.

Cô giáo con tôi

.
Giáo viên tiểu học giờ phần lớn là cô giáo. Vì thế những bà mẹ trẻ như tôi dễ có được mối đồng cảm, gần gũi. Chính do sự đồng cảm tự nhiên ấy mà khi nghĩ về cô giáo dạy con tôi ở lớp Một - lớp được xem là quan trọng bậc nhất trên con đường học vấn của mỗi đời người, tôi thường liên tưởng đến câu hát hầu như ai cũng có thể thuộc lòng: “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo / Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền / Cô và mẹ là hai cô giáo / Mẹ và cô ấy hai mẹ hiền”...

Mô tả ảnh.
Cô và  trò Trường THCS Kim Đồng ( Đà Nẵng ) trong ngày 20-11. Ảnh:THANH LỘC
 
Liên tưởng và tự cảm thấy mình khó mà đảm đương nổi chức trách của một cô-giáo-ở-nhà, bởi sau rất nhiều tự ái - và cả khổ tâm nữa, tôi đành công nhận con trai tôi nói có lý: “Mẹ ơi, mẹ dạy không hay bằng cô con”, hoặc: “Mẹ ơi, mẹ dạy khó hiểu hơn cô con”, thậm chí: “Mẹ ơi, mẹ dạy không giống như cô con”. Trời đất, không giống nghĩa là… không đúng còn gì!  

Từ kinh nghiệm bản thân, tôi nghĩ ở nhà các bà mẹ không nên làm cô giáo - được hiểu là không nên vào vai người hành nghề dạy học, mà cụ thể ở đây là dạy con học toán học tiếng... Đã nói hành nghề thì phải mang tính chuyên nghiệp, phải được học hành đào tạo bài bản hẳn hoi, phải có tay nghề thuần thục: khi nào thì truyền đạt kiến thức mới, khi nào thì ôn luyện kiến thức cũ; lúc nào cần tận tình giảng giải, lúc nào cần chăm chú lắng nghe… tất, tất cả đều phải được cân nhắc tính toán sao cho phù hợp với cả lớp và với từng người học. Trong khi đó không phải bà mẹ nào cũng có đủ khả năng sư phạm tối thiểu ấy để làm cô giáo, nhất là không phải bà mẹ nào - kể cả một số bà mẹ từng hoặc đang là cô giáo chính hiệu - cũng có thể kiềm chế được những cơn nóng giận khi trực tiếp dạy con mình.

Tôi có người bạn gái là giáo viên tiểu học ở trường rất dịu dàng điềm tĩnh dạy bao nhiêu con thiên hạ nhưng lại là một bà mẹ lúc nào cũng sẵn sàng nộ khí xung thiên khi dạy cậu quý tử ở nhà. Tôi bảo bạn tôi với giọng nửa đùa nửa thật: “Hèn gì người ta hạn chế việc các bác sĩ phẫu thuật trực tiếp cầm dao mổ cho người thân”.    

Tất nhiên nếu hiểu giáo dục là quá trình hình thành nhân cách cho trẻ thì người mẹ cũng có thể được xem là cô giáo đầu đời của con mình. Chẳng hạn lòng kính yêu cô giáo ở trẻ thơ - nhân tố tạo nên truyền thống tôn sư trọng đạo - hầu như phụ thuộc vào cách ứng xử của bản thân các bà mẹ đối với người có công dạy dỗ con mình và cả người từng có công dạy dỗ chính mình. Thế nhưng trong thực tế nhiều khi do sơ ý bất cẩn, không ít bà mẹ đã vô tình làm vẩn đục lòng kính yêu hồn nhiên ấy của trẻ thơ. Rõ ràng các bà mẹ khó đảm đương vai trò cô-giáo-ở-nhà không chỉ trên bình diện dạy chữ có thể là sở đoản mà cả trên lĩnh vực dạy người vốn được xem là sở trường nữa. Càng nghĩ tôi càng thấy cảm phục và biết ơn những người làm nghề dạy học - mà trước hết là cô giáo dạy con tôi ở  lớp Một.

