.

“Mẹ hiền” ở trường chuẩn quốc gia

.
Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo. Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền. Câu hát từ rất lâu đã đi vào đời sống nhân văn, lưu giữ trong tâm hồn các thế hệ mầm non hình ảnh đẹp đẽ của những cô giáo – mẹ hiền.

Mô tả ảnh.
Để bày tỏ yêu thương, gần gũi với trẻ, nhiều cô giáo như cô Lợi chọn âm nhạc thì cô Thu chọn các trò chơi dân gian.
 
Cô giáo chuẩn “xây” trường chuẩn

5 năm trước, cô sinh viên Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng Lê Thị Lợi có lần đến ôn bài dưới mái hiên chùa Minh Phước ở tổ 34 khu vực Hòa Mỹ 1, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Nhìn sang bên kia cô thấy Trường mầm non (MN) Tuổi Ngọc đang xây dựng, nghĩ thầm trường chi mà hoang vắng quá, không tường rào cổng ngõ, không biết rồi có ai gửi con vô học không? Hai năm sau, tốt nghiệp, cô được một người quen giới thiệu vô đúng cái trường... hoang vắng đó.

Mới 2 năm, trường đã thay đổi nhiều, đã thấp thoáng bóng cây xanh với đàn bé nô đùa bên các cô nuôi dạy trẻ. Cô Hiệu trưởng Ngô Thị Dao, như lệ thường mỗi khi có giáo sinh nào mới ra trường đến xin việc, hỏi cô Lợi có biết hát, biết đàn không? Lợi học chuyên ngành sư phạm MN có bộ môn nhạc lý căn bản và thực hành trên đàn organ, từ lúc còn ngồi trên ghế giảng đường cô đã có sáng tác đầu tay với bài hát “Một thời sinh viên”. Nhờ kỹ năng này, cô đã nhanh chóng trở thành một thành viên của đại gia đình MN Tuổi Ngọc.

Trường MN Tuổi Ngọc, năm 2009, sau 3 năm thành lập và phát triển, đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Tin vui này đã làm nức lòng cô, cháu và phụ huynh cả trường.

Cô Lợi, từ khi mới bước chân vào trường đã “bị” cái vẻ đẹp của trường-làng-giữa-phố này hút hồn: giàn gấc đỏ, vườn chuối xanh, luống rau tươi... Những ngày hè nắng nóng, cô hiệu trưởng hì hục bê đá, trồng cây, cùng mọi người xắn tay làm đẹp trường, đẹp lớp. Chào đón sự kiện trường đạt chuẩn quốc gia, cô Lợi nghĩ, mình phải viết một cái gì đó để đánh dấu công sức cô và cháu bỏ ra vì ngôi nhà chung của mình. Bài hát “Mái trường thân yêu” ra đời, ghi lại cảm xúc của cô giáo trẻ qua từng bước đổi thay của trường, từ ngày mới dựng lên trên mảnh đất khô cằn không bóng cây xanh, lớp học lặng im, sân trường buồn tẻ, đến khi cả trường ngập tràn tiếng nô đùa của trẻ thơ bên những cô giáo – mẹ hiền.

Trường hiện có 29 cô giáo thì 100% đã đạt chuẩn và 86% đạt trên chuẩn với 3 giáo viên giỏi cấp thành phố, 9 giáo viên giỏi cấp cơ sở, cao nhất ngành MN toàn thành phố. Điều đáng nói là, theo cô Hiệu trưởng Ngô Thị Dao, hầu hết các cô đã biết sử dụng máy vi tính và đàn organ để có thể tự xây dựng tiết dạy của mình và mang lại niềm say mê học tập, vui chơi đối với trẻ.

Mô tả ảnh.
Các “mẹ hiền” đã nâng niu từng cánh hoa, từng vạt cỏ để tạo ra một không gian thiên nhiên cho trẻ. TRONG ẢNH: Khu vui chơi của Trường MN Tuổi Ngọc.
 
Những bài học nhớ đời
 
Các cô giáo MN, một khi đã chọn nghề là phải biết trải lòng mình ra để đón nhận lòng thương yêu, sự tin cậy của trẻ và cả phụ huynh.

