.

Buổi sáng

Trời mưa. Trong ly cà-phê buổi sáng, có tin cơn bão đang hướng về quần đảo Hoàng Sa. Có cả những… bão lòng của hàng triệu người dân Việt hướng về phía gió. Và tấm lòng những viên đá góp dựng xây - bảo vệ đảo biển.

Sáng này, tôi ngồi cùng Phan Ngọc Minh, người họa sĩ vừa trở về sau hai tháng đi dự trại sáng tác quốc tế tại Vermont Studio Center (VSC), thuộc bang Vermont (Mỹ). Đây là chuyến đi dành cho một họa sĩ Việt Nam được giải thưởng hạng nhất của Hiệp hội Họa sĩ châu Á, qua sự tuyển chọn của một hội đồng giám khảo có uy tín. Không phải là đi chơi, mà là đi làm việc, làm việc cật lực. Vì màu cờ sắc áo, vì sự ủng hộ tinh thần và vật chất từ Hội An, Huế, Đà Nẵng.

Chuyện kể lan man qua nhiều việc, tất nhiên là có chuyện hội họa. Minh bảo, ta không thua Tây, về các vấn đề kỹ thuật trong nghề, nhưng rồi, lại lắc lắc cái đầu tóc bù xù, đưa ngón tay chỉ vào: mà thua cái này. Ideas? Phải rồi, ý tưởng. Vì sao vậy? Câu trả lời, tất nhiên là dài lắm, ở đây, chẳng dám lạm bàn. Nhưng, đó là sự thực. Mà, không phải chỉ trong lĩnh vực hội họa! Nói cho gọn, ấy là, cái tầm, về mặt văn hóa, và, về mặt bằng văn hóa.

Chuyện chuyển sang những chuyện đời thường, trong đó, lại cũng không thoát ra khỏi các bức tranh. Ấy là, trong chuyến công cán của một thượng nghị sĩ đến Vermonth, ông cùng đoàn có đến thăm trại sáng tác. Một họa sĩ Việt Nam và một họa sĩ người Anh (trong khoảng tất cả hơn 60 họa sĩ tham dự trại) được mời dự gặp mặt. Một nữ quan chức  trong đoàn khách mua một bức tranh của Phan Ngọc Minh. Khi anh đã chuẩn bị trao tác phẩm, thì nhận được thư của người mua, thông báo là: Không thể thực hiện việc mua bán này. Lý do, đơn giản là: Đang đi làm việc nhà nước, không được phép làm việc riêng. Vậy là họa sĩ phải mang bức tranh về nước, rồi, sẽ chuyển đến người mua, qua đường bưu điện. Tiền, sẽ chuyển qua tài khoản của tác giả.

Sao mà phiền toái, rắc rối đến thế, nhất là ở một xứ sở vẫn tự hào là giải quyết công việc rất nhanh chóng? Chuyện mua – bán tranh, là công khai, sòng phẳng mà, có ai ép ai đâu? Mới nhìn qua, thì thấy “thủ tục thanh toán” có vẻ “hình thức” quá, phải không? Vậy mà, phải như vậy. Để làm chi? Ai cũng biết ngay, là, để ngăn chặn khả năng hối mại quyền thế, vốn là cái mầm của mọi tệ nạn tham nhũng, hối lộ, móc ngoặc… Mà, ngăn chặn bằng những quy định rõ ràng, có ghi trên giấy cả đấy. Chuyện, thật là… chẳng đáng chi, làm gì mà ghê gớm thế. Vậy, mà không phải vậy. Bởi, làm gì có “chuyện lớn”, nếu không có “chuyện nhỏ”? Không diệt từ trong… trứng, thì, một trong những cái “gốc rễ” của nhân loại là lòng tham, ngay lập tức, sẽ… phình ra liền. Ai mà chả biết như thế. Phải rồi, ai mà chả… Nhưng mà, có ai có thể làm được điều gì, để ngăn chặn những cái mầm xấu kia không? Cũng lại không dám… phiếm bàn, xin… “để phần” (nói theo phương ngữ khu vực Trung bộ) cho những người có trọng trách.

Ly cà-phê bỗng nhiên đắng hơn.
 
Đài báo, gió sẽ vào gần đất liền, khoảng mươi giờ nữa.

Bàn bên cạnh, có người kể về đêm hát của cô Lê Cát Trọng Lý, tại Nhà hát Trưng Vương vừa qua, trong ca từ của một bài nhạc do chính cô sáng tác, đại ý: những anh chị em của tôi có nhiều tiền, và không có gì nữa cả…

Trời mưa lâu quá. Lướt thướt, lậm thậm, lào thào…

Nguyễn Đông Nhật
;
.
.
.
.
.