngồi tự nhiên trên ghế với áo sơ-mi, quần jeans đơn giản giữa hai nhạc công bạn mình và hát thật say đắm, đầy ngẫu hứng. Rồi ở trường quay, Lý hát “Love” của John Lennon thật hay. Hay đến ngỡ ngàng! Lý tự đệm guitar và hát. Không một chút điệu đàng, làm duyên. Mái tóc ngắn và quăn, cúi người xuống cần đàn hoặc nghếch cổ cao, thả từng nốt nhạc từng ca từ. Thả rời rạc và mênh mang, mênh mang. Lý làm cho cả không gian quanh mình sững lặng. Lý,  khiến cho nhạc của Beatles bay bổng hơn và gần gũi hơn với con người, với cuộc đời này. Chưa bao giờ tôi được nghe nhạc của Beatles mà xúc động đến thế.

Thời lượng dành cho một chương trình không dài và dường như là ngắn ngủi quá, khi có Lý. Đó luôn là cảm giác của tôi. Tôi đăm đắm ngắm nhìn Lê Cát Trọng Lý nói, cười, hát ca và chơi đàn. Và, thêm hiểu Lý và quý mến. Có nhiều câu trả lời của Lý mà tôi đã quên nhưng không thể quên được câu này, là: “Có thể tôi sáng tác không được nhiều. Có thể là năm, mười, mười lăm ca khúc hay còn ít hơn nữa. Nhưng tôi biết chắc đó không phải là những thứ tôi viết cho có. Mà là những tác phẩm tử tế”. Có nhiều bài hát của Lý, tôi đã rất thích nhưng khi viết bài này, không hiểu sao mấy câu trong: “Giấc mộng lớn” cứ mãi vướng víu lấy tôi: “Ngày xưa, rất xưa, lúc ai chưa biết chết... Tiếng người than. Tiếng người vui. Tiếng vọng trên cao xuống đời. Này trần lao, biết tươi đẹp, biết nô đùa, lầm than. Trần lao biết sinh diệt, biết tìm hiểu trời cao…”. Giai điệu đẹp và lạ. Ca từ mới mẻ mà rong rêu xưa cũ, buồn chùng một nỗi niềm, thấm tháp bao triết lý về cái được, sự mất. Về phận người cõi đời… Ai mà tin nổi, những thứ đó đã ấp ủ  nơi một cô gái mới trên tuổi hai mươi và một ngày, bật ra thành ca khúc.

Có những ca sĩ nổi tiếng, vậy mà, tìm cho ra một điểm nhấn, một dấu hiệu riêng để đặt cho một tên gọi thì chẳng thấy gì. Còn cô nhỏ nhạc sĩ và ca sĩ người Đà Nẵng này ư? Muôn trùng điều để nhớ và vô vàn tên để gọi. Còn với tôi. Đó, có khi là: “Cổ tích Lý”. Có khi là: “Người viết nhạc tử tế”… Còn giờ, tôi muốn mượn lời của ai đó để gọi Lý, là: “Người hát thơ bản năng”.

MỸ NỮ

;
.
.
.
.
.