.

Có phải Đỗ Chu là thi sĩ?

.
Đỗ Chu vốn không phải thi sĩ. Từ khi 18 tuổi ông đã viết   “Ao làng,” sau là “Hương cỏ mật”, truyện ngắn nổi tiếng, làm ngay tới “đám anh chị” như Nguyễn Khải và Nguyễn Minh Châu phải giật mình.

Căn cốt văn xuôi Đỗ Chu luôn có phấn. Có người nhận xét từ những câu chuyện của ông, ví Văn Chu như loài gỗ, có loại như đinh, lim, sến, táu làm đủ vật dụng trên đời, có loại gỗ xôm xốp chả thể làm nhà, đóng đồ, nhưng lại tỏa ra mùi hương quyến rũ người ta ngây ngất - Văn Đỗ Chu thuộc loài cây thứ hai, cái lõi mềm, vỏ thì sực hương như loài quế. Sự ví von này làm Đỗ Chu giật thột và Trần Đăng Khoa cảm phục.

Tôi yêu Đỗ Chu, không phải vì ông bên ngoài xuề xòa, hoặc hay tếu táo khề khà. Lại từng bênh tôi chằm chặp, mắng người ta xơi xơi tận ở châu Âu, khi có người nói xấu lúc tôi không có mặt. Tôi yêu văn Đỗ Chu, vì ông sớm bộc lộ cái tài mà có khí chất. Nói vậy bởi mới có 17, 18 mà đã viết già dặn, đụng tới những vấn đề lớn lao của dân tộc bấy giờ. Lại không khi nào theo cái đa số a dua. Ví như khi người ta rào rào viết ca tụng Hợp tác xã, ông viết về nông thôn mà không nói một lời ca tụng, ví dụ viết về chiến tranh, ông không đùng đoàng, mà chỉ kể, tả về những thân phận yêu nhau, thủy chung và chua xót. Ấy là văn ông sớm bộc lộ cái đại khí cần theo đuổi ở một văn tài, có cái sâu bền của văn hóa, cái sâu hậu bao dung cần thiết cho con người…

THO1.jpg
ĐỖ CHU tên thật là Chu Bá Đình(ảnh). Bút danh Đỗ Chu lấy họ mẹ và họ cha ghép thành. Ông sinh năm 1943 tại Bắc Giang. Hai tập tuyển truyện ngắn Chuyện mùa hạ và Lão Mai do Nhà xuất bản Văn học xuất bản phát hành cuối tháng 11-2010.
Thứ nữa là văn Đỗ Chu, cho là có ảnh hưởng của Pautopski, vẫn là thứ trầm tư mà suy ngẫm, đẹp mà không ồn ào, không model. Nó gửi gắm theo cả không chỉ một hồn xứ Kinh Bắc mà còn chuyển tải nhiều điều chắt lọc trong tinh túy văn hóa Á Đông. Nhất là khi ông viết tùy bút, bút ký. Chính vì vậy, nhiều người trẻ bây giờ khó tiếp cận văn Đỗ Chu. Nó không bao giờ dành cho kẻ đọc nhanh, thời thượng. Nó là sự nhẩn nha, sống chậm như ăn chậm nhai kỹ để thụ hưởng tới kiệt cùng khi tận hưởng khoái lạc…

Ông vừa ra mắt hai tập tuyển truyện Mùa Hạ và Lão Mai. Ông khoe, sẽ in nốt tập Đường xa, tập hợp những bài viết về người Việt ở hải ngoại, họ như loài chim di, ngụp lặn chìm nổi trên sóng đại dương, thế là xong hẳn một đời văn.

Giờ, ông  lại dở dói làm thơ. Khiêm nhường ông tâm sự, thi sĩ giờ nhan nhản, anh chỉ là làm thơ không chuyên nghiệp. Bạn văn ông, như Trần Trương cũng bảo, cậu là thứ nhà thơ nghiệp dư.

