.

Khổ vì dột

.

Mùa mưa, từ nhà cấp 4, đến nhà xây kiên cố; từ công trình mới đến công trình cũ, vô số nơi phải hứng chịu cảnh thấm dột chỉ sau vài  đợt mưa tầm tã. Nơi biết lo xa đã cẩn thận chống thấm từ mùa hè. Nơi đợi mưa tới mới tất bật kê xô hứng nước, gia cố mái tôn, quét sơn chống thấm… Nhưng chống cứ chống, mà thấm vẫn thấm.

Mô tả ảnh.
Công nhân thi công chống thấm ở công trình đang xây dựng (Khách sạn Mercue- khu biệt thự Đảo Xanh).

 

Chỗ nào cũng thấm dột

Cũng như nhiều người ở trọ thuộc khu Đa Phước 2, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Nguyễn Thị Ly và Trần Huyền Trang, công nhân Công ty Mabuchi đều bị mưa “hành” tơi tả. Mấy trận mưa vừa rồi đã làm thấm ướt gần hết những gì có trong phòng. Cửa đóng cả ngày, mùi ẩm mốc cộng với hơi nước đọng tù túng chỉ chực xộc lên mũi lúc họ vừa mở cửa ra khi đi làm về. Nhiều khu trọ khác trong khu vực này cũng không khá hơn do tôn lợp lâu ngày xuống cấp, mà chủ nhà vẫn không thiết tha sửa chữa, chỉ ậm ờ qua chuyện khi nghe người thuê trọ phản ánh.

Tưởng chỉ có nhà thuê với kết cấu tạm bợ mới chịu ảnh hưởng của mưa gió, song, nhiều nhà ở xây kiên cố, thậm chí mới xây cũng bị thấm dột. Anh Nguyễn Văn Bình, trú tổ 41 An Thành, An Hải Đông, quận Sơn Trà cho biết, vừa đưa vào sử dụng không bao lâu, căn nhà của anh đã bị thấm nặng từ dầm, nước chảy ròng ròng xuống sàn do anh không chú tâm chống thấm từ trước. Anh là một trong số rất nhiều khách hàng đã tìm đến Công ty TNHH MTV Sơn và chống thấm Sika Sumo để được tư vấn. Chị Lưu Thị Tường Vy, Phòng Kinh doanh công ty trên nói rằng, sau những đợt mưa lớn, nhu cầu tư vấn chống thấm nhà ở của người dân rất lớn. Có một điểm chung: Những nơi bị thấm nặng nhất là toilet, trần nhà, tường mặt ngoài.

Ở các công trình lớn, chuyện thấm dột lại càng là đề tài nóng mỗi mùa mưa đến. Xây dựng cách đây gần 30 năm, chợ Cồn xuống cấp khá nặng, gây nên cảnh thấm dột ở nhiều khu vực.

Bà Trần Thị Thúy, chủ hàng vải số 44  phải mang gần 40% số vải bị thấm ướt về nhà, chờ trời nắng mới phơi. “Từ dưới thấm lên, từ trên thấm xuống, từ ngoài tạt vào cả mấy ngày mưa. Tôi rờ tay xuống sàn nhà - phía dưới các cây vải - thì có cảm giác như sàn nhà mục rữa hết rồi”, bà nói. Phía trên, dãy nhà làm việc của Ban quản lý chợ Cồn (BQLCC) cũng là chỗ nước tụ. Một người trong  BQLCC nói vui: “Nhiều khi ngồi làm việc mà nước dột sau lưng. Chỗ nào dột thì xê bàn ghế tới chỗ không dột”.

Chống rồi vẫn thấm

Không đợi tới mùa mưa, mà ngay từ khi trời còn nắng oi ả, nhiều công trình đã được thi công chống thấm, song, tình hình vẫn không được cải thiện triệt để.

Từ tháng 3, tháng 4, bà con khu chung cư Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) có tuổi thọ khoảng 10 năm đã lo chống thấm, chống dột. Nước từ bể chứa cùng nước mưa theo đường ống nước bị hỏng thi nhau chảy xuống mấy tầng dưới. Chị Nguyễn Thị Kim Thanh, Tổ phó Tổ 31 của chung cư cho biết, dù bà con góp kinh phí lại trám chỗ bể, láng lòng hồ, nước không còn chảy lênh láng, ướt hết mùng mền chiếu gối như mấy năm trước, nhưng cũng chỉ giảm được phân nửa số phòng bị thấm. Đa số hộ dân ở đây dù không khá giả gì, vẫn đóng góp kẻ ít người nhiều vào quỹ duy tu, bảo dưỡng, khi thì trám chỗ này, chữa thấm dột chỗ kia. Mỗi năm, cả mặt tường sau khu chung cư lại được quét vôi chống thấm một lần, khi màu lam, lúc xanh lá cây, xanh da trời… Những lớp vôi trôi đi, những vệt tường nham nhở, meo mốc vì bị thấm mưa lại lộ ra.

