Kính tặng Thầy Nguyễn Cao Triết
Chủ nhật, thầy hẹn gặp tôi ở quán cà-phê Huế xưa lúc bảy giờ rưỡi sáng. Loay hoay tìm đường mãi đến gần tám giờ tôi mới có mặt. Lại đi trễ nữa à?! Ôi trời, bao năm qua thầy vẫn vậy, vẫn cái kiểu vừa cười vừa trách đến chết người. Tự dưng tôi thấy mình bé dại như thời còn đi học.
Trong không gian hoài cổ của quán cà-phê thời gian hình như thôi chảy. Chút ánh nắng hiếm hoi của những ngày cuối thu hắt lên tóc thầy một ít vàng phai cũ kỹ đến nao lòng. Thầy vẫn uống cà-phê đen như dạo trước. Tôi bắt đầu bằng câu thăm hỏi:
- Trông thầy gầy hơn lần trước em gặp…
- Ừm!! Thầy vừa xuất viện hôm qua, hôm ni hẹn em uống cà-phê cho vui…
- Thầy đau làm sao? Tệ quá! Bọn em chẳng biết tin tức gì hết.
- Thôi, báo cho bọn em làm gì. Người già ấy mà, nay đau mai ốm là chuyện thường.
- Thầy ơi! Sắp kỷ niệm 50 năm thành lập trường Hòa Vang rồi, thầy về chứ?
- Sao lại không về. Cả một thời trai trẻ của thầy gởi lại cả nơi ấy…
Chúng tôi ngồi yên lặng bên nhau, mỗi người đuổi theo một ý nghĩ. Tiếng thầy xa xăm như nói với chính mình:
- Mười chín năm chứ ít đâu, làm sao mà
quên được?
- Thầy ơi! Hồi đầu năm bảy lăm thầy dạy bọn em là thầy mới ra trường hả? Lúc đó trông thầy rất trẻ và đẹp trai... Tôi cố lái câu chuyện sang hướng khác.
- Đâu có, thầy ra trường từ năm 1969. Nhận nhiệm sở ở trường Duy Xuyên, bây giờ là Trường THPT Phan Sào Nam. Trường chỉ có 8 lớp học từ lớp đệ Thất đến lớp đệ Tứ. Hồi ấy người ta gọi là Trường Trung học Đệ nhất cấp…
Câu nói bỏ lửng nửa chừng như sợi nắng vừa tắt vội trên hàng cây. Tôi im lặng nhìn thầy. Đôi bàn tay gầy thanh mảnh xoay xoay ly cà-phê theo giai điệu nhạc buồn. Trong tích tắc, tôi nhớ ngay cái cách thầy cầm viên phấn vẽ đường tròn trên bảng không cần com-pa khiến chúng tôi từng ồ lên khâm phục. Ngày ấy, thầy dạy chúng tôi môn Toán lớp 9. Tôi là đứa hay đi học trễ nhất. Không bao giờ thầy hỏi tôi vì sao. Có lẽ thầy đã biết học trò mình phải vừa đi vừa chạy cả chục cây số đến trường. Gần như trưa nào chúng tôi cũng ở lại trường để lao động. Con gái thì ươm cây cho Nông trường 29-3, con trai thì làm ở xưởng đinh. Những buổi còn lại thì sinh hoạt Đoàn, Đội, ngoại khóa… Chúng tôi thường túm tụm dưới gốc cây vông đồng ở trường Bồ Đề ăn vội bữa trưa. Thầy đi ngang qua, con gái chúng tôi đứa nào đứa nấy đỏ mặt giấu mấy củ khoai đang cắn dở. Dạo ấy thầy trẻ lắm!
Tự dưng thầy nhìn tôi:
- Em năm nay bao nhiêu rồi?
- Sao bỗng dưng thầy hỏi tuổi em?
- Thì để biết thầy… già chừng nào!
Có chút gì như là khói vương trong mắt. Tôi sẽ sàng cho thêm mấy viên đá vào ly cà-phê của thầy khuấy đều. Tiếng đá va nhau lanh canh nghe như nhịp đều đặn của thời gian gõ vào ký ức.
- Thầy nhớ, hồi trước đi học em cũng “quậy” lắm.
