Bị ảnh hưởng chất độc da cam (CĐDC), ngay từ lúc lọt lòng, Phan Thị Thu Hiền (27 tuổi), quê huyện Yên Thành (Nghệ An) có một thân hình gầy gò và không được khỏe mạnh như những đứa trẻ khác. Nhưng số phận nghiệt ngã, kém may mắn ấy đã không làm em quỵ ngã. Hiền đã tìm niềm vui, cũng như chứng tỏ nghị lực phi thường của mình bằng con đường học tập. Mới đây, Hiền đã xuất sắc hoàn thành chương trình Đại học (ĐH) chỉ trong ba năm với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi. Nhưng đến nay, Hiền vẫn chưa được nhà tuyển dụng nào nhận vào làm việc.
Với tấm bằng tốt nghiệp ĐH loại giỏi, Hiền đi gõ cửa nhiều nơi nhưng vẫn chưa có chỗ nào chịu nhận em làm việc. |
Bà Nguyễn Thị Hải Sâm, mẹ Hiền rơm rớm nước mắt nhớ lại: Năm học lớp 9, di chứng da cam bộc phát mạnh làm cho thân hình nó tiều tụy hẳn. Cô bé hồn nhiên, học giỏi có biệt tài làm thơ, viết báo thường xuyên bị ngất xỉu trong lớp học. Nhiều lúc, máu mũi trào ra ướt hết áo. Mỗi lần nhìn thấy cảnh con như vậy, lòng bà đau như dao cắt.
Dù thường xuyên bị bệnh tật dày xéo, nhưng Hiền vẫn kiên trì vượt qua mọi đau đớn của thể xác lẫn tinh thần để vươn lên trong học tập. Học hết chương trình THPT, năm 2001, Hiền thi đỗ vào khoa Ngữ văn Trường ĐH Đà Lạt. Ngày Hiền trúng tuyển vào ĐH, gia đình, bạn bè vui mừng khôn xiết. Nhưng số phận không may mắn, Hiền phải gác lại giấc mơ ngồi giảng đường ĐH để điều trị liên tục ở bệnh viện, bởi lúc này, những di chứng chất độc da cam lại hành hạ em.
Sáu năm sau, sức khỏe hồi phục dần, “cô gái da cam” Phan Thị Thu Hiền tiếp tục nộp hồ sơ thi đậu vào ngành Giáo dục chính trị, Trường ĐH Sư phạm-ĐH Đà Nẵng. Vì thường xuyên bị bệnh tật hoành hành, đôi bàn tay của Hiền không còn lành lặn, ngón thì cụt ngủn quắp lại, ngón thì mềm không xương rất khó nhọc trong việc ghi chép. Thế nhưng, mỗi giờ lên lớp, Hiền vẫn kiên trì ghi chép những ý chính mà thầy giáo nhấn mạnh, còn đêm về tự đọc sách và tìm hiểu thêm. Hiền tâm sự: “Số phận mình không may mắn, nên em phải ra sức học tập để mang lại niềm vui cho mình cũng như những người thân trong gia đình”.
Những năm học tại Trường ĐH Sư phạm, kết quả học của Phan Thị Thu Hiền đã làm thầy cô, bạn bè nể phục. Hiền hoàn thành chương trình ĐH trong ba năm (sớm hơn thời gian quy định 1 năm), với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi. Đặc biệt, luận văn tốt nghiệp của Hiền đạt số điểm gần như tuyệt đối với 9,92 điểm. Trong lễ trao bằng tốt nghiệp khóa 2007-2011 ngày 26-7 vừa qua, Ban giám hiệu Trường ĐH Sư phạm ghi nhận rằng: Sinh viên Phan Thị Thu Hiền là tấm gương sáng vươn lên trong học tập, là niềm tự hào của nhà trường, xứng đáng để các bạn sinh viên noi theo.
Về phần mình, cô tân cử nhân Phan Thị Thu Hiền chỉ biết xúc động nói: Có được thành quả như ngày hôm nay, tất cả đều nhờ có sự giúp đỡ, động viên từ thầy cô và bạn bè. Nhất là những người đã sát cánh, tận tụy giúp đỡ em trong suốt 3 năm học.
Gõ cửa tìm việc khắp nơi
Trong những năm học ở Trường ĐH Sư phạm, năm nào Phan Thị Thu Hiền cũng đều được nhận học bổng. Ngoài ra, năm 2009, được nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân tặng Bằng khen “Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong phấn đấu rèn luyện và học tập”; đạt danh hiệu “Thanh niên sống đẹp vì cộng đồng” do Thành Đoàn Đà Nẵng trao tặng năm 2009; được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen trong lễ tuyên dương “Nhà giáo và sinh viên tiêu biểu xuất sắc khu vực miền Trung-Tây nguyên” năm 2010. |
Tuy nhiên, từ lúc nhận bằng tốt nghiệp ĐH đến nay, Phan Thị Thu Hiền đã cầm hồ sơ đi gõ cửa nhiều nơi xin việc, nhưng chỉ nhận được những lời hứa hẹn từ phía nhà tuyển dụng. Dù vậy, “cô gái da cam” vẫn không chịu đầu hàng số phận. Ngày ngày, Hiền chăm chút xếp ngăn nắp những bộ hồ sơ xin việc, tìm kiếm thông tin trên báo chí, với hy vọng sau khi những bộ hồ sơ này gửi đi sẽ may mắn được các cơ quan, doanh nghiệp để mắt đến.
Bà Phùng Thị Yến, ở số 512 Ông Ích Khiêm, người đã cưu mang, giúp đỡ cho Hiền suốt 3 năm nay, tỏ ra lo lắng: “Với một cơ thể gầy còm, ốm yếu như Hiền, không biết rồi đây có cơ quan, đơn vị nào chịu nhận em vào làm việc không nữa. Mỗi lần nhìn Hiền ngồi với vẻ mặt buồn rười rượi, mà ruột gan tôi đau thắt. Mong sao sẽ có những tấm lòng nhân ái san sẻ với hoàn cảnh đặc biệt của Hiền”.
Còn bà Hải Sâm, mẹ Hiền thì nghẹn từng tiếng: Thấy con gái nỗ lực vươn lên với kết quả tốt nghiệp như vậy, tôi vui mừng lắm. Nhưng bên cạnh đó cũng lo canh cánh trong lòng, sức khỏe Hiền yếu, không biết có cơ quan nào chịu nhận, giúp đỡ cho cháu vào làm việc…
Hòa Khánh