Ở chợ Cồn, mỗi năm hơn trăm triệu đồng được bỏ ra để chống thấm dột, nhưng bà con vẫn kêu trời. “Sàn nhà làm theo kiểu lắp ghép nên khi lớp vữa phía trên bung ra, nước thấm qua kẽ gây nứt chân chim”, anh Trần Thái Bình, Tổ trưởng Tổ duy tu của BQLCC  phân tích. Đơn vị thi công phải cán một lớp vữa mới tạo độ dốc để nước mưa có thể chảy được mới không gây thấm. Ở các khu vực chóp mái, họ lắp ráp giàn khung sắt, bắn tôn chống mưa tạt. Anh chỉ vào hàng trụ chịu lực ướt đầm nước và mốc meo nhiều chỗ: “Ống xối xây chìm trong trụ lâu ngày bị hư mục, thấm hết nước ra trụ và thấm thẳng xuống hàng vải, nhưng chúng tôi không thể phá vỡ kết cấu để làm lại vì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ công trình, rất nguy hiểm”. Để đối phó tình thế, nhiều tiểu thương phải lấy giẻ lau lót thành nhiều lớp dưới sàn để thấm nước. Rồi vắt, rồi thấm. Rồi lau, rồi vắt!

Không thể chống thấm vá víu

Theo chị Tường Vy, nguyên nhân tiêu biểu nhất của việc thấm dột tràn làn là do nhà nứt, bê-tông xấu nên công trình mau xuống cấp, dễ bị thấm ướt. “Nhà dân thường bị thấm nhiều hơn cả, vì khi xây nhà, có thể chi phí phát sinh cao nên người ta không chú trọng tới việc chống thấm”, chị Vy nói. Cùng sự biến đổi của khí hậu với những cơn mưa lớn kéo dài xuất hiện ngày càng nhiều, nhu cầu chống thấm, dột ở nhà dân cũng như các công trình ngày càng lớn. Tuy nhiên, ở Đà Nẵng, những công ty chống thấm chuyên nghiệp không nhiều, mà chủ yếu là các đơn vị thi công xây dựng “bao” luôn việc chống thấm dựa trên kinh nghiệm.

Theo anh Nguyễn Hữu Lập, một thầu xây dựng thuộc Công ty TNHH Đặng Nguyễn Tăng, việc chống thấm còn vất vả hơn cả xây nhà, nếu không được thực hiện đồng bộ ngay trong quá trình xây dựng. Nếu chống thấm vá víu, phải đợi vài trận mưa thiệt lớn mới biết được cần trám, bịt lại chỗ nào. Những đội chống thấm chuyên nghiệp thường tìm ra nguyên nhân, làm cho bề mặt trở về nguyên trạng, rồi mới xử lý theo quy trình chống thấm. Đối với những nhà nứt, thấm quá nhiều, đội thi công phải trả lại cho chủ nhà để gia cố kết cấu, trước khi thực hiện công đoạn sơn chống thấm.

Theo kinh nghiệm, khi chống thấm, anh Lập cho công nhân lăn kiềm (một hóa chất chống thấm) lên tường, trần… với chi phí khoảng 1,2 triệu đồng cho 20m2, bao gồm cả vật liệu và nhân công. “Với loại này, tường nhà sẽ bảo đảm không ướt thấm trong khoảng 3 năm, được xem là bền hơn so với các loại như xi-măng hay bột trét tường”, anh Lập chia sẻ.

Đối với loại phụ gia chống thấm sika mà đội thi công Công ty TNHH MTV sơn và chống thấm Sika Sumo hay dùng, các công nhân thường căn cứ vào mức độ thấm, vị trí thấm để đưa ra mức giá phù hợp cho từng hạng mục như tường, toilet, trần, khu để xe… Mỗi sản phẩm sika có một chức năng chống thấm riêng, có thể kết hợp với nhau hoặc kết hợp với xi-măng để chống thấm, trong đó, loại sika rẻ nhất dùng cho sàn nhà để xe có giá khoảng 25 nghìn đồng cho 1m2 (chưa tính nhân công).

Xây dựng công trình nằm trong vùng bị ảnh hưởng nhiều bởi mưa bão, các nhà đầu tư các dự án lớn như Intercontinental Resort & Spa, Vina Capital, Hyatt Regency Resort… đều lo chống thấm sàn, mái, bồn hoa, tầng hầm… từ khi bắt tay vào xây dựng. Khi thi công chống thấm ở những công trình quy mô như vậy, thường Công ty Sika Sumo phải huy động khoảng 30-40 nhân công và bảo đảm độ bền trong khoảng từ 5-10 năm.

“Quan trọng nhất là người dân khi xây nhà phải chú trọng đến việc chống thấm. Nếu đợi bị thấm rồi mới tìm cách sửa thì hiệu quả không cao, công trình sẽ mau xuống cấp”, chị Vy tư vấn.

Hằng Vang

;
.
.
.
.
.