Có thể do bản tính tôi hay cả nghĩ, cứ sợ nhỡ có điều gì sơ suất thất lễ với cô giáo trước mặt con, nên thường tôi chỉ dám chuyện trò trao đổi cùng cô qua điện thoại, đến mức từ đầu năm học cô vẫn nhầm tưởng em gái tôi hay đến cổng trường đón cháu là mẹ của học trò mình. Cho đến một hôm khi cô gọi điện báo tin con tôi bị sốt cao, tôi đến tận cửa lớp đón cháu để đưa vào bệnh viện thì đấy mới là lần đầu tiên hai “mẹ hiền” chúng tôi gặp nhau. Cuộc gặp mặt trong hoàn cảnh này dĩ nhiên rất chớp nhoáng, tôi chưa kịp nói gì với cô giáo ngoài mấy câu chào hỏi vội vàng, nhưng nhìn vào mắt cô giáo tôi biết cô cũng đang lo lắng chẳng kém gì tôi.

Và rồi sau đó tôi lại tiếp tục cùng cô trao đổi chuyện trò qua điện thoại, kể cả lúc muốn trực tiếp gặp cô cảm ơn về chuyện cô đã dạy cho con tôi làm được một việc hết sức bất ngờ đối với cả nhà: cháu tự mình đến thư viện đăng ký dự thi đấu cờ vua ở trường, dẫu rằng trước đó cháu chưa từng biết chơi cờ vua. Lòng tự tin và thái độ dạn dĩ ấy ở con trai tôi từ đâu mà có nếu không phải là từ sự dày công chăm chút hằng ngày của cô... 

Những ngày cuối năm học, con trai tôi tỏ ra rất căng thẳng. Một hôm cháu thủ thỉ với tôi: “Mẹ ơi, mẹ nói con tên Nguyên nghĩa là đứng đầu, nhưng năm nay chắc là con không đứng đầu được, mà… đứng nhì cũng không biết có được không nữa”. Nghe vậy tôi liền trấn an: “Mẹ theo dõi con học cả năm, thấy rõ con có nhiều tiến bộ, mẹ nghĩ rằng con học giỏi, thế là đủ rồi, còn con xếp thứ mấy không quan trọng lắm đâu, con đừng nên quá bận tâm”. Tôi không thuộc số những bà mẹ trẻ có tư duy giáo dục hiện đại chỉ muốn biết hôm nay đi học con mình đã hỏi cô giáo được mấy câu; nói khác đi tôi vẫn thuộc số những bà mẹ trẻ theo tư duy giáo dục cổ truyền chỉ muốn biết hôm nay đến trường con mình đã được cô giáo cho mấy điểm.

Có điều tôi rất lo là con mình được điểm 9 điểm 10, được xếp thứ nhất thứ nhì không đúng, thậm chí quá cao so với sức học thật sự vốn có của cháu. Vì thế tôi rất có ý thức khi cố giữ khoảng cách với cô giáo dạy con tôi vừa đủ chỗ cho lòng kính trọng và biết ơn bình thường của mọi mẹ-hiền-ở-nhà dành cho mẹ-hiền-ở-trường. Điều đó cũng có nghĩa là tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự công tâm không thiên vị của cô giáo trong việc đánh giá học trò. Tôi luôn nghĩ niềm tin ấy là có cơ sở và khi nghe con trai tôi gọi điện báo tin: “Mẹ ơi, cô vừa bảo con đứng nhì và được lĩnh phần thưởng của trường đó mẹ”, tôi mừng đến trào nước mắt mà không hề có chút ngạc nhiên, bởi cô giáo của con tôi đúng là một người hết mực công tâm như vậy.

Lê Thị Mỹ Hạnh (*)

(*) Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng.
;
.
.
.
.
.