.
Hồ sơ tên đường

Nguyễn Phước Chu, người mở cõi về phương Nam

.
Nguyễn Phước Chu, còn gọi là Nguyễn Phúc Chu (1674 – 1725) là vị chúa thứ 6 của đời Nguyễn, người đương thời gọi là Quốc Chúa. Ngoài việc lo sửa sang chính trị, mở các khoa thi để kén chọn nhân tài, ông còn có công quan trọng trong việc mở rộng thêm bờ cõi nước ta về phía Nam.

Mô tả ảnh.
Trạm Y tế phường Hòa Hiệp Bắc nằm bên đường Nguyễn Phước Chu.
 
Thuở nhỏ ở trong cung, ông chăm học, tài kiêm văn võ được phong là Tả bính dinh Phó tướng, Tộ Trường Hầu. Khi chúa Anh Tông mất (1691), ông lên kế vị, triều thần tôn là Bình Chương quân quốc trọng sự Thái bảo Tộ quốc Công, đương thời gọi là Minh vương.

Ông sùng mộ Phật giáo, quy y với Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán (người Trung Quốc, được Quốc chúa mời qua Phú Xuân năm 1695 để mở Đại giới đàn), được Hòa thượng Bổn sư đặt pháp danh Hưng Long, hiệu Thiên Túng đạo nhân và khai thị: “Đạo nhà vua ở nơi việc trị nước an dân. Đạo chỉ có một nhưng địa vị mỗi người mỗi khác nhau. Nếu kẻ cai trị quốc gia hủy bỏ tất cả pháp lệnh, kỷ cương để cưỡng cầu thanh tịnh, ấy là chẳng biết thanh tịnh vậy”.

Nhận lời mời của ông, Hòa thượng Thích Đại Sán có đến Non Nước (Ngũ Hành Sơn) vãn cảnh và khi trở về có viết tập Hải Ngoại Ký Sự (Viện Đại học Huế ấn hành bản dịch năm 1963) với nhiều bài thơ ca tụng cảnh đẹp nơi này, nhất là chùa Tam Thai.

Thời ông cầm quyền, phía Bắc vẫn giữ vững biên thùy với chúa Trịnh, phía Nam ông đưa nhân dân đến các vùng đất mới phương Nam khai khẩn đất hoang sát biên giới Chân Lạp.

Năm 1693, lấy cớ vua Chiêm Thành bỏ lệ tống cống nước ta, ông sai quan Tổng binh Nguyễn Hữu Kính mang quân đi chinh phạt. Vua Chiêm là Bà Tranh bị bắt, phần đất cuối cùng của Chiêm Thành bị chiếm và được đổi thành Thuận Phủ. Năm 1694, Thuận Phủ được đổi làm Thận Thành trấn và đặt ra phủ Bình Thuận (nay là Phan Thiết) gồm có huyện Yên Phúc (Phan Rí) và huyện Hòa Ða (Phan Rang). Kể từ đấy, nước Chiêm Thành xem như đã hoàn toàn sáp nhập vào Đại Việt.

Ðến năm 1698, ông lại cử Nguyễn Hữu Kính làm kinh lược đất Chiêm Thành. Lấy xứ Ðồng Nai làm huyện Phúc Long, xứ Sài Côn (sau này là Sài Gòn) làm huyện Tân Bình; đặt Trấn Biên dinh (tức Biên Hòa ngày nay) và Phiên Trấn dinh (tức Ðịa Dinh). Những lưu dân từ Quảng Bình trở vào, được đưa đến vùng đất mới để khai khẩn đất đai, sinh cơ lập nghiệp.

Năm 1702, bọn phiêu lưu người Anh gồm 200 người trên 8 chiến thuyền do Allen Catchpole chỉ huy đến cướp phá chiếm cứ đảo Côn Lôn, xây dựng pháo đài kiên cố. Ông sai Chưởng dinh Trấn biên Trương Phước Phan đem quân đốt tan sào huyệt giặc, tịch thu rất nhiều chiến lợi phẩm.

Sau biến cố trên, ông nhìn thấy tầm quan trọng đặc biệt của quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong việc quốc phòng lâu dài nên năm 1711 ra lệnh cai đội Thuyên Đức Hầu đem lính ra đo đạc Trường Sa để xác lập chủ quyền, khai thác hải sản. Như vậy trong lịch sử nhà nước Việt Nam chính Nguyễn Phước Chu là vị lãnh đạo đầu tiên có quyết định sáng suốt này từ 300 năm trước.

Ông còn là một tác gia lớn của văn học Việt Nam với khá nhiều tác phẩm thơ văn còn lưu lại. Chính ông chỉ đạo công trình kiến trúc chùa Thiên Mụ nổi tiếng đẹp nhất ở Đàng Trong. Một số văn vật như đại hồng chung, vân khánh đá, bia đá, hoành phi, câu đối… của thời này minh chứng cho đỉnh cao của kỹ thuật, nghệ thuật chạm khắc tạo hình và thư pháp của người Việt thế kỷ XVII-XVIII.

Ông có 146 người con, mất năm 1725, thọ 51 tuổi. Về sau, nhà Nguyễn truy tôn ông là Hiến Tông, thụy là Anh Mô Hùng Lược Thánh Minh Tuyên Đạt Khoan Từ Nhân Thứ Hiếu Minh Hoàng đế, đương thời gọi là Quốc Chúa. Thi hài an táng ở núi Kim Ngọc, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ở Đà Nẵng, tên ông được đặt cho con đường dài 800m, rộng 10m, nối từ đường Nguyễn Văn Cừ đến cổng Nhà máy Xi-măng Hải Vân, thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, theo Nghị quyết số 28/2003/NQ/HĐND ngày 11-1-2003 của HĐND thành phố về đặt và đổi tên một số đường của Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC
;
.
.
.
.
.