.

Tiền thưởng và chuyên nghiệp

.
Đang rộ lên chuyện một ông bầu có máu mặt treo thưởng đội tuyển Việt Nam thi đấu ở SEA Games sắp tới khoản tiền nửa triệu đô-la nếu giành chức vô địch.
 
Mô tả ảnh.
Tiền thưởng có làm thể thao Việt Nam đi lên? (Ảnh tư liệu)
 
Nhiều người khao khát chiến công sân cỏ tỏ ra hào hứng với nghĩa cử này của nhà doanh nghiệp vốn được tiếng máu mê bóng đá và hiểu rõ sức mạnh của đồng tiền trong môi trường bóng đá Việt Nam. Tuy vậy, không ít người cảm thấy dị ứng, khó chịu trước chuyện kích thích cầu thủ bằng đồng tiền, nhất là trong một vận hội đo lường sức mạnh thể thao, tinh thần thượng võ và giá trị phụng sự cho màu cờ sắc áo ở tầm mức quốc gia.

Những người dị ứng với việc đem đồng tiền ra động viên tuyển thủ cho rằng kích thích kiểu ấy làm giảm giá trị sức cống hiến của cả nền bóng đá và làm tổn thương khát vọng chân chính và tình cảm của hàng triệu người vốn dành cho các đội tuyển quốc gia. Họ cho rằng bù đắp, tưởng thưởng thích đáng công sức, tài nghệ tuyển thủ là chuyện phải làm của xã hội, người hâm mộ không hề dè xẻn tình cảm, sự ngưỡng mộ và vật chất dành cho những người mang niềm vui sướng, lòng tự hào đến với họ.
 
Nhưng đó là câu chuyện của ngày khải hoàn chứ không phải là cách “ra giá” của các bậc cha mẹ trước lúc đứa con lên đường ứng thí. Ra giá như thế chẳng khác nào tự hiểu rằng nếu không có tiền thưởng thì cầu thủ sẽ khó mà cống hiến hết sức trên đấu trường, đội tuyển khó mà đạt thành quả cao nhất. Đừng quên bên cạnh những cầu thủ sáng mắt với các khoản tiền thưởng vẫn có không ít tuyển thủ coi trọng phẩm giá, thi đấu với sự tự trọng nghề nghiệp và vì niềm tin của người hâm mộ. Họ có thể vui vẻ đón nhận các phần thưởng theo cách xã hội ghi nhận sức đóng góp của họ cho nền thể thao nước nhà chứ không hề hào hứng, thậm chí cảm thấy tổn thương, nếu ai đó sử dụng đồng tiền làm… củ cà rốt lạnh lùng.

Có lần trong một trận cầu đinh trên sân Chi Lăng Đà Nẵng cách đây hơn 30 năm, lúc chưa có khán đài và khán giả đứng sát đường biên ngang, xúc động trước một pha cứu thua xuất thần của chàng trung vệ nổi tiếng của đội nhà, một cụ già đã chạy ùa vào sân nhét vội vào tay cầu thủ này một mớ giấy bạc. Sự  việc diễn ra bất ngờ, chàng trung vệ đội trưởng loay hoay không biết xử trí thế nào, đành cúi xuống nhét vội mớ tiền vào chân vớ để tiếp tục thi đấu. Hình ảnh không đẹp ấy đã gây bức xúc cho hàng ngàn người có mặt trên sân, báo hại nhiều ngày sau đó chàng cầu thủ ngôi sao của đất Quảng một thời phải ra sức thanh minh. Tình cảm của khán giả kia hồn nhiên chân chất nhưng cách thức khen thưởng của ông cụ dành cho cầu thủ thì thô thiển đến phản cảm.

Hơn 30 năm sau những ngày bóng đá sơ khai ấy, lẽ nào vẫn còn xuất hiện trên đấu trường chuyên nghiệp những khán giả không chuyên như cụ già kia trên sân bóng mới hồi sinh?

Đình Xê
;
.
.
.
.
.