Tôi cầm tập bản thảo 27 bài của ông mà không ngạc nhiên gì khi ông dở dói thơ ca. Bởi vì có nhà văn như dạng ông, van ông, có viết gì chăng nữa vẫn lộ ra cái tâm hồn thi sĩ lõi cốt, căn cớ. Đỗ Chu là tạng viết văn xuôi, kể vật hay người văn đều có phấn có hương. Nay cuối đời văn xuôi không viết được nữa. Sự sinh nở phải đúng thì và có thời vận! Hay là ông mệt mỏi, song cái khí chất vẫn còn ấm ức mà dùng thơ toát cả ra vậy? Nên thơ viết đều đều hai năm nay ra 27 bài cũng chẳng có gì mà lạ.

Thơ Đỗ Chu là dạng thơ vừa cũ vừa mới. Đấy là hình thức. Có bài ông rất niêm luật như Đường thi, lại có bài hiện đại bỏ vần trọng nhịp con chữ tràn ra... Song dù hình thức thế nào các vấn đề ông đưa ra không hề cũ hay mới, vẫn là thứ đụng vào cái muôn thuở của con người, của việc văn cho Người thì sát hơn.

Xin giới thiệu ba bài thơ ông trong tập Thương Hạ gồm 27 thi phẩm sắp ra mắt bạn đọc với một lời bộc bạch: Với tôi Đỗ Chu thật đáng yêu.
 
Thương Hạ
                             Tặng N

Thảng thốt tôi, thảng thốt em tuổi ấy
Là lúc con tu hú gọi mùa lên
Vải chín lự đôi bờ sông Đáy
Hạ kéo về mây trắng ngổn ngang bay
 
mây thương hạ, mây lặn vào trong sóng
sông dẫu nông mà bóng đã thành sâu
vải dẫu vụng một niềm chua dại dột
tiếng chim vang làm quả thắm trên đầu
Nghĩ
 
Tổ quốc bắt đầu từ rất xa
Nơi xác bạn tôi sóng hất lên bãi vắng
Đàn còng đuổi gió chạy nhung nhăng
Trắng xóa ngàn lau vu vơ năm tháng
 
Tổ quốc bắt đầu từ rất sâu...
Nơi anh tôi nằm, giữa giá lạnh  ngổn ngang
                                                                                   mìn súng
Trong con tàu không số chìm trăm sải vùng
                                                                                  nước tối
Điềm nhiên chẳng để lại một lời!
 
Tổ quốc bắt đầu từ rất lâu...
Buổi các vua Hùng vấn khăn đóng khố bỏm bẻm
                                                                                   nhai trầu
sớm mai xuân tưng bừng đào mận
nổi trống đồng
gọi dân làng mở hội kén dâu hiền rể thảo
nàng Mỵ Nương cởi yếm bì bõm tắm trong ang đất
chàng Trương Chi si tình buồn tênh trăng suông
gõ mạn thuyền nghêu ngao xẩm xoan
hỏi người đi đường cái quan
có về bến cũ mà toan sang đò.
 
Tổ quốc - một tình yêu lớn hơn mọi tình yêu
trên tất cả những gì đúng - sai - khôn - dại
cho ta những đêm dài...
Chuyện với bóng mình trước mảng tường vôi.
 
 Thẳm xanh
 
Hình như lẫn trong rừng, gió từng con rào rạt
ngoài chân mây bầm đỏ thổi về
em vẫn nhận ra mùi mồ hôi mặn mòi quen thuộc
một lồng ngực căng biết mấy nồng nàn
 
Hình như lẫn trong từng con sóng ồn ào đuổi nhau
lao đi làm cuộc nát tan trên cát
vẫn nghe có một giọng trầm làn môi hát
cùng em thì thầm lời kể dịu dàng
 
gió là gió lành sóng là sóng anh
em hất tóc lội vào đêm mê dại
dang cánh tay ngần ôm thẳm xanh
và anh chẳng biết đâu
giữa giấc sâu đêm nay em đã khóc...
                                             Đ.C
 
Nguyễn Văn Thọ
;
.
.
.
.
.