Lần nọ, cô Phan Thị Phương Thu ở Trường MN Tuổi Thơ, quận Liên Chiểu, thấy một bé gái đùa nghịch với bạn, tóc tai rũ rượi, rối như tổ quạ. Chải tóc cho bé mấy cũng không được, cô cầm kéo cắt, cẩn thận như là cắt tóc con mình. Rồi lại nghĩ, sao mình dại dột thế, nhỡ về nhà phụ huynh phản ứng rồi mắng mình thì sao? Hôm sau, mẹ cháu đưa cháu đến trường, gặp cô rối rít cảm ơn, rằng cô cắt đầu tóc cháu đẹp quá, rất hợp với khuôn mặt, thế mà lâu nay chúng tôi không nghĩ ra.

Gần 10 năm làm “mẹ hiền” cho các cháu bé từ 24 đến 36 tháng tuổi – lứa tuổi đòi hỏi sự chăm sóc của cô giáo đúng nghĩa là mẹ hiền, cô Thu có nhiều kỷ niệm buồn vui. Cô và một người nữa phụ trách một nhóm 15 trẻ, lo tất tần tật mọi việc cho từng cháu như một người mẹ, từ chuyện trái nắng trở trời cho đến việc phải xay cơm nếu trẻ không ăn được. Gặp lúc chừng đó cháu khóc “đồng ca” là các cô tay bế tay bồng, có khi muốn khóc... theo! Thế mà trong 7 năm trời, từ 2002 đến 2009, chỉ với mức lương 700-800 nghìn đồng mỗi tháng từ khoản thu học phí của phụ huynh vùng tái định cư Hòa Minh, các cô vẫn “bám” nghề, từ 2009 đến nay mới được hưởng lương theo ngạch bậc, khoảng gần 2,5 triệu đồng/tháng.

Cô Đặng Thị Công 32 năm nuôi dạy trẻ ở Trường MN công lập Hòa Tiến 2, có lẽ là một trong những “mẹ hiền” lâu năm của ngành MN ở Đà Nẵng. Theo cô, muốn trẻ thương yêu mình thì mình phải như là người mẹ thứ hai của trẻ, bởi thời gian trẻ ở trường nhiều hơn ở nhà. Cô kể, lúc dạy ở điểm trường phụ thôn An Trạch, có lần tan trường đã lâu nhưng cô vẫn không thấy phụ huynh đến đón một cháu bé. Chờ mãi, mới có chị gái... đang học lớp Một, đến đón. Hai chị em dắt nhau về, trên đường bị một con bò hất tung cánh cửa sắt đổ xuống đầu cháu bé, phải đi cấp cứu. Cô Công và cô hiệu trưởng bị phụ huynh trách móc nặng lời ngay tại bệnh viện. Khi mọi việc đã êm xuôi, phụ huynh cũng đã hiểu ra lỗi của gia đình và ngỏ lời xin lỗi.

Cô Lê Thị Hậu, 21 năm về trường, cũng một lần “đứng tim” như thế. Hôm đó lớp cô có một cháu bỗng dưng trượt chân ngã, người mềm như bún. Hoảng quá, cô tự mình mày mò làm hô hấp nhân tạo. Một lát, cháu tỉnh lại, cô mới dám báo lên hiệu trưởng để đưa cháu ra trạm y tế xã. Đang lo sợ thì phụ huynh đến cảm ơn cô đã lo cho cháu rồi bảo, không chi đâu cô, ở nhà cháu cũng hay bị vậy mà.

Cô Công, cô Hậu đã có được bài học nhớ đời khi muốn làm “mẹ hiền” với các cháu MN của mình.

Ngôi nhà có tên là trường mầm non

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay, Trường MN Tuổi Ngọc tổ chức lễ đón Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng công nhận Trường MN đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và Cờ thi đua dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước ngành học MN thành phố năm học 2010 – 2011. Vậy là Tuổi Ngọc chính thức có tên trong “Top 5” các trường MN đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 ở Đà Nẵng. (Thành phố hiện có 27/130 trường MN đạt chuẩn quốc gia, trong đó 22 trường đạt mức độ 1 và 5 trường đạt mức độ 2).

Ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng cho biết, từ nay đến năm 2015 ngành sẽ phấn đấu có 40% trường MN đạt chuẩn quốc gia theo Nghị quyết Đại hội lần thứ 20 của Đảng bộ thành phố, riêng năm học 2011-2012 sẽ có thêm 12 trường đạt chuẩn, trong đó có 2 trường đạt mức độ 2. Theo ông Chinh, một trong những tiêu chuẩn để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là có nhiều “mẹ hiền” đúng nghĩa trong ngôi nhà chung có tên là trường mầm non.

VĂN THÀNH LÊ
;
.
.
.
.
.