Năm 1987, NXB Đà Nẵng in tập truyện Rừng trụi của tôi. In số lượng lớn, nhưng giấy rất xấu, nhòe nhoẹt. Uất đến phát khóc, tôi đến NXB để gặp các anh lãnh đạo đề nghị in lại. Một biên tập viên mới toanh, mặt non choẹt người mảnh khảnh dáng thư sinh ra tiếp tôi. Tôi trút ra một tràng bực tức. Người biên tập viên nhẫn nại, điềm tĩnh lắng nghe, vẻ thông cảm với những bực tức của tôi, làm tôi dịu đi phần nào. Người biên tập viên đó là nhà thơ Nguyễn Kim Huy (NKH) sau này.
Từ đó tôi và Huy hay gặp gỡ nhau. Có điều, tôi không hề nghe Huy nói có ý định sáng tác văn học dù biết anh đã từng học Ngữ văn ở Đại học Sư phạm Quy Nhơn, tốt nghiệp loại xuất sắc, được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Không ngờ, vào cuối năm 1989, một hôm, NKH ngần ngại nói với tôi:
- Em có làm bài thơ, anh xem thử, có gì anh góp ý cho em sửa chữa.
Đó là bài Điều gì muốn nói. Bài thơ có tứ hay, câu hay và cả bài rất hoàn chỉnh. Tôi đưa bài thơ ấy vào in tạp chí Đất Quảng…
Từ đó, thơ NKH xuất hiện trên các báo, tạp chí Đất Quảng, Quảng Nam Đà Nẵng, Sông Hương, Tiền Phong, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Văn Nghệ, Văn nghệ Trẻ…, được tạp chí Đất Quảng và báo Tiền Phong trao giải. NKH vẫn khiêm tốn lặng lẽ viết. Năm 1995, anh cho xuất bản tập thơ đầu tay Thơ từ yên lặng. Năm 2004, tập thơ thứ hai Nỗi lan tỏa của ngày được xuất bản. Cả hai tập thơ đều đoạt giải thưởng của UBND tỉnh QN – ĐN rồi TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam. NKH được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2004 ngay sau khi xuất bản tập thơ thứ hai, cũng là một trường hợp ít có trong giai đoạn đó.
NKH làm thơ về nhiều đề tài, nhưng có lẽ chủ yếu tập trung vào ba đề tài chính: Tình yêu, quê hương, gia đình và văn học nghệ thuật. Dù viết về đề tài nào thơ NKH cũng hiện lên “Nỗi buồn tinh khiết, nỗi buồn dịu êm” như trong một bài thơ anh đã viết. Nỗi buồn của Huy, đọc kỹ lại thấy có gì đó sâu lắng, khắc khoải như nỗi mong chờ, như ước vọng khôn nguôi.
Khắc khoải vì những nỗi chờ mong kiếm tìm vô hình vô vọng: “… Và từ đó bắt đầu một nỗi chờ mong/ Bắt đầu một cuộc đuổi bắt kiếm tìm/ Chạy theo hình xoắn ốc” (Gió xoáy).
Khắc khoải vì nỗi đan xen giữa hy vọng và tuyệt vọng trong tình yêu, nỗi khắc khoải không thể nói thành lời nhưng vẫn hướng về cái đẹp: “Đêm qua bầu trời có khóc không/ Mà sáng dậy nước mắt ướt đẫm ngọn cỏ/ Và ban mai ơi, có điều gì muốn nói/Mà lặng lẽ lau những giọt nước mắt đêm?”(Điều gì muốn nói).
Anh khắc khoải khi nghĩ về vũ trụ bao la mà con người nhỏ bé, tình yêu còn nhỏ bé biết bao nhiêu: “Mỗi lần đứng giữa đêm, ngước nhìn bầu trời sao lồng lộng giăng tỏa sáng màn trời, lòng anh lại khắc khoải nỗi đớn đau về một thế giới có thể lắm đang tồn tại tận phía ngút ngàn những vì sao...” (Không đề).
Tình yêu trong thơ anh có đủ mọi trạng thái: nhớ thương, trách cứ, giận hờn, buồn đau và ám ảnh khôn nguôi. Những bài thơ Điều gì muốn nói, Những trái quả đời mình, Chuyện kể của Mặt trời và Mặt trăng, Gió xoáy, Những que diêm trong đời người đàn bà… là những bài thơ hay của anh trong đề tài này.
