.

Trẻ “đói” sữa mẹ

.

“Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ”. Nói vậy, nhưng trên thực tế, lại là chuyện khác. Theo số liệu điều tra mới nhất của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2011, chỉ có chưa đầy 20% trẻ dưới 6 tháng được bú mẹ hoàn toàn, tức có trên 80% trẻ bị “đói” sữa mẹ. Tại Đà Nẵng, một lãnh đạo ngành Y tế bức xúc: “Tỷ lệ trẻ dưới 6 tháng trên địa bàn thành phố được bú mẹ hoàn toàn rất đáng báo động, làm cách nào số trẻ được bú mẹ tăng gấp 10 lần như hiện nay, may ra mới cải thiện phần nào nạn “đói” sữa mẹ”.

Mô tả ảnh.
Các bà mẹ tương lai tại huyện Hòa Vang được hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ tại phòng tư vấn Mặt trời bé thơ.

 Bỏ mẹ… ôm bình!

Có hàng ngàn lý do để trẻ sơ sinh mất cơ hội được bú mẹ hoàn toàn. Dù nhận thức của cộng đồng về giá trị sữa mẹ đã có, nhưng trong quá trình chăm con nhỏ, các bà mẹ đã gặp vô vàn rào cản khiến việc nuôi con hoàn toàn bằng dòng sữa do chính mình tạo ra bị “tắt”.

Ngoài lý do sợ xấu; đầu vú có vấn đề do trong quá trình mang thai không được chăm sóc đúng cách, chế độ nghỉ thai sản 4 tháng… thì tâm lý sợ không đủ sữa còn khá phổ biến. Thấy bà mẹ vừa qua cơn vượt cạn chỉ có vài giọt sữa đầu, đứa bé ọ ọe, nằm không yên, nhiều gia đình đã vội vàng pha bình cho bé uống cái “ực”. Họ nhìn nhau vẻ đắc ý: “Thấy chưa, nhỏ đói. Phải bú thêm sữa ngoài mới đủ no”. Và rồi, thay vì bé cần tích cực ngậm vú mẹ để kích thích tuyến sữa thì lại quay sang ôm vú… giả. Tâm lý này càng được cổ xúy, khi hiện nay không ít cán bộ y tế tại một số bệnh viện thay vì động viên các bà mẹ cố gắng vượt qua cơn đau và những khó khăn trong thời gian đầu cho con bú để bé được tiếp nhận trọn vẹn “giọt ngọc của trời”, họ lại khuyến khích gia đình mua sữa X., sữa Y.

Chị Trần Thị Tố Nga, cán bộ kiêm tư vấn viên, Trạm Y tế phường Xuân Hà, quận Thanh Khê cho biết: “Trong quá trình thai phụ đến khám, tôi có tư vấn về giá trị của sữa mẹ và ý nghĩa việc trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn. Các chị ậm ừ và thừa nhận rằng thời xưa ai cũng nuôi liên tù tì mười mấy đứa bằng sữa mẹ mà vẫn đủ dinh dưỡng cho đàn con đó thôi. Vậy mà, đến ngày bồng bé 1, 2 tháng tuổi ra trạm tiêm chủng, lại thấy chính họ kè kè… bình sữa”. Chị Nga tỏ vẻ thất vọng: “Hóa ra, mình có nói gì cũng đổ sông, đổ biển”. Ngay cả với người thân trong gia đình, nhiều lần chị đành bất lực: “Tôi khuyên nên cho con bú mẹ, em tôi giận: Chẳng lẽ tiếc tiền mua sữa cho con uống sao?”

Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho hay: Thực sự trong 1 - 2 ngày đầu, bé sơ sinh chỉ cần 5 - 7ml sữa cho một cữ bú. Sợ bé không no rồi pha 30, 40ml cho trẻ “đằm cái bụng” là sai về nguyên tắc khoa học. Ban đầu, ruột bé cần chừng nấy sữa thì mẹ hoàn toàn có thể đáp ứng được. Theo thời gian, bé bú nhiều, lượng sữa của mẹ cũng dồi dào lên. Hơn nữa, sữa mẹ dễ tiêu hóa nên bé sẽ bú liên tục để đáp ứng đủ nhu cầu cơ thể chứ không bị no lâu như sữa bột công thức.

Mô tả ảnh.
Đông đảo ông bố, bà mẹ đi nghe tư vấn dinh dưỡng do các hãng sữa bột tổ chức .

 Hãng sữa giàu, trẻ tăng nguy cơ nhiễm bệnh!

Trong khi các bà mẹ có thể tự “sản xuất” sữa cho con bú, họ lại đi “làm giàu” cho các hãng sữa. Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), mỗi năm Việt Nam tiêu tốn 3,6 tỷ USD cho trẻ dưới 6 tháng bú sữa bột. Đã thế, thiếu sữa mẹ, nguy cơ nhiễm bệnh của trẻ tăng gấp nhiều lần và nước ta mất khoảng 500 triệu USD chi phí điều trị các bệnh liên quan đến sức đề kháng kém do trẻ không được bú mẹ.

