.

Trung Quốc: “Chóng mặt” với đô thị hóa

.
Cuộc điều tra dân số hồi tháng tư vừa qua cho thấy 49,7% trên tổng số 1,34 tỷ dân Trung Quốc sống ở các thành phố. So với thời điểm ba năm sau khi Trung Quốc tiến hành cải cách kinh tế (năm 1982) thì tỷ lệ này tăng gấp 5 lần. Tốc độ đô thị hóa của Trung Quốc trong 3 thập niên qua bằng 4-5 thập niên ở Nhật Bản và Hàn Quốc, bằng 100 năm ở phương Tây.

Mô tả ảnh.
Một công trình xây dựng ở Quý Dương.
 
“Đó không chỉ là bất thường mà chưa từng thấy bao giờ trên thế giới”, giáo sư Paul James của Viện thành phố toàn cầu thuộc Đại học RMIT nói. Chính phủ Trung Quốc quyết tâm nâng cao mức sống và thúc đẩy phát triển những khu vực nghèo ở miền Trung và miền Tây trong 5 năm tới. Ở Quý Dương, người ta đang chứng kiến những sườn đồi, những ruộng bậc thang trồng lúa và bắp dần dần biến mất để nhường chỗ cho những con đường thảm nhựa và những tòa nhà cao bằng bê-tông và gương. Tốc độ thay đổi quá nhanh làm cho người dân “chóng mặt” với môi trường xung quanh. Nhiều người không còn nhận ra những nét đặc trưng của quê hương mình nữa.

Một cuộc nghiên cứu cho biết trước năm 2025 sẽ có khoảng 350 triệu người (nhiều hơn dân số nước Mỹ) di cư tới các thành phố. Thêm 5 năm nữa, số lượng dân số tại các thành phố đạt mức 1 tỷ người, có 221 thành phố có hơn 1 triệu dân/thành phố, số lượng nhà chọc trời sẽ gấp 10 lần New York. Mức độ ảnh hưởng sẽ được cả... thế giới cảm nhận như giá cả hàng hóa tăng cao, hiệu ứng nhà kính thêm mạnh hơn.

Đô thị hóa đang gây “nhức đầu” không ít cho người dân và Chính phủ Trung Quốc. Hằng năm có từ 2,5 tới 3 triệu nông dân bị mất đất nhưng không được đền bù thỏa đáng. Bán đất trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều chính quyền địa phương nên dễ dẫn tới tham nhũng. Thời gian gần đây, người dân nhiều nơi đã phản ứng mạnh mẽ tình trạng tham nhũng của các quan chức địa phương. Có sự mất cân đối trong phân chia đất khi có tới 50% các khu vực đô thị mới trở thành các khu công nghiệp. Trong khi đó, khu vực dành cho dân cư chỉ là 20-30%, con số quá thấp so với 50-70% ở các nước khác.

Phần lớn người dân Trung Quốc ủng hộ chiến lược phát triển kinh tế của Chính phủ nhưng vẫn có không ít hoài nghi về tính hiệu quả trong nhiều thập niên tới. Nền văn hóa Trung Hoa lâu đời có nguy cơ bị tiêu diệt bởi sự tấp nập của cuộc sống đô thị mới. Nỗi lo lớn khác là tiêu chuẩn xây dựng đã bị bỏ quên. 270 người bị thương trong vụ tai nạn tàu điện ngầm ở Thượng Hải. Báo chí Trung Quốc loan tin đường cao tốc trị giá 800 triệu bảng ở Cam Túc phải dừng lưu thông để sửa chữa chỉ sau 80 ngày khánh thành.

Anh Thư
;
.
.
.
.
.