NKH sinh ra ở một vùng quê nghèo, nhiều đồi núi lòi còi sim mua - xã Tam Mỹ, Núi Thành, Quảng Nam - để anh ví tâm hồn mình như “hoa dẻ hoa mua”. Và lớn lên, anh ở thành phố với “Em, đôi mắt tròn xoe giữa bốn bề phố xá/ Đường đầy bụi, những con đường tất tả/ Những người quen hóa lạ ở nơi này” (Tâm hồn anh hoa dẻ hoa mua). Vì thế, anh luôn buồn nhớ, mong ngóng về “vùng núi non xa lắc”. Khi bồng con nhìn cơn mưa tháng Mười, lòng anh khắc khoải thương mẹ già một mình vất vả với ruộng lúa vồng khoai nơi quê nhà (Mưa tháng Mười). Và anh thấy suốt cuộc đời của mẹ “mặt quay về phía nào cũng gió”: “Gió xót như chạm cây tầm ma/ Gió bỏng thịt da như đốt/ Gió ngột như vừa rời ra từ phía mặt trời/ Thổi vào cõi thế…” (Phía nào cũng gió). Bài thơ Phía nào cũng gió là bài thơ xuất sắc của NKH từ tứ thơ, lời thơ đến sự xúc động khôn cùng của lòng con yêu mẹ.
Dù viết về đề tài nào, người mẹ, người chị, người vợ thân yêu, hay những cuộc đời thường mà anh gặp… cái nỗi niềm, tâm trạng khắc khoải buồn thương cũng bao trùm lên thơ NKH. Điều đó tạo cho thơ NKH có một nét cảm riêng, một giọng riêng. NKH còn rất chú ý đến việc cấu tứ thơ để nâng cao chủ đề bài thơ. Thơ anh tinh tế, chắt lọc, có chiều sâu, có vẻ “Tây” nhưng lại không viết như thơ dịch ở một số người. Thơ anh vẫn giữ phong vị phương Đông với đôi nét chấm phá, gợi mở chứ không triết lý suông dù anh đọc thơ phương Tây rất nhiều. Anh viết những điều anh cảm nghĩ một cách chân thành và người đọc tin anh, cảm thông với anh chính là nhờ sự chân thành ấy.
Văn của NKH là văn của một nhà thơ. Anh cấu tứ truyện và tản văn như cấu tứ một bài thơ với ngôn ngữ cô đọng, giàu hình ảnh như thơ và đoạn kết bao giờ cũng là chỗ gây bất ngờ, tạo nên sự cuốn hút, sức gợi mở và lan tỏa cho người đọc như thơ vậy.
Tập truyện và tản văn Mắt phố là thế giới hoài niệm của Huy về tuổi nhỏ (Tôi đi học, Triền sông thơ ấu, Ma đồng bộng…); về tình yêu, quê hương và người thân ở quê nhà (Mối tình đầu, Những người muôn năm cũ, Mây bay về phía Hòn Rơm, Xóm nhỏ trong vòng tay sông Trầu…). Mảng viết về cuộc sống đời thường hiện nay cũng đậm chất hoài niệm hoặc nhờ hoài niệm cùng thực tế hiện tại mà tạo nên (Chất xúc tác, Con bò, Người nổi tiếng, Mắt phố trong veo, Mảng trời xanh lấp lánh, Thật là lãng mạn…).
Có thể thấy truyện và tản văn của NKH giản dị, chân thành, giàu cảm xúc. Anh đã mang đến cho độc giả một tập truyện và tản văn giàu chất thơ. Và cũng như thơ Huy, phần nhiều truyện và tản văn của Huy trong tập này cũng mang một nỗi buồn man mác, cái buồn khi nhớ lại những kỷ niệm một thời tuổi thơ đã xa, xa thăm thẳm. Trong Mắt phố, NKH đưa được vào truyện và tản văn của mình chất hóm hỉnh hài hước, gây nên sự hứng thú cho người đọc, làm cho họ dễ tiếp nhận. Đây cũng là một nét riêng của văn NKH.
NKH còn trẻ, còn có điều kiện để đi lại nhiều nơi, đi và viết. Chắc chắn thơ, văn NKH sẽ càng thêm phong phú về đề tài và những vấn đề nóng hổi của cuộc sống. Với vốn văn hóa của anh, tay nghề vững chãi của anh, chúng ta tin anh đang nung nấu những tác phẩm mới đầy hứa hẹn cả thơ lẫn văn.
Đà Nẵng, tháng 9-2011
Thanh Quế