- Dạ! Thầy nhắc làm em xấu hổ quá.
- Thời gian nhanh thật đó. Nhớ ngày thầy mới ra trường, lần đầu tiên đến trình diện Ban giám hiệu lại bị bảo vệ bắt nhốt.
- Ôi! Nhìn thầy hiền thế kia sao lại có chuyện động trời đến vậy?!
- Hồi đó, vừa bước vào cổng trường, gặp ngay đám học sinh đánh nhau. Bảo vệ thấy thầy trẻ quá, tưởng nhầm học sinh nên tóm cổ luôn cả bọn lên phòng giám thị xử lý. Vừa nói thầy vừa cười rất to. Đôi mắt hấp háy sau đôi kính lão. Câu chuyện bỗng dưng trở nên rôm rả hẳn.
- Sau đó thì sao hả thầy? - Tôi không nén nổi
tò mò.
- Thay vì ở phòng giám thị viết kiểm điểm thì thầy được mời lên phòng thầy hiệu trưởng uống nước trà bàn công việc. Cả trường đều biết tên thầy là Nguyễn Cao Triết từ đó!
- Thầy ơi! Sao lúc đó thầy chọn nghề đi dạy?
- Thế còn em? Thầy nheo mắt nhìn tôi cười.
- Em cũng không biết. Hồi nhỏ, bọn em đứa nào cũng ngưỡng mộ các thầy, các cô. Nên em muốn được như thế.
- Thế có lúc nào em thấy tiếc nuối không?
- Cũng đôi lúc, nhưng mà em cũng bám được đến hôm nay.
- Vậy là tốt rồi. Bây giờ nhìn lại thầy cảm thấy lòng mình thật bình yên. Giữa cơn bão áo cơm thời bao cấp thầy đã từng chênh vênh khi thấy đồng nghiệp bỏ nghề chuyển sang buôn bán làm giàu. Nhiều người nói nghề giáo là nghề bạc bẽo, cả đời chỉ làm người lái đò đưa khách qua sông… Thầy thì nghĩ, bạc cũng tùy người. Nếu mình sống với nghề bằng tất cả cái tâm thì sẽ không bao giờ bị đối xử bạc. Bốn mươi năm làm nghề dạy học, với thầy buồn ít hơn vui.
- Thầy vui nhất khi nào?
- Khi học trò thi đậu. Lúc đó thầy trò vui như Tết. Học trò kéo tới nhà đông như hội. Phụ huynh chúc mừng nghe không kịp thở nữa là…
- Em nhớ ngày bọn em thi đậu cấp ba cũng là lúc thầy chuyển trường.
- Ừ, lúc đó Trường cấp II, III Hòa Vang tách làm hai khối. Thầy chuyển về Trường cấp hai Hòa Thọ. Hồi ấy, cuộc sống vất vả lắm. Thầy còn nhớ, tới mùa gặt hái, học trò nghỉ hàng loạt để phụ cha mẹ ra đồng. Lớp học vắng teo. Buồn nhất là mấy đứa học giỏi nhất lớp bỏ học nửa chừng. Tiếc nhưng chẳng biết làm gì giúp các em. Những năm dạy ở Hòa Thọ, thầy đạp xe đến từng nhà học trò thăm hỏi. Các ngõ ngách, xóm thôn của Hòa Thọ thầy thông thuộc như lòng bàn tay. Năm 1995 thầy chuyển công tác về Trường chuyên Nguyễn Khuyến mới thôi cảnh lội ruộng, băng đồng. Giờ nhìn lại thấy mình như ngọn nến đã cháy hết mình không tiếc nuối - Giọng thầy chợt cao lên pha lẫn chút tự hào.
- Có lẽ học trò của thầy cũng lên đến vạn người chứ ít đâu. Nói đâu xa, ba mẹ con em đều do một tay thầy dạy dỗ… Thầy hạnh phúc thật.