Riêng với mỗi gia đình, tiền mua sữa cho con thực sự là gánh nặng. Hơn nữa, nếu sử dụng sữa mẹ đơn giản và thuận tiện chừng nào thì dùng sữa bột rắc rối chừng nấy. Chị N., nhân viên một công ty xuất nhập khẩu tại Đà Nẵng rối bời vì phải liên tục đổi khẩu vị cho con. “Lúc trước thì Friso, S26, GainPlus IQ, hiện giờ chuyển qua loại A. vì đi hội thảo nghe loại này giúp phát triển chiều cao, hàm lượng DHA&ARA cao giúp phát triển trí não”, chị N. nói. Chưa biết sau A. sẽ là sữa gì, chỉ thấy hiện tại mỗi tháng chị N. chi trung bình 1,5 triệu đồng tiền mua sữa. Anh H., một công chức, sau thời gian loay hoay hết tất cả những thứ sữa cao cấp đang có mặt trong nước mà con yêu vẫn không bụ bẫm lên, anh phải nhờ người quen mua sữa ống pha sẵn xách tay từ Mỹ. “Nhưng rồi bé vẫn không thích”, anh H. tâm sự.

Những trường hợp như chị N. hay anh H. không hiếm gặp, bởi người tiêu dùng đang bị nhồi nhét quá nhiều thông tin về sữa bột. Nghị định 21 của Chính phủ quy định rõ về việc nghiêm cấm mọi hình thức quảng cáo, khuyến khích sử dụng sản phẩm sữa cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Nhưng hiện nay người dân dù muốn hay không cũng nghe và thấy hằng ngày về giá trị “tuyệt vời”, thậm chí trên cả tuyệt vời của sữa công thức.

 Từ năm 2010, cơ bản các trạm y tế trên địa bàn thành phố đã chấm dứt tình trạng nhân viên hãng sữa đến tại trạm giới thiệu sản phẩm hay bán hàng khuyến mãi vào các ngày bé đi tiêm chủng. Trước đó, tình trạng trên diễn ra khá phổ biến. Riêng việc bệnh viện “dúi” sữa bột vào tay bệnh nhân qua nhiều hình thức khác nhau vẫn còn là thực trạng đau lòng chưa thể xử lý dứt điểm. Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến nói: “Chúng tôi rất bức xúc về vấn đề này. Nó liên quan đến lợi ích cá nhân nên phải xử lý bằng cách nào đây? Có thể căn cứ theo Nghị định 21, nhưng hiện nay Sở Y tế thành phố chỉ có 4 thanh tra mà phải làm quá nhiều việc cùng một lúc”. Về góc độ cá nhân, bác sĩ Kim Yến chia sẻ: “Mỗi lần vào bệnh viện thăm người thân, nhìn những gương mặt rạng rỡ, hạnh phúc của các ông bố hay người nuôi khi ôm bé trong tay và cho trẻ bú… bình, tôi luôn thấy chạnh lòng”.

Mọi bà mẹ đều đủ sữa cho con bú

 

Vì sao trẻ cần bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, không nước, không ăn bổ sung
- Sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất đối với trẻ.
- Sữa mẹ là dịch thể sinh học tự nhiên chứa nhiều chất kháng khuẩn, tăng cường sức đề kháng. Trong sữa mẹ có những yếu tố quan trọng bảo vệ cơ thể mà không một thức ăn nào có thể thay thế được.
- Cho con bú mẹ sẽ thuận lợi và kinh tế.
- Nuôi con bằng sữa mẹ có điều kiện gắn bó mẹ con. Đó là yếu tố tâm lý quan trọng giúp cho sự phát triển hài hòa của đứa trẻ.
- Cho con bú góp phần hạn chế sinh đẻ. Vì khi trẻ bú, tuyến yên tiết ra prolactin. Prolactin ức chế rụng trứng. Cho con bú còn làm giảm tỷ lệ ung thư vú.
- Giảm 13% nguy cơ tử vong cho trẻ nhỏ.

Những phàn nàn, lo âu của các bậc cha mẹ về nguồn sữa cho con bú là điều hoàn toàn có cơ sở, xuất phát từ chỗ thiếu hụt kiến thức và không có niềm tin vào hiểu biết của chính mình. Có con gái hay con dâu chuẩn bị lâm bồn, người đi trước trong nhà chủ yếu lo cái ăn, cái uống cho hồng hào đến “trông mòn con mắt”, nhưng ít ai dạy cụ thể thế nào là bú đúng cách, duy trì nguồn sữa trong lúc mẹ ốm hay đi làm sớm…

 

Nhằm giải tỏa phần nào các thắc mắc trên, đồng thời thay đổi thực trạng ít bà mẹ cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, từ tháng 9-2011, thành phố Đà Nẵng đã xây dựng 34 phòng tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ Mặt trời bé thơ, thuộc dự án Alive&Thrive (Nuôi dưỡng và Phát triển). Dự kiến, đến cuối năm nay, sẽ có thêm 5 phòng nữa được triển khai ở các trạm y tế xã, phường; khoa sản-nhi thuộc cơ sở y tế quận, huyện và phòng mạch tư nhân. Các bà mẹ đến đây sẽ được tư vấn về quá trình chuẩn bị làm mẹ và được hỗ trợ các giải pháp nuôi con nhỏ dưới 2 tuổi.

Theo các tư vấn viên của chương trình, mọi bà mẹ đều đủ sữa cho con bú. Cách đơn giản nhất để có nhiều sữa là tích cực cho bú. Đồng thời, để duy trì nguồn sữa và lượng sữa tiết ra nhiều thì cho bú đúng cách là vấn đề các bà mẹ cần quan tâm. Nếu không có điều kiện cho bé bú trực tiếp, người mẹ có thể vắt sữa ra cốc (ly). Hạn chế vắt ra bình có núm giả khiến bé dễ lơ núm mẹ.

Thu Hoa

;
.
.
.
.
.