.

Ấn tượng khó phai

.

Mỗi ngày trôi qua, những trang sổ ghi cảm tưởng cũng dày lên, và nhìn vào đó ta có thể hình dung về một Bảo tàng Đà Nẵng (BTĐN) đa chiều qua cảm nhận của khách tham quan.

Mô tả ảnh.
Việc tái hiện như thật các không gian xưa là một trong những yếu tố làm nên sức hút của BTĐN. TRONG ẢNH: Không gian nghề thuốc đông y. (Ảnh: V.T.L)

 

Bảo tàng quy mô giữa lòng thành phố

Ông Huỳnh Văn Hoa - Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan thành phố Đà Nẵng, ghi lại cảm xúc sau khi tham quan bảo tàng vào ngày 26-4-2011: “...Đây là nơi trưng bày các hình ảnh, hiện vật của Đà Nẵng và các tỉnh, thành bạn, là địa chỉ văn hóa, lịch sử có ý nghĩa nhiều mặt. Hy vọng rằng BTĐN sẽ là địa chỉ để qua đó không chỉ giới thiệu về lịch sử, về văn hóa, về con người mà quan trọng hơn là giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước”.

Larry Scotter, một du khách nước ngoài viết (bản dịch) ngày 2-8-2011: Những phần trưng bày thú vị và thông tin hấp dẫn về vùng đất Đà Nẵng, những câu chuyện buồn của chiến tranh nhưng hy vọng rằng Đà Nẵng và đất nước Việt Nam sẽ được sống trong hòa bình.

Có lẽ việc có được một bảo tàng đúng nghĩa và tương xứng với tầm vóc của Đà Nẵng không chỉ là mong muốn của riêng đội ngũ cán bộ làm công tác Bảo tồn - Bảo tàng, là niềm trăn trở của lãnh đạo thành phố mà còn là niềm mong mỏi của mỗi người dân và du khách đến với Đà Nẵng. Trong sổ ghi cảm tưởng, nhiều khách tham quan bày tỏ sự ngạc nhiên và những ấn tượng tốt đẹp về nội dung trưng bày của BTĐN. Thanh Trúc, một công dân Đà Nẵng: “Tôi thật sự xúc động với những góc trưng bày nơi đây. Xuyên suốt từ lịch sử đến hiện đại, Bảo tàng như sợi dây vô hình hay đúng hơn - như một nơi tái tạo tất cả...” (ngày 26-4-2011).

Phan Trần Anh Tuấn - Trường THCS Lê Hồng Phong, sau khi bày tỏ sự bất ngờ bởi giữa lòng thành phố ven sông lại có một khu vực yên tĩnh trong khuôn viên đẹp đến vậy, đã trải lòng lại trong sổ ghi cảm tưởng: “Toàn cảnh Bảo tàng thấp thoáng kiến trúc hiện đại mang tầm vóc thời đại, sự thích thú hiện rõ trên khuôn mặt từng em học sinh. Vào đến bên trong, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước lối trưng bày có bố cục khoa học theo chiều dài lịch sử và đặc biệt xúc động khi nhìn thấy những kỷ vật của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc...” (ngày 19-5-2011).

Nhiều thông điệp hơn đến với công chúng

Khách tham quan không chỉ hài lòng bởi nội dung trưng bày hấp dẫn của BTĐN mà còn bởi tác phong chuyên nghiệp và sự tận tình của đội ngũ cán bộ hướng dẫn tại đây.

Ngày 2-5-2011, cô Lê Thị Thu Hiền, giảng viên Khoa Sử Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, ghi: “Ấn tượng của tôi về cách bài trí, nội dung trưng bày rất tốt, hiện vật khá đa dạng, phong phú. Hướng dẫn viên nhanh nhẹn, hướng dẫn lưu loát, nhiệt tình, niềm nở”.

Đến Bảo tàng, du khách hiểu và trân trọng hơn về bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử đấu tranh cách mạng và sự vươn lên mạnh mẽ của vùng đất Đà Nẵng xinh đẹp: “Cảm ơn thành phố Đà Nẵng đã dành một không gian thật sự cho mình, cho các thế hệ đi sau để biết về từng chặng đường lịch sử của vùng đất này. Tôi cảm thấy lòng mình rưng rưng khi bắt gặp hình ảnh nhà Chồ bên Bạch Đằng Đông... ” (Mai Quang Hiển, ngày 2-5-2011).

Đặc biệt, có những dòng cảm xúc được các em học sinh, sinh viên - thế hệ tương lai của đất nước - ghi lại thật giản dị mà xúc động. Thanh Phương, học sinh lớp 5/1, Trường tiểu học Nguyễn Như Hạnh, ghi trong ngày 30-4-2011: “Những bức chân dung về các anh hùng đã thể hiện sâu sắc tinh thần yêu nước của những người con đất Việt. Chúng em sẽ luôn nhớ những hình ảnh mà chúng em cảm nhận được hôm nay về những tấm gương của lớp người đi trước giúp chúng em có được cuộc sống thanh bình ngày hôm nay”.

Với những ấn tượng tốt đẹp về BTĐN, khách tham quan đã đóng góp nhiều ý kiến đầy tâm huyết để Bảo tàng ngày càng hấp dẫn hơn, như ý kiến của ông Trần Sỹ Nghĩa, Công ty Tư vấn quốc tế IMSS Hà Nội, ghi lại trong sổ cảm tưởng như sau: (1) Phối hợp với Đoàn Thanh niên và Sở GDĐT đưa học sinh đến tham quan như một chương trình học tập lịch sử. (2) Biến Bảo tàng thành một điểm tham quan sống động hơn bằng cách tổ chức các trò chơi, sinh hoạt cộng đồng hoặc giới thiệu văn hóa dân tộc theo mô hình của Bảo tàng Dân tộc học Hà Nội đang làm. (3) Yêu cầu các đơn vị du lịch lữ hành đưa phần tham quan BTĐN vào các tour. (4) Để tiết kiệm điện mà vẫn dễ chịu cho khách tham quan nên có hệ thống quạt và làm thông thoáng khí trong phòng.

Từ những góp ý chân thành đó, BTĐN đã và đang tiếp tục thực hiện một số giải pháp để ngày một hoàn thiện hơn, đưa được nhiều thông điệp hơn đến với khách tham quan.

Dương Hà

;
.
.
.
.
.