.

Kết nối tình thân

.

Đến từ nhiều nước khác nhau trên thế giới, dù là người mới đến hay đã sống và làm việc lâu năm ở  Đà Nẵng, họ đều có điểm chung là rất yêu thích cuộc sống hiền hòa nơi đây. Nhiều người đã chọn Đà Nẵng như quê hương thứ hai của mình.

 

Mô tả ảnh.
Francois rất thích cuộc sống và công việc của anh ở Đà Nẵng.

 

Nằm trong chương trình tặng xe đạp cho học sinh nghèo thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam của Hội Hữu nghị Nhật-Việt, chuyến đến Việt Nam lần này ông Izuka Shojiroh, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật-Việt thành phố Kawasaki cho biết sau cơn thảm họa động đất, sóng thần năm 2011 người dân Nhật đã nhận được sự giúp đỡ từ các nước bạn, trong đó có Việt Nam, người dân Nhật Bản rất cảm kích trước tình cảm của Việt Nam.

Chương trình tặng xe đạp được thực hiện từ năm 2003 đến nay vẫn tiếp tục được thực hiện và mong rằng sau này sẽ có thêm nhiều xe để viện trợ cho các em học sinh nghèo vượt khó. Đây là lần thứ 5 ông Izuka qua Đà Nẵng công tác, ông rất ngạc nhiên về những thay đổi của thành phố, mỗi lần đến lại có cảm nhận khác nhau, thấy đẹp hơn, mới hơn. “Bản thân tôi năm nay đã 76 tuổi nhưng trong tương lai còn đóng góp được gì cho Đà Nẵng tôi sẽ còn cố gắng để kết nối tình thân giữa Đà Nẵng và Kawasaki”. Còn ông Miyahara Haruo, Chủ tịch Hội, mỗi lần đến ông đều rất háo hức để thăm lại Đà Nẵng và những người bạn Việt Nam. Ông thích cách người Việt coi trọng những đồ vật quanh mình, “đặc biệt các học sinh được nhận xe, họ trân trọng những chiếc xe đạp chúng tôi mang sang nên chúng tôi thấy việc làm của mình rất có ý nghĩa và bản thân tôi coi Đà Nẵng như quê hương thứ hai của mình, làm được gì cho Đà Nẵng là làm cho chính quê hương mình”.

Công việc đòi hỏi ông phải đi nhiều nơi nhưng ông Choi Yoo Hwan, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Toàn Cầu đã chọn Đà Nẵng. Ngoài việc kinh doanh, ông còn làm tư vấn đầu tư. Do đã ở Việt Nam hơn 7 năm nên người Hàn Quốc tìm đến ông nhờ tư vấn, tìm hiểu thông tin trước khi đến Việt Nam tương đối đông. Theo ông, hiện nay khu vực miền Trung có khoảng 500 người Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc. Trong vài năm gần đây Hội người Hàn ở Đà Nẵng cũng có một số chương trình từ thiện, giúp đỡ cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Hằng năm, Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc ở Đà Nẵng còn phối hợp với Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng trao học bổng cho các sinh viên khoa tiếng Hàn có thành tích học tập tốt, điểm cao. Là người nước ngoài sống ở Đà Nẵng, nhưng ông rất tự hào giới thiệu với bạn bè về thành phố này. “Hiện nay công việc và cuộc sống của tôi rất thuận lợi nên tôi chưa có ý định quay về”, ông nói.

Có cơ hội sẽ quay lại

 

Bà Lê Thị Như Hồng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị thành phố Đà Nẵng: Hội thường xuyên chủ động kết nối với các tổ chức của các nước trên thế giới, chủ động giúp đỡ khi họ đến sống và làm việc tại Đà Nẵng. Những ngày lễ lớn của Việt Nam cũng như của nước bạn, Hội thường tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa, thu hút bạn bè quốc tế tham gia, tạo điều kiện để họ tìm đến Hội như một kênh thông tin tiếp cận, giúp họ dễ dàng hòa nhập với cuộc sống.

Đi làm công tác xã hội ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, các bạn sinh viên Trường Đại học Brockport dù vốn tiếng Việt ít ỏi nhưng đầy hào hứng. Courtney Michie (26 tuổi) lần đầu đến Việt Nam, cô cảm nhận con người nơi đây thật thân thiện, cởi mở, dễ kết bạn, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Cuộc sống thoải mái, không hối hả như ở Mỹ, tính cộng đồng của người Việt rất cao và cô thích kiểu quan tâm không chỉ trong gia đình mà trong cả cộng đồng.

 

Sinh ở Việt Nam, một tuổi đã theo bố mẹ sang Đức, Nguyễn Thị Bích Loan nói tiếng Việt chưa sõi, nhưng chị lại rất thích về Việt Nam. 8 tháng ở Việt Nam chưa phải là nhiều nhưng chị đã đi nhiều nơi, đến nhiều thành phố, giờ chị cùng chồng sống ở Đà Nẵng, chị thấy cuộc sống ở đây thật tuyệt, con người hiền hòa, cuộc sống thanh bình. Chị muốn ở lại đây lâu hơn để biết rõ hơn nữa về cuộc sống, con người quê hương mình.

Khi đến thăm và tặng quà cho những gia đình có con nhỏ bị tật nguyền, cả Bích Loan và Courtney đều nhận thấy phụ nữ Việt Nam thật kiên cường, dù khó khăn, vất vả nhưng họ vẫn lạc quan để sống. Muốn được giúp họ nhiều hơn nữa nhưng chỉ có thể làm được trong giới hạn của mình. Riêng Courtney cho biết, khi về nước, có cơ hội chắc chắn sẽ quay lại Việt Nam.

Gặp Francois Leonard tôi rất ngạc nhiên vì anh muốn trò chuyện bằng tiếng Việt mà không cần phiên dịch. Vốn tiếng Việt không nhiều nhưng Francois rất tự tin. Là người Pháp, từ khi quen và lấy vợ người Huế, anh chính thức biết đến Việt Nam và chuyển về sống ở Việt Nam. Anh chọn Đà Nẵng bởi đây là thành phố mới, các phương tiện giao thông cũng rất thuận lợi, có nhiều cảnh đẹp, có biển, có núi và đặc biệt anh có thể tự mình chạy xe máy tham gia giao thông. “Trời nắng tôi có thể đi biển, đi bơi, rảnh rỗi tự chạy xe về các vùng quê thăm thú mọi nơi, lúc nào thích thì chạy vào Hội An, điều mà ở TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội không thể làm được”.

Francois đã sống ở Việt Nam gần 3 năm, vợ chồng anh có một quán pizza và bánh ngọt ở đường Loseby (quận Sơn Trà), quán của vợ chồng anh là điểm đến của nhiều bạn bè trên thế giới. Họ tìm đến quán để trò chuyện và thư thả thưởng thức món bánh anh làm. Anh cho biết hồi mới sang lạ lẫm, chưa hiểu nhiều về văn hóa người Việt, gặp nhiều khó khăn trong ngôn ngữ, quan hệ với bạn bè, nhưng giờ thì anh rất tự tin vì có thể nói tiếng Việt, có thể thưởng thức các món ăn của Việt Nam. Thỉnh thoảng anh cũng đưa vợ con về Pháp thăm gia đình, nhưng trong tương lai anh muốn định cư lâu dài ở Việt Nam.

Thu Hà

;
.
.
.
.
.