.

5 năm “Ngày tháng phiêu bồng”

.

Kỷ niệm 5 năm ngày mất nhạc sĩ TỪ HUY, tại TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình ca nhạc trình bày những tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Từ Huy, từng gắn kết tâm hồn anh với nhiều thế hệ khán thính giả. Tại TP. Đà Nẵng, đêm 22-9, phòng trà ca nhạc Dòng thời gian Sài Gòn (48 Lê Đình Dương) cũng diễn ra chương trình “Ngày tháng phiêu bồng 5” do nhóm thân hữu và những người yêu nhạc Từ Huy tổ chức.

 

Mô tả ảnh.
Một trong những chương trình “Ngày tháng phiêu bồng” được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.

 

Sinh thời, mặc dù đã lớn tuổi, nhưng nhạc sĩ Từ Huy trông có dáng dấp như một thanh niên thanh mảnh, thường mang kiếng cận, tóc dài hippy, và khi ngồi cùng bàn với ai thì cũng trò chuyện huyên thuyên. Do đó, với mọi người, chỉ qua một buổi giao tiếp ngắn với anh, cũng thường có ấn tượng về anh như điển hình một con người nghệ sĩ miền Trung gần gũi, đầy năng động đang hăm hở hoạt động báo chí, văn nghệ giữa đất phương Nam.

Từ Huy không những đã xuất bản nhiều tuyển tập thơ, ca khúc mà anh còn là họa sĩ báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh và là Thư ký Tòa soạn tờ Thế giới Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Anh cũng cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và một số nhạc sĩ khác lập nên nhóm “Những người bạn”, vừa sáng tác vừa tổ chức Câu lạc bộ Nhạc sĩ nhằm giới thiệu các tác phẩm mới của các nhạc sĩ trẻ và giới thiệu các ca sĩ trẻ, mà về sau, từ nơi đây, nhiều ca sĩ đã thành danh như Hồng Nhung, Ánh Tuyết, Mỹ Tâm, Hồng Ngọc, Mỹ Lệ...

Dù bôn ba mọi nơi, làm nhiều việc, nhưng trong sâu thẳm, nhạc sĩ Từ Huy luôn nặng lòng với quê nhà đất Quảng. Điều này thể hiện rõ nhất trong ca khúc “Quê hương tuổi thơ tôi”: “Tôi xa quê hương, bao năm tháng qua, nhưng trong trái tim không bao giờ xa...”. Vài lần, anh cũng có ý định xây dựng thật hoành tráng Chương trình nhạc Phan Huỳnh Điểu ngay tại Đà Nẵng, nhưng do những trở ngại hành chính, anh chưa thực hiện được.

Anh Nguyễn Ngọc Thành - chủ Phòng trà ca nhạc Dòng thời gian Sài Gòn, vốn là người hoạt động âm nhạc lâu năm tại TP. Hồ Chí Minh và rất gắn bó thân thiết với cố nhạc sĩ Từ Huy cho biết: “Sắp đến, một đơn vị tài trợ đã đề nghị với gia đình Từ Huy tổ chức chương trình ca nhạc đặc biệt kỷ niệm về nhạc sĩ Từ Huy tại Nhà hát Trưng Vương. Do đó, chương trình diễn ra lần này tại Dòng thời gian chỉ là một hoạt động mang tính tưởng niệm của những người yêu mến Từ Huy tại quê hương xứ Quảng. Ngoài một số ca sĩ từ TP. Hồ Chí Minh như: Khắc Huy, Quỳnh Anh, My Phượng, Thanh Thảo, Phương Phương, Đình Nguyên, Giang Hồng Ngọc..., phần còn lại chương trình do anh em thân hữu Đà Nẵng chủ công”.

Tên gọi “Ngày tháng phiêu bồng” là chủ đề chương trình mà trước kia nhạc sĩ Từ Huy chuẩn bị thực hiện kỷ niệm sinh nhật của mình. Lần ấy, Nguyễn Ngọc Thành  và nhạc sĩ Từ Huy cùng mời mấy anh em nhạc công nữa đến bàn bạc về chương trình này, nhưng mấy ngày sau đó, Từ Huy lên Đà Lạt rồi đột ngột qua đời. Từ đó, trong liên tiếp 3 năm liền, anh Thành đều tham gia tổ chức chương trình ca nhạc tưởng niệm ngày mất nhạc sĩ Từ Huy và đề nghị đặt tên là “Ngày tháng phiêu bồng” như dự định của anh dang dở lúc sinh thời. “Trong năm thứ 4, tôi vướng mắc kế hoạch chuyển hoạt động về Đà Nẵng nên không tham gia được. Và lần này, “Ngày tháng phiêu bồng 5” tại Đà Nẵng, tất nhiên chúng ta sẽ nghe lại được nhiều bài hát viết về chính quê nhà tác giả như “Bình minh trên sông Hàn”, “Ngày ấy đâu rồi”...”. Anh Thành cho biết.

Nhạc sĩ Từ Huy, tên khai sinh là Tạ Từ Huy, sinh ngày 15-10-1944 (giấy khai sinh ghi 1948), quê ở Điện Bàn, Quảng Nam. Anh từng học Cao đẳng Mỹ thuật Huế, Đại học Văn khoa Sài Gòn, làm thơ, làm báo..., nhưng được biết đến nhiều như  một trong những gương mặt hàng đầu tạo nên diện mạo của nhạc trẻ Sài Gòn sau năm 75 với những ca khúc quen thuộc như: Ngày em đến, Một thoáng quê hương, Mong đợi ngậm ngùi, Quê hương tuổi thơ tôi, Hãy đàn lên, Ngày Tết quê em...

Ngày 6-9-2006, trong khi đang ở thành phố Đà Lạt, nhạc sĩ Từ Huy bất ngờ bị cơn sốt xuất huyết mạch máu não dẫn đến hôn mê sâu. Vài ngày sau (lúc 9 giờ 40 ngày 10-9-2006), nhạc sĩ Từ Huy qua đời để lại sự tiếc nuối với người thân, bạn bè, những người yêu nhạc trong cả nước... Suốt quá trình sáng tác, dù số lượng ca khúc Từ Huy không quá nhiều, nhưng rõ ràng những tác phẩm ấy đã trở thành một phần quan trọng của di sản âm nhạc đại chúng Việt Nam. Có những bài hát khiến người ta lạc quan, quên đi những khó khăn lúc giao thời mà xây dựng đất nước, có ca khúc khiến người nghe không cầm được nước mắt bởi những cảm xúc vô cùng thiết tha, sâu đậm...

 

TRẦN TRUNG SÁNG

;
.
.
.
.
.