- Ừm! Học trò thầy làm việc khắp từ Nam đến Bắc. Có nhiều đứa khá thành công ở nước ngoài. Lâu lâu chúng nó vẫn gọi điện về hỏi thăm thầy. Hôm vừa rồi có người học trò cũ ở Duy Xuyên nhờ thầy dạy luyện thi cho cháu nội đang học ở Đà Nẵng. Nghĩ lại thấy cũng vui vui. Dạy cha, dạy con, rồi đến cháu nội. Còn có người nhớ đến và tin tưởng mình là hạnh phúc rồi, phải không em?
- Thầy vẫn còn dạy hả? Sức khỏe của thầy
thế kia…
- Không sao! Thầy dạy cho vui. Được sống giữa học trò thầy thấy tâm hồn mình trẻ mãi. Về hưu đâu có nghĩa thôi làm việc hả em? Những em học sinh nghèo, thầy dạy miễn phí. Còn lại đủ cà-phê với bạn bè cho vui.
Nghe thầy nói câu này tôi chợt nghe xấu hổ trong lòng. Trời ơi! Đã có lúc tôi toan tính đến lúc năm mươi sẽ xin về hưu trước tuổi. Để nhận mấy chục triệu tiền phụ cấp, tôi phải bây chầy trong chuyên môn, phải khai bệnh, giả vờ mệt mỏi, ốm đau và đi viện thường xuyên, phải chạy chọt trầy vi tróc vẩy, thậm chí hạ mình để kiếm cái giấy giám định y khoa (theo “cẩm nang” của một số đồng nghiệp đi trước để lại)… Soi vào ly cà-phê đang uống dở, tôi thấy gương mặt mình thật thảm hại.
- Sao bỗng dưng em im lặng thế! - Thầy ý tứ
dò hỏi.
Tôi như đứa học trò phạm lỗi, rụt rè:
- Dạ! Có đôi lúc em hụt hẫng. Em thấy, trước kia tuy nghèo khổ nhưng tình cảm thầy trò luôn được trân trọng. Bây giờ thời bọn em, cơ chế thị trường phá vỡ tình cảm thiêng liêng ấy. Chỗ đứng của thầy, cô giáo trong xã hội thật nhỏ bé. Nhiều lúc giảng bài học sinh không thèm nghe vì không phải khối thi, soạn bài chép nguyên sách mẫu. Em nản lắm! Thầy dạy bao nhiêu năm trong nghề, thầy cho em một lời khuyên...
Thầy trầm ngâm nhìn theo phin cà-phê nhỏ những giọt yếu ớt cuối cùng trước khi dừng hẳn. Ngồi tựa hẳn vào thành ghế, thầy hất mái tóc ra sau một cách điệu nghệ. Ánh mắt nheo lại nhìn xoáy vào tôi và nói:
- Cuộc đời này vốn chưa bao giờ có bài văn mẫu. Em cũng đừng như học trò của mình loay hoay tìm bài mẫu làm gì. Thầy nhớ đã từng dạy các em rằng: Cái còn lại của toán học là suy luận. Em hãy suy luận và tìm lời giải cho riêng mình. Có thể cơ chế giáo dục còn chưa thông thoáng, có thể quan điểm giáo dục hiện nay còn nhiều chỗ bất cập. Nhưng chúng ta đang trên đường đi, hứa hẹn sẽ có nhiều mới lạ trên hành trình phía trước. Chỉ cần em làm chủ bản thân, làm chủ kiến thức, sống với nghề bằng cái tâm trong sáng thì em đã tìm ra ẩn số của phương trình…
- …
- Đã có người hỏi thầy: Ông ráng kiếm cho được cái danh hiệu “Nhà giáo ưu tú’” trước khi về hưu? Suốt 40 năm đi dạy thầy chưa một lần nghĩ tới việc phải chạy đuổi theo một danh hiệu hay tiếng tăm nào. Thầy đã làm đúng bổn phận và lương tâm của một người thầy giáo. Danh hiệu chỉ là sự ghi nhận của xã hội đối với những gì mình đã làm, phải không em?
- Dạ…!
Giọng tôi khẽ khàng tan vào các thớ gỗ nâu trầm đầy triết lý nhân sinh của căn nhà rường mấy trăm năm tuổi, tôi cảm thấy tâm hồn mình nhẹ tênh như vừa được tắm gội trong một nghi lễ tinh thần cao khiết…
